Mùa lễ tết nói chung tạo ra một nghịch lý trong cảm xúc con người. Có một bộ phận yêu thích, hào hứng nhưng ngược lại, không ít người tồn tại cảm xúc sợ hãi, lo lắng và cảm thấy cô đơn trong mùa lễ hội. Hiện tượng này càng ngày càng phổ biến với những con số “biết nói” như 3/5 người Mỹ cảm thấy sức khỏe tâm thần của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các ngày lễ.
Cuộc trò chuyện giữa Báo Phụ nữ TPHCM và chuyên gia tâm lý - tiến sĩ Trần Hữu Đức, chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ được với mọi người về cách vượt qua nỗi buồn mùa lễ hội.
Tiến sĩ Trần Hữu Đức: Mùa lễ hội hay cụ thể hơn là mùa tết cổ truyền của người Việt thông thường sẽ vui. Tuy nhiên, vẫn có một số người càng tới tết, càng áp lực.
Với người đi làm, dịp cuối năm, nhân viên sẽ có nhiều KPI cần phải đạt để làm báo cáo. Khi vừa làm xong thì phải lập tiếp những kế hoạch, định hướng cho năm mới. Các áp lực dồn nén trong thời gian ngắn khiến bản thân họ luôn căng thẳng, thậm chí kiệt sức.
Chưa kể áp lực còn đến từ những kỳ vọng, tập tục quen thuộc như tết là phải mua sắm, chưng hoa, mua quần áo đẹp, cho tiền cha mẹ... và nhiều kỳ vọng khác về thưởng tết, công việc. Nếu tài chính không dư dả, mùa tết với nhiều người sẽ khó vui trọn. Trong ký ức, nhiều người chứng kiến cha mẹ cứ tết đến là cãi nhau vì chuyện nợ nần.
Chưa dừng lại, thời nay, áp lực còn đến từ mạng xã hội. Ngày xưa, chúng tôi chỉ áp lực với bạn bè trong lớp, đồng nghiệp hay những mối quan hệ gần gũi khác. Còn bây giờ, áp lực đến từ toàn cầu. Những nội dung cực hút view thì 1 là thông tin tiêu cực, 2 là những gì thuộc về giới thượng lưu, sang trọng bậc nhất. Một ngày không vui, mở mạng xã hội, thấy người khác giàu có, tự nhiên bản thân thấy mình nhỏ bé và bị áp lực.
Xa cách cũng là nguyên nhân gây căng thẳng mùa tết, gồm: xa cách địa lý và xa cách vì mạng xã hội.
Trong 6 nguyên nhân gây căng thẳng dịp tết gồm: nguyên nhân đến từ kỳ vọng, mạng xã hội, ký ức, tài chính, hiện tượng kiệt sức và xa cách thì xa cách là nguyên nhân hiện hữu nhưng nhiều người không để ý.
Ngày trước ai quê ở đâu thì lập nghiệp ở đó. Còn giờ, người Việt thường có xu hướng đi đến các thành phố lớn để học tập, xây dựng sự nghiệp, thậm chí đi nước ngoài. Xa mặt cách lòng nên không phủ nhận khoảng cách địa lý đang làm mọi người xa cách. Nói đến công nghệ, ta tưởng rằng nhờ công nghệ, nhờ mạng xa hội, chúng ta được “gần nhau” hơn nhưng thực chất, chúng ta vẫn rất xa nhau. Có nhiều nhóm bạn trên mạng rất xôm nhưng hẹn gặp mặt thì lại khó vì đủ lý do. Hay một cặp yêu nhau, hẹn hò, nhưng trên tay mỗi người cầm một chiếc điện thoại. Họ rất gần nhưng lại rất xa đó thôi!
Tôi muốn nói rõ hơn về cách mà cảm xúc vận hành. Các thông tin tác động vào não thông qua 5 giác quan. Điều thú vị là có một bộ lọc vô thức tồn tại và thông qua bộ lọc đó ảnh hưởng đến cảm xúc và lý trí. Trong tâm lý của con người, không phải mình được quyền quyết định mọi thứ. Mình phải đủ khiêm tốn để biết rằng sâu trong nội tâm, có một thứ gọi chung chung là vô thức, và nó ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của cá nhân.
Ví dụ, thông qua mắt và tai, thông tin trên kênh TikTok đi vào não bộ và chạm vào hệ giá trị gia đình, đoàn viên. Khi thông tin đến bộ lọc vô thức, người đó được gợi lại rằng trong ký ức, họ chưa bao giờ cảm nhận được tết đoàn viên vì cha mẹ sống xa nhau và mất sớm. Thiếu thốn tình thân nhưng quảng cáo dịp tết cứ nói về điều này nên vô tình gây tổn thương, kích lên dòng cảm xúc buồn chán, thất vọng. Lý trí lúc này tự nghiền ngẫm theo hướng bi quan.
Một số người có tính cách hướng nội, khi có muộn phiền, họ quay về với chính họ mà không chia sẻ với ai. Họ lẻ loi trong nỗi buồn của mình. Một số người thì hoài cổ, hoài niệm. Khi hỏi về tương lai, họ không trả lời nhưng lại hào hứng với quá khứ, nhớ rất rõ hồi ức xưa như kiểu họ bị mắc kẹt. Muôn hình vạn trạng cảm xúc nên khi thấy ai đó buồn, chán đừng vội phán xét mà thử tập lắng nghe, có thể bạn sẽ ngộ ra nhiều điều.
Có 3 giải pháp tương ứng với 3 chữ “C” cần tập luyện gồm: Cảm ơn, chọn lọc và “chay”.
Về nguyên nhân gây căng thẳng từ sự kỳ vọng, tôi không nói rằng kỳ vọng là xấu và “Hãy ngưng kỳ vọng” mà tôi muốn nói là “Hãy cảm ơn đi”. Sau một năm làm việc vất vả, hy vọng được nhận 2 tháng lương nhưng công ty khó khăn, chỉ thưởng 1 tháng. Kết quả thấp hơn kỳ vọng nhưng hãy mừng vì còn công việc, còn được thưởng. Ngoài kia nhiều người mất thưởng, mất tết cơ mà. Học cảm ơn chân thành sẽ hoá giải được những thất vọng. Trong sự xa cách của xã hội ngày nay, bạn vẫn sẽ phải chấp nhận xu thế này, không thể nào đi ngược. Nhưng hãy nên chọn lọc mối quan hệ, đừng để vì thuận tiện mà quen nhau, kết giao. Hãy dành thời gian để bồi đắp những mối quan hệ đáng tin cậy, chất lượng.
Với mạng xã hội, tuỳ vào công việc, điều kiện, có thể thử “chay” công nghệ ít nhất 1 ngày trong tháng. Ngày hôm đó, bạn đừng dùng điện thoại, máy tính, ti vi mà hãy để bản thân thư giãn. Khi kiêng như vậy, tôi tin bản thân bớt những nguồn năng lượng tiêu cực.
Với nguyên nhân xuất phát từ ký ức, tài chính và tình trạng kiệt sức thì thực hiện một vòng lặp tương tự về học cách cảm ơn, cho đi và tập “chay” cảm xúc. Nói ra tưởng chừng khó thực hiện, vô lý như khi đang khó khăn tài chính sao phải học cách cho đi? Hãy nhớ rằng, khi chỉ có 30.000 đồng trong tay mà ta giúp được 1 ai đó có bữa ăn ấm bụng qua ngày, niềm vui ta nhận về còn giá trị hơn số tiền mà ta đã cho. Có ít mà vẫn giúp được nghĩa là ta vẫn còn giàu có, đừng để tâm hồn mình vì vật chất mà trở nên “nghèo” đi.
Tôi có thêm 2 giải pháp cho những ai “lỡ” cô đơn trong dịp tết này. Một là viết nhật ký cảm xúc. Hai là thực hiện thử thách 21 ngày đầu năm.
Bạn viết nhật ký đừng lan man, nghĩ gì viết nấy mà hãy viết theo đúng phương pháp. Có 6 nội dung bạn cần viết rõ theo 6 cột cụ thể. Đầu tiên là viết rõ bối cảnh của mình. Ví dụ: “Hôm nay là ngày cuối cùng của năm, tôi không về quê ăn tết mà ở lại TPHCM. Bây giờ, tôi đang ngồi một mình trong căn gác trọ, bà chủ và mọi người đã về quê ăn tết”. Đến cột thứ hai, là gọi tên cảm xúc - “Tôi thấy cô đơn, lạc lõng”. Cột thứ 3, hãy nói lên tiếng nói nội tâm - “Mình thật bất hạnh, sao tết lại cô đơn đến thế. Chắc vì năm qua mình không cố gắng đủ nhiều”. Cột thứ 4 viết về hành vi sau đó - “Để bớt buồn mình chơi game, cày phim, xem livestream để “giết” thời gian”. Đến cột thứ 5 hãy viết về tâm trạng kéo theo sau khi thực hiện hành vi đó - “Tôi vẫn không bớt buồn, không bớt cô đơn”. Bước thứ 6 là tự đánh giá bản thân - “Mình đã để cảm xúc tiêu cực ngự trị. Rõ ràng là mình chọn ở lại mà. Lý ra mình nên gọi điện về để thăm hỏi người thân thay vì làm những việc vô bổ”... Bài tập này nghe hơi lý trí quá bởi khi đang buồn khó bình tâm mà viết nhật ký. Nhưng ai chịu khó làm, tôi tin sẽ thấy kết quả. Chỉ khi viết ra mình mới có dịp tách ra khỏi nỗi buồn, gọi tên cảm xúc, quan sát bản thân và tự quyết định thay đổi hành vi, cảm xúc. Nhật ký này nên viết mỗi ngày để có dịp hiểu bản thân mình hơn.
Phương pháp thứ 2 là thực hiện thử thách 21 ngày đầu năm. Thống kê về mặt thần kinh thì cần 21 ngày liên tục để hình thành thói quen. Tương tự như phương án 1, bạn cần ghi rõ ra mục tiêu. Ví dụ thách thức tôi chọn là gì? Khi đạt được điều này tôi sẽ được gì? Nếu không đạt được tôi sẽ mất gì? Điều gì làm tôi tin tôi đạt được? Ai là nhân chứng khi tôi đạt được? Thời gian bắt đầu và kết thúc thách thức? Khi đạt được tôi sẽ thưởng gì cho bản thân?... Ghi càng cụ thể càng tốt để xác định mục tiêu và lên dây cót tinh thần thực hiện.
Cảm xúc muôn hình vạn trạng nhưng nếu xác định được cốt lõi vấn đề, những nút thắt sẽ được gỡ bỏ dần. Hãy tin rằng mình tồn tại trên đời đáng được hưởng niềm vui, hạnh phúc. Lắng nghe và chọn cách phù hợp để ứng xử với cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Tôi tin chúng ta làm được.
Cảm ơn ông đã chia sẻ.