Chiều 30 tết nhớ mùi quê
Chiều 30 tết, có người đàn ông tuổi gần về trời, nấc nghẹn trong điện thoại cách nửa vòng trái đất: tôi muốn về Sài Gòn quá, bởi đó là đời tôi, là tuổi trẻ, là tình yêu, là vinh quang và cay đắng, là tất cả. Tôi muốn về nhưng biết làm sao... Kẻ ở quê nhà, thắt tim lại vì thương. Đời là một sân khấu lớn. Với nghệ sĩ, thì sân khấu nhỏ là thêm một vòng đời nữa. Có bao nhiêu đời trong một đời người, để chiều cuối năm bùng vỡ nỗi nhớ quê nhà? Thế mới biết, dẫu xứ người có sặc sỡ ngát hương màu, mùi, mùa bao nhiêu đi nữa, thì mùi quê vẫn là thứ mê hoặc, dẫn dụ để thảng thốt, chân muốn đi nhưng đành đứng đó, xót xa…
|
Từ ngày xa xứ, nhớ tết luôn luôn là lúc bận bịu cho mùa Giáng sinh. Thủ tục không thể thiếu cho trẻ con mùa vọng là cây thông Noel. Phải là cây tươi, tán lá đều, cao vừa với phòng khách. Rồi thì đèn màu, bóng thủy tinh, chuông bạc và những dải lấp lánh cho chúng nó giăng mắc; lại còn bày đặt dưới gốc chồng thấp chồng cao những hộp quà bí mật mà ai cũng biết trong đó có gì. Chính đó là lúc mình nhớ tết nhất.
Đã có lúc ngồi vắt hết khả năng thông thái ra để tự cắt nghĩa tại sao người ta lại nói “tết nhất“. Có phải vì tết là nhất với người Việt mình một thời không? Ấy là cái ngày được ngơi tay làm lụng, được ăn no và ngon, được đoàn viên gặp gỡ, được hy vọng vào tương lai, dù giới hạn thời gian của hy vọng chỉ là mười hai tháng. Thực thì sao?
Chỉ vì niềm sung sướng một năm có ba ngày tết mà khối nhà khối người lại khốn khổ vất vả để lo cho mấy ngày này, đủ đầy vật chất và trọn vẹn tình nghĩa. Đủ đầy thì không thể thiếu nồi bánh chưng mà trước đó mấy mặt đàn bà con gái trong nhà đã phải lịch kịch mua lá, rửa lá, đãi đỗ ngâm nếp, gói và luộc. Người không làm thì thấy hân hoan, người phải làm chỉ hân hoan lúc buông tay xong việc.
Thời mới, chỗ này chỗ khác, nhất là ở thành phố thì ít nhiều miếng ăn cũng thừa mứa rồi, mà sự bận bịu cũng khác xưa nhiều lắm. Mấy ai tính chuyện bày vẽ gói bánh chưng nữa nhỉ, ngoài mấy nhà còn khoảnh sân rộng rộng hay có trang trại tận đâu đâu. Lý do thực tế và đơn giản: lấy chỗ nào mà túm năm tụm ba bắc bếp luộc bánh!
Năm ngoái, cũng dịp tết, bạn cũ giờ là đại gia ở Sài Gòn gửi cho tấm ảnh chụp ngay cửa khu căn hộ cao cấp bậc nhất. Nhìn mà choáng, cười phá lên một mình: trong ảnh là mấy người đàn bà đang chổng mông bên cạnh một cái nồi quân dụng đặt trên bếp kê bằng gạch, ngay trên con đường nhỏ xinh đẹp dẫn tới cửa chung cư. Đoán ngay mấy bà giờ sống đời giàu sang nhưng chắc đã trải một thời vất vả.
Đáng yêu sao truyền thống có tự cái ngày cụ Lang Liêu sáng tạo ra việc gói trời đất vào trong lá, ninh trời đất trong nước sôi lửa bỏng và bày trời đất lên đĩa để mời nhau nuốt cả đất trời vào mênh mang cõi lòng. Nhưng cười chán rồi, thấu suốt rồi về sức sống của truyền thống và phong tục thì lại giật mình. Truyền thống ấy, phong tục ấy có nhất thiết cứ phải là tính dân tộc, là cái cớ để chúng ta neo mình vào mà giữ, nhân danh các tình yêu?
Tôi xa nhà đã mấy mươi năm, thiếu nhiều mà thừa cũng vô khối. Nói thiếu là thiếu những cái mù mờ không thể gọi tên, như một chiều cuối năm đi ngang cửa chợ cũ hoan hỉ vô số mùi thơm có, tanh có, nồng nặc rác rưởi có, nhưng không thiếu bánh chưng. Sát tết gọi quanh mấy nhà mở restaurant hỏi xem có luộc bánh không thì đặt. Bánh có chay có mặn, gọi là có lòng đặt một hai chiếc để cúng ông bà thôi, nhưng ngày cuối năm thế nào cũng có thêm dăm ba cặp đồng hương mang tới.
Hai mươi năm trước, bánh luộc còn phải bọc ngoài lớp lá tờ giấy bạc, nay thì bánh chưng trời Tây chẳng khác gì bánh chưng ở đất ta. Cũng đỗ cũng nếp, cũng thịt cũng đậu và quan trọng nhất là lá, thì cũng từ xứ sở buôn sang. Cầm cái bánh luộc kỹ ép kỹ chắc tay, lòng mang mang bao niềm bao nỗi, tuyệt nhiên không có nỗi thèm ăn. Một cái bánh chưng là một quả bom calorie với kẻ giờ uống nước lã cũng tăng cân, nên bóc bánh thì nhiều nhất cũng chỉ làm người liếm lá.
Ấy nhưng không có thì không được. Và có, thì biết cái bánh chưng này không bao giờ hàm chứa đủ vị cái bánh chưng xưa, ít nhất cũng vì nó được luộc trên bếp ga bếp điện. Trong tâm trí lại ngút ngàn nỗi nhớ những chiều cuối năm thành phố, mùi khói bếp luộc bánh xa gần, quẩn trong gió bấc rạt rào. Nhớ thì cứ nhớ, nhưng ngày về, đi ngang những khu đô thị cao cấp hệt như một thành phố nhỏ đạt tiêu chuẩn sống cực cao giữa một thành phố lớn vô cùng hỗn loạn, lại nghĩ rồi ra thì ta ở nhà cũng phải sống như ta ở Tây thôi.
Nhịp sống một đô thị đúng nghĩa ngoài tầm vóc tinh thần phải với tới thì phải được xây dựng trên một hệ thống dịch vụ tốt, nơi không có thời gian và không gian cho những thói tục từng ra đi từ những làng xóm xa xưa và bắt rễ vào đời sống của người thành phố bao đời nay.
Nghĩ cho cùng, những thói tục ấy được duy trì là bởi điều kiện sống ở thành thị nông thôn nhiều đời cũng chẳng mấy vênh nhau. Giá mà không vênh nhau, giá mà đô thị lớn được như đô thị bé mà nó đang cưu mang trong lòng, giá nhà quê được như thành phố thì tết mới là nhất.
Nói thì nói vậy, nhưng tết vẫn là nhất chẳng cần kèm theo điều kiện gì, với trẻ con, muôn đời với trẻ con chẳng cứ gia cảnh giàu nghèo khó dễ. Nhưng mà rồi chẳng ai ngây ngô mãi được, chúng ta lớn lên và những đứa trẻ sẽ già, những nao nức tết nhất một thời con trẻ rồi sẽ thành xao xuyến không đâu của thời mới lớn, và rồi sẽ trở thành nỗi niềm nghẹt những bùi ngùi khi chẳng còn trẻ nữa.
Ừ thì sao nhỉ? Chẳng phải là của nả quý bậc nhất của mỗi đời người là khả năng không chỉ phởn phơ khi bụng đã đầy sao? Không thể nào hoàn toàn an nhiên, vĩnh viễn an nhiên, cứ bận bịu bối rối vì đủ thứ chuyện đời mình đời người, ngay cả khi thật sự bất lực trước bao nhiêu điều với tôi là may mắn.
Mà như thế, tết vẫn là nhất, vì là dịp để mình lại chẳng thể nào an nhiên.
Lê Minh Hà (Berlin)