Tết, về nhà để… lặng yên

07/02/2018 - 12:54

PNO - Cái nắng hanh hanh, cái gió hây hây ngày tết xui tôi nhớ tuổi thơ. Mùi nhang thơm xui tôi nhớ những điều không thực rõ.

 Tết năm nào, tôi cũng về quê, đôi khi chỉ để “ở trong quê và ngủ cùng quê”. Hồi nhỏ, tôi rất nhút nhát, ít nói; giờ ra ngoài mưu sinh, nghề nghiệp đòi hỏi giao tiếp nhiều, buộc mình phải “lột lưỡi”, nhưng mỗi lần về nhà, tôi lại trở về bản tính xưa kia.

Tet, ve nha de… lang yen

Hồi còn trẻ con, cái tết đến với chúng tôi trong sự háo hức đón chờ. Chí ít, đó là dịp chúng tôi không phải ăn sắn, ăn khoai, lại còn được ăn bánh đòn (bánh tét) và kẹo mứt đủ thứ. Cũng phải đến tết, anh em tôi mới được cầm trong tay vài đồng tiền hào bằng bạc do chị đầu (làm điều dưỡng) lì xì, để rồi kéo nhau ra cái giếng làng, đè chúng lên mặt đất ướt, dùng chân chà một hồi cho những đồng tiền ấy sáng choang, óng ánh. Tết cũng là dịp để chúng tôi kháo nhau chuyện nhà ông nọ ông kia có phong pháo nổ nghe sướng tai, cùng nhau khoe “chiến lợi phẩm” là những viên pháo lượm được, rồi tranh nhau đốt nổ lủm bủm.

Cái nắng hanh hanh, cái gió hây hây ngày tết xui tôi nhớ tuổi thơ. Mùi nhang thơm xui tôi nhớ những điều không thực rõ.

Có thể là trong cái tết này, mình lại nhớ cái gì đó thân thuộc của cái tết trước, rồi mỗi năm, nỗi nhớ lại chồng lên, thành kỷ niệm đầy lặng yên của hương cũ, màu cũ, âm thanh cũ. Thế đó, mà năm nào cũng phải về, vì không về thì thấy thiếu.

Ngày tết của tôi lúc trưởng thành chỉ là dịp để từ Sài Gòn về quê, đi ra đi vào, rồi nằm nghe quanh mình hơi nhang khói, mùi trà bánh và hương điều (đào lộn hột) thoảng từ vườn khuya. Nhà tôi ở quê nằm ở cuối thôn, ba mặt đều là vườn điều, một bên hông là rừng trồng, trải dài nhiều cây số. 

Quê vắng, nên khách khứa cũng chỉ lai rai. Hầu hết thời gian là sự lặng lẽ của căn nhà giữa vườn điều, bên bìa rừng, trong tiếng lá xao xác lúc trưa, lúc chiều. Ban đêm, vườn khuya tĩnh mịch, nghe rõ tiếng bông điều rụng xuống lá và tiếng lá khô rụng khẽ xuống cỏ úa mùa khô. Hương điều mùa rộ bông cứ thoang thoảng. Buổi sớm, trong hương ngát của hoa mai vàng, bầy ong bầu đập cánh vù vù càng làm tăng thêm sự thinh lặng.

2. Tết về, tôi lại nhớ anh tôi. Năm 1978, anh đi cắm chốt ở chiến trường Tây Nam, bốn năm sau mang về những cơn sốt ác tính, sức lao động kém, mà nhà tôi thuần nông, sống nhờ vào sức cuốc đất. Anh tôi có nỗi buồn khổ riêng của anh; tôi cũng có nỗi buồn khổ riêng mình, nhưng có lẽ chúng giống nhau ở chỗ, cả hai đều lo sợ tương lai. Thời tôi còn học cấp II, mỗi lần lớp làm báo tường, văn thơ của tôi tràn ngập trên đó, anh tôi tự hào lắm, còn tôi thì mắc cỡ. Năm tôi học cấp III, có lén lút làm thơ tình - làm lén nhưng lại khoe với anh, được anh khen “có khiếu”. Rồi tôi may mắn đậu vào đại học, vào cái thời mà từ “đại học” nghe ra ghê gớm, xa vời với rất nhiều người.

Tet, ve nha de… lang yen

Tôi vào đại học trong nỗi mặc cảm “làm khổ gia đình”, vì mỗi thúng sắn mẹ bán được ở quê chỉ đủ cho tôi mua được chừng 10 dĩa cơm nơi phố thị. Thế mà ra trường, tôi lại thất nghiệp, đói vàng mắt. Cái tết năm 1995, sau một năm ra trường, tôi vẫn phải xin tiền xe vào lại thành phố. Tương lai quá mịt mờ. Năm đó cũng là năm đầu tiên, cả nước thực hiện lệnh cấm đốt pháo, nhưng vài nhà dân vẫn lén đốt, như tiếc nuối một phần phong vị tết quen thuộc.

Tôi hí hoáy viết bài thơ Giao thừa: “Đây đó vọng những đì đùng tiếc nuối/ Cha sửa mình đối thoại với xa xăm/ Vì khói hương hay bởi đời cơ cực/ Lệ rưng rưng trên nét mặt thăng trầm/ Mẹ ngủ gật bên chồng ly bát cũ/ Chẳng biết điều chi trong giấc mộng hờ/ Anh im lặng nhả khói vào bóng tối/ Những ngoằn ngoèo chưa biết rẽ phương mô/ Em hờ hững đếm tàn mai rụng/ Rụng rồi rơi, và rớt, giữa im tờ/ Tôi lặng bước trong màn khuya trừ tịch/ Vườn nửa đêm lên nhịp thở âm thầm/ Hương điều thoảng giữa bốn bề tịch mịch/ Sao trên trời từng vạt sáng lâm râm…”.

Anh tôi đọc, nói “buồn quá”, nhưng cũng khen hay. Không ngờ, đó là bài thơ cuối cùng của tôi mà anh được đọc. Cũng từ cái giao thừa tết Ất Hợi 1995 đó, tôi đứt mạch sáng tác cho mãi tới 20 năm sau. Những di chứng của thời sốt ác tính khiến anh tôi bị suy thận nặng, qua đời vào năm 2000 ở tuổi 41, vào lúc kinh tế gia đình tôi cũng như những hộ nông dân quê tôi bắt đầu tạm ổn, có cơm thay sắn, còn tôi cũng có việc làm ổn định ở Sài Gòn, có vợ có con.

Tết năm nay, tôi ra cuốn sách bằng ngôn ngữ địa phương Quảng Trị - Eng về Quảng Trị đi eng. Tôi sẽ đặt một cuốn lên chỗ di ảnh và đốt nhang cho anh. Nếu anh có đọc được những “mô, tê, răng, rứa, béng sắn, bợc rào…”, hẳn là anh vui lắm.

Những cái tết của tôi vẫn đầy lặng yên như thế!

Ngọc Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI