PNO - Thời điểm gần tết, nhiều làng nghề ở miền Trung “đỏ lửa” đêm ngày, chạy hết công suất để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường, đưa đi khắp các miền đất nước.
Những ngày tết, làng bánh thuẫn nổi tiếng Hiền An 1, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) “đỏ lửa” đêm ngày
“Đỏ lửa” đêm ngày Làng Hiền An 1 nằm ở cửa biển Tư Hiền, thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) với đa số dân cư quanh năm gắn bó với nghề biển, nhưng lại thủ đắc nghề làm bánh thuẫn.
Nguyên liệu làm bánh thuẫn chủ yếu là bột củ bình tinh (còn gọi là dong trắng, dong ta), trứng gà, trứng vịt, đường cát trắng. Bà Đặng Thị Kim Chi - một người thợ làm bánh lâu năm - cho biết, vào mùa làm bánh thì cả chủ lẫn thợ đều thức dậy từ lúc nửa đêm để cùng nhau làm. “Mỗi năm chỉ có 1 tháng giáp tết để nghề “đỏ lửa” nên phải tranh thủ. Trong khoảng thời gian này trời ít gió, mát mẻ, người thợ có thể ngồi lâu trước bếp lửa quạt bánh. Nói chung là rất vất vả thì mới có được những chiếc bánh thuẫn thơm ngon phục vụ khách hàng” - bà Chi nói.
Bà Nguyễn Thị Xê - chủ một lò bánh thuẫn đã có bề dày hơn 30 năm tại làng Hiền An 1 - nói: “Việc làm bánh cũng đơn giản, nhưng quan trọng là phải canh lửa cho đều, cả lửa bên dưới lẫn trên nắp khuôn để bánh nở đều. Do công việc tiếp xúc với lửa khói vất vả nên giờ không còn nhiều người theo nghề”.
Chủ các cơ sở làm bánh thuẫn truyền thống cho biết, dự báo kinh tế năm nay khó khăn, sức tiêu thụ hàng dịp tết không cao nên các lò bánh đều giảm sản lượng, vừa làm vừa dõi theo thị trường. “Mấy năm trước, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất 4.000-5.000 cái bánh, cả mùa đóng 200-300 thùng các tông để cung cấp cho các địa phương trong tỉnh và xuất đi một số tỉnh, thành. Năm nay giá các loại nguyên liệu đều tăng, từ bột bình tinh cho đến đường cát trắng, trứng gà, trứng vịt, trong khi sức tiêu thụ thị trường có vẻ ảm đạm, nên gia đình chỉ làm khoảng hơn 100 thùng bánh. Thời điểm này cũng chỉ mới làm ra để đó, phải chờ đến cận tết thì mới biết hàng có bán được không, rồi mới tính đến chuyện có làm thêm hay không” - bà Nguyễn Thị Xê cho hay.
Cũng giống nghề làm bánh thuẫn, nghề làm mứt gừng mỗi năm chỉ tập trung làm vào tháng cao điểm trước tết, thu nhập và lãi không nhiều, nên nhiều người ở làng Kim Long (TP Huế) đã bỏ nghề. Hiện tại, ở đây chỉ còn chưa đến 10 cơ sở sản xuất để phục vụ thị trường tết. Tại thời điểm hiện tại, ở Huế, mỗi ký mứt gừng có giá từ 70.000-90.000 đồng và sức tiêu thụ vẫn chưa cao. Năm nay, các cơ sở làm mứt gừng ở Kim Long dự kiến làm khoảng 10-15 tấn, tuy nhiên vẫn có những cơ sở nhận được tín hiệu tích cực với các đơn đặt hàng lớn. Điển hình như cơ sở mứt gừng Ánh Nguyệt, do đã đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm nên được rất nhiều siêu thị tại Huế nhận cung cấp sản phẩm. Ông Trần Hữu Nam - đại diện cơ sở mứt gừng Ánh Nguyệt - cho biết, dịp tết này sản phẩm mứt gừng của cơ sở được hệ thống siêu thị Co.opmart ở các tỉnh, thành đặt hàng với số lượng khá lớn. Cơ sở đang có dự định mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu đặc sản mứt gừng Kim Long - Huế.
Cho mùi tết bay xa
Quanh năm “đỏ lửa”, nhưng đến tết thì phải chạy hết công suất là trạng thái của hơn 200 cơ sở làm bánh chưng ở làng Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Chị Phan Thị Tình - chủ một lò bánh chưng - cho biết, từ 15 tháng Chạp đến 28 tết, chị phải huy động tối đa nhân lực trong gia đình và thuê thêm 8 lao động thời vụ làm việc từ sáng sớm đến khuya để cung ứng hơn 1.000 chiếc bánh chưng ra thị trường mỗi ngày. “Từ đầu tháng Mười hai âm lịch, chúng tôi bắt đầu nhận đặt bánh chưng tết. So với ngày thường, bánh chưng tết được làm to hơn để khách hàng thắp hương, chưng trên bàn thờ… Các tỉnh gần thì chúng tôi nhận làm đến 27 tết, riêng ở các tỉnh xa trong miền Nam thì chỉ nhận làm đến 23 tết, vì còn mất thời gian gửi bánh vào” - chị Tình nói. Cũng theo chị Tình, tùy vào nhu cầu của khách hàng, bánh chưng hiện có giá từ 30.000-50.000 đồng/cặp. Bánh chưng Vĩnh Hòa ngày nay không chỉ “quanh quẩn” ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà đã được vận chuyển vào Nam, ra Bắc, thậm chí có người còn cấp đông để gửi đi nước ngoài, giúp con cháu xa quê cảm nhận được vị tết quê hương.
Bánh chưng ở làng Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) ngày nay không chỉ “quanh quẩn” ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà đã được vận chuyển vào Nam, ra Bắc
Để kịp cung ứng ra thị trường 4.000 chiếc bánh chưng mỗi ngày trong dịp tết, chị Phan Thị Khương - chủ một lò bánh chưng khác - cho biết, trong nhà luôn có 10 người gói bánh và 4 người phụ việc. “Dịp tết hầu như chúng tôi chỉ ngủ mỗi ngày vài tiếng, trưa ăn cơm xong cũng chỉ nghỉ ngơi 30 phút là phải làm ngay mới kịp đáp ứng các đơn hàng” - chị Khương nói. Nhiều người chỉ cần khoảng 30 giây để gói một chiếc bánh mà không cần khuôn. Nhưng để cho ra lò một chiếc bánh chưng thành phẩm thì còn phải trải qua rất nhiều công đoạn, đặc biệt là khâu rửa lá, róc lá.
Cũng trong dịp tết này, hàng chục cơ sở sản xuất hương trầm ở huyện Quỳ Châu - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” hương trầm xứ Nghệ - cũng đang phải chạy đua với thời gian để kịp hoàn tất những đơn hàng cuối cùng. Chị Trần Thị Loan - chủ một cơ sở làm hương trầm ở thị trấn Tân Lạc - cho biết, vụ hương tết bắt đầu từ tháng Mười âm lịch đến giáp tết. Để sản xuất gần 6 triệu cây hương dịp tết năm nay, chị phải thuê 30 công nhân làm việc 12 tiếng mỗi ngày trong suốt hơn 3 tháng qua. Nhờ hương thơm nhẹ và dịu, cháy lâu, được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nên hương trầm Quỳ Châu ngày càng có tiếng tăm khắp cả nước.
Chị Quang Thị Phương Thúy (thị trấn Tân Lạc) cho hay, giá nguyên liệu làm hương trầm năm nay tăng gần 20% so với năm trước, nhưng giá hương trầm không tăng. “Đợt lũ vừa rồi nguyên liệu làm hương phần lớn bị ngập, hư hỏng, nên chúng tôi phải thu gom nguyên liệu giá cao để bổ sung, vì thế vụ hương tết năm nay xác định làm để duy trì thôi. Khó khăn nhưng mình cũng phải làm để có hàng cung ứng cho các đầu mối. Nếu không làm thì đứt chuỗi cung ứng, sang năm khó tiêu thụ” - chị Thuý nói.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quỳ Châu - cho biết, huyện có gần 70 hộ làm hương trầm tập trung ở nhiều làng nghề tại các xã Châu Hạnh, Châu Tiến, thị trấn Tân Lạc, giải quyết việc làm cho 500-600 lao động thời vụ ở địa phương. Trung bình mỗi dịp tết, hương trầm Quỳ Châu xuất ra thị trường gần 100 triệu sản phẩm, doanh thu trên 120 tỉ đồng. “Các sản phẩm từ hương trầm Quỳ Châu hiện đã được bán ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí được gửi ra nước ngoài theo đường xách tay” - ông Hùng nói.
Sắc hoa giấy rực rỡ ở làng Thanh Tiên (TP Huế) - ẢNH: THUẬN HÓA
Rực rỡ làng hoa giấy 300 tuổi
Tại làng Thanh Tiên (TP Huế), gần 300 năm nay dân làng vẫn giữ nghề làm hoa giấy mỗi dịp tết đến xuân về. Với óc tưởng tượng phong phú cùng bàn tay khéo léo, người dân làng Thanh Tiên đã tạo nên những bông hoa giấy vô cùng sống động, tươi tắn. Vào những ngày giáp tết, làng hoa lại ngập tràn sắc hoa với vô vàn bông hoa giấy mô phỏng các loại hoa tự nhiên như hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa tường vi, hoa quỳ, hoa sen...
Nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Theo tục xưa, hoa giấy được đặt trang trọng ở những nơi như trang ông, trang bà, trang ông táo. Dù trải qua biết bao thăng trầm, nhưng đến nay trong làng vẫn còn khoảng 15 gia đình vẫn mải mê với nghề cha ông.