Tết - về quê hay ở lại?: Quê nhà luôn chờ những đứa con xa

08/02/2024 - 06:49

PNO - Người ta hay nói còn cha còn mẹ thì còn nhà. Cha mẹ không còn thì quê nhà chỉ là nơi để ghé qua. Tết về cũng được, không về cũng không sao. Nhưng tôi không nghĩ vậy.

 

Những con đường làng rợp sắc mai vàng, khiến những đứa con xa quê mềm lòng (ảnh minh hoạ)
Những con đường làng rợp sắc mai vàng khiến những đứa con xa quê mềm lòng - Ảnh minh họa

Quê tôi ở miền Tây. Nơi đó tôi đã sống suốt thời ấu thơ hồn nhiên. Thời tuổi trẻ, tôi từng khao khát được rời quê, lao về chốn thị thành để thỏa mãn ước mơ được trải nghiệm và thử thách bản thân. Tôi như con chim hớn hở quăng mình vào bầu trời cao rộng. Nhưng bay cao bay xa, mỏi cánh rồi mới chợt nghiệm ra chốn bình yên, nơi chữa lành chính là nhà, là quê hương xứ sở.

Nhà tôi ngày xưa chỉ là mái lá đơn sơ. Tết đến, ba xin cành mai từ nhà nội mang về cắm vào bình. Mấy chị em xúm xít gói bánh ít, làm mứt dừa, ngào chuối khô… vậy là có tết. Thời đó chỉ quanh quẩn trong xóm, ai cũng như ai nên vẫn sống vui vẻ trong cảnh nghèo.

Tối đêm giao thừa, nghe râm ran phía thị xã tiếng pháo nổ đì đùng. Ba tôi nói: “Sang năm mới rồi đó con”.  Tôi lắng nghe tiếng pháo. Nhìn về phía thị xã một vòm sáng rực trên bầu trời, nghĩ ở đó đèn đuốc rực rỡ chắc vui. Lớn khôn rồi mới biết, vui hay không không do hoàn cảnh, mà do lòng mình cảm nhận.

Ba thắp nhang lên bàn thờ má, lâm râm khấn nguyện má về ăn tết, phù hộ mấy cha con mạnh khoẻ bình an. Mấy chị em đứng sau ba, lần lượt dâng hương cho má. Giao thừa không có lì xì, không có áo mới, chỉ có nỗi ngậm ngùi vì má đã đi xa. 

Chị Hai trải chiếu ở góc sân, bày bánh mứt và bình trà. Ba tôi và mấy chú hàng xóm uống trà, bàn chuyện tết nhất, mùa màng. Chị Hai gom lá, đốt lửa nướng bánh tráng, bánh phồng. Tôi và chị Bảy háo ăn tới nỗi mặt mũi tèm lem tro than. Trong ánh lửa bập bùng, mấy chị em cùng lũ bạn trong xóm hồn nhiên chạy nhảy, chơi trốn tìm… 

Nhà tôi khi đó có con mương nhỏ trước nhà. Muốn sang hàng xóm phải qua cầu khỉ. Cây cầu dựng bằng mấy cây tre, 2 bên có tay vịn để người qua cầu giữ thăng bằng. Cây cầu đó chị em tôi ngày mấy lượt đi học, ra đồng. Ngày tết, tôi mang mứt dừa, mứt me cho lối xóm, nhận lại bánh phồng, bánh in… Tình làng nghĩa xóm thân thiết không khác gì ruột thịt.

Con mương nhỏ trước nhà là nơi anh Tư dạy tôi bơi. Anh chặt cây chuối thả xuống nước, dạy tôi ôm thân chuối, tập quạt chân. Cũng con mương đó, tôi và anh Tư hay chống bè đi câu cá… Nhớ mấy năm trước, dắt 2 con về quê, tôi kể mẹ và cậu Tư từng bơi ở đây, vui lắm. Bé Út ôm bụng cười sặc: “Trời ơi! Sao hồi nhỏ mẹ ở dơ dữ vậy? Nước đục ngàu vầy mẹ cũng bơi được?”. Tôi ngẩn ra rồi bật cười theo con. Chợt hiểu kỷ niệm khó quên đối với tôi, không có nghĩa là tụi nhỏ sẽ hiểu và đồng cảm. Các con tôi bơi ở biển, ở hồ bơi thì làm sao hiểu cảm giác vẫy vùng ở con mương hẹp, đạp chân vào bờ đất.

Con cháu xúm xít ở nhà thờ họ để chúc tết (ảnh Thuỳ Gương)
Ngày tết, đại gia đình tôi đoàn tụ ở nhà thờ họ để cúng ông bà và chúc tết 

Quê tôi giờ còn mồ mả ông bà. Nhà thờ tổ thì đứa em họ thờ cúng. Cuối tháng Chạp tôi về quê viếng mộ. Trong khi tôi ngồi bần thần bên dãy bia mộ ông bà, thì thằng em họ lẳng lặng ra vườn hái xoài, rau trái…  cho tôi mang đi. Cách em thầm lặng đón tôi khiến tôi cảm động. Tôi có cảm giác em luôn ở đây, sẵn lòng chờ đón khi ai đó quay về.

Anh Tư tôi giờ bôn ba nơi xứ người. Vài ba năm anh mới về quê ăn tết. Anh ra vườn thăm mộ ông bà, nhìn lại nền nhà cũ giờ chỉ còn là gò đất trống. Anh nhắc chỗ này hồi nhỏ hay chơi đánh trận giả với tụi bạn trong xóm. Anh ném “lựu đạn” vô đầu một đứa, làm nó u đầu, về nhà bị ba cho trận đòn. Chỗ kia anh ngồi chơi bắn bi. Ông nội thương đứa cháu đích tôn, cầm dù che cho anh khỏi nắng… Nhắc tới đâu, nghe ngậm ngùi tới đó, thương nhớ ùa về. 2 đứa con anh dù không rành tiếng Việt, nhưng đã học cách yêu quê nội qua lời kể của cha.

Người ta hay nói còn cha còn mẹ thì còn nhà. Cha mẹ không còn thì quê nhà chỉ là nơi để ghé qua. Tết về cũng được, không về cũng không sao. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Cha mẹ không còn, nhưng hồi ức êm đềm vẫn nguyên đó, nhà thờ tổ, mồ mả ông bà còn đây. Nhiệm vụ của chúng ta là gìn giữ nếp nhà, kết nối các thế hệ con cháu để chúng yêu thương, đoàn kết với nhau. Tết về quê là để người lớn hoài niệm quá khứ, người trẻ học cách yêu thương cội rễ ngọn nguồn. Con người ta có gốc rễ, bám vào gốc rễ mới có thể bay cao bay xa.     

Thùy Gương

Về quê để gói bánh chưng, đi chợ tết, cùng sửa soạn mâm cơm cúng gia tiên, bên người thân trong phút giao thừa… tận hưởng những khoảnh khắc quý giá.

Tuy vậy, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cùng với sự lựa chọn về hay ở là biết bao nỗi niềm. Mời bạn chia sẻ trải nghiệm và quan điểm của mình cùng Báo Phụ Nữ Online quanh chuyện về quê ăn tết. 

Bài viết xin gửi về email: online@baophunu.org.vn

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Hải 08-02-2024 19:29:25

    “ Quê hương là chùm khế ngọt “ , càng có tuổi người ta càng nhớ và nghĩ về quê hương nhiều hơn. Có lẽ không chỉ người sống ở nước ngoài mới nhớ quê mà cả những người rời quê đi làm ăn xa cũng sẽ canh cánh quê hương ở trong lòng…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI