PNO - Khu di tích lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ở trung tâm thành phố Cao Lãnh, là điểm đến của nhiều người dân.
Những ngày tết, du khách về Đồng Tháp càng không quên viếng thăm địa chỉ đỏ là Khu di tích lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929, vị thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở trung tâm thành phố Cao Lãnh.
Sau khi từ bỏ chức quan Thừa biện Bộ Lễ, cụ đi dần về phía Nam qua Bình Thuận, Sài Gòn, An Giang, Đồng Tháp... Những năm cuối đời, cụ Phó bảng sống ở làng Hòa An (Cao Lãnh, Đồng Tháp) với nghề dạy học và bốc thuốc cứu người.
Khu di tích được khởi công xây dựng vào 1977 và xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1992.
Khu di tích được thiết kế thành bốn khu vực:
- Khu vực lăng mộ, đền thờ, nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc.
- Khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn hoa, ao cá.
- Không gian văn hóa mô hình làng Hòa An xưa, nơi cụ Phó bảng sinh sống những năm cuối đời bằng nghề dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cứu dân.
- Khu vực tổ chức trò chơi dân gian, giải trí.
Khu mộ hình mái vòm và hồ sen hình ngôi sao năm cánh, với đài sen cao 6,5m |
Khu lăng mộ cụ được thiết kế hình mái vòm, là hình cánh sen cách điệu, có dáng bàn tay xòe úp xuống như tấm lòng người dân Hòa An (Cao Lãnh) đã chở che, bảo vệ Người trước tai mắt kẻ thù.
Nóc vòm lăng mộ được đắp nổi hình chín đầu rồng, tượng trưng cho dòng Cửu Long hiền hòa.
Trước khu mộ là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, ở giữa là đài sen cách điệu, cao 6,5m tượng trưng cho cuộc đời thanh cao của cụ Phó bảng.
Bên cạnh khu lăng mộ là Đền thờ cụ, nơi có pho tượng đồng bán thân của cụ.
Đền thờ cụ Phó bảng và bức tượng đồng trong khu điện thờ |
Tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc |
Nhà sàn Bác Hồ được phục dựng trong khu di tích |
Điểm nhấn trong khu di tích là ngôi nhà sàn Bác Hồ, được xây dựng theo nguyên mẫu ngôi nhà của Bác ở thủ đô Hà Nội. Những hiện vật bên trong nhà sàn giúp người xem hình dung cuộc sống thanh bạch của vị Chủ tịch nước.
Xung quanh lăng mộ rợp bóng cây xanh. Đặc biệt có cây khế và cây sộp hơn 300 năm tuổi được trồng hai bên khu mộ.
Cây sộp và cây khế hơn 300 năm tuổi tại khu di tích |
Khu di tích còn tái hiện vẻ đẹp của làng Hòa An xưa với những ngôi nhà sàn truyền thống - đặc trưng của vùng nước nổi, những mái nhà tranh, vách lá hiền hòa và mương nước mát lành lượn quanh, cùng chiếc vó tép, giàn bầu, cầu khỉ…
Trong không gian văn hóa làng Hòa An, các làng nghề thủ công truyền thống được tái hiện như nghề mộc, xắt thuốc lá, giã gạo, dệt…
Làng Hòa An với kiểu nhà truyền thống, giàn bầu, cầu khỉ, vó tép... |
Tái hiện làng nghề truyền thống ở làng Hòa An xưa |
Du khách thành kính viếng cụ |
Gia đình anh Nguyễn Duy Thông, chị Nguyễn Thị Oanh (phường Hòa Thuận, Cao Lãnh) viếng khu di tích và thăm làng Hòa An xưa |
Ngày tết, về thăm tiền nhân, thắp nén nhang lòng để tạ ơn Người đã từng trao truyền nhân nghĩa thương dân, tạ ơn Người đã sinh ra vị Chủ tịch vĩ đại của dân tộc. Hẳn ai cũng thấy lòng bình yên khi đứng giữa khu di tích yên bình. Tết cũng ý nghĩa hơn nhiều.
Thùy Gương
Chia sẻ bài viết: |