PNO - Cha mẹ bỏ tiền trong phong bao màu đỏ, có hình chữ Phúc, Lộc hay Thọ để mừng con thêm tuổi mới, ăn nhiều, học hành tấn tới… Còn con cháu kính tặng ông bà, cha mẹ tiền mừng tuổi với lời chúc: “Ông bà, cha mẹ sống lâu cùng con cháu”.
Trước năm 1975, ban nhạc nổi tiếng chuyên hát nhạc trào phúng AVT có viết một bài nhạc tết để đời, luôn được hát mỗi khi tết đến. Đó là bài "Du xuân"1. Có đoạn vô cùng hoàn cảnh, vì khi hát lên được khán giả tán thưởng quá xá: Tết nhất làm chi?/ Ai bày tết nhất làm chi?/ Lo quần lo áo lo đi chạy tiền/ Người người vui tết (chứ) liên miên/ Riêng tôi nghĩ tết mà điên cái đầu…
Lời hát vui, nói trúng tâm trạng mọi người khi tết đến, nhưng vì vui nên có một chuyện tế nhị mà ban AVT không nhắc, đó là chuyện lì xì ba ngày tết. Ngày tết, một trong những tiết mục phải lo lắng là chuyện tiền lì xì cho lũ nhỏ nhà mình, lẫn lũ nhỏ nhà hàng xóm. Đau khổ là con mình thì ít, còn con nhà hàng xóm sao mà… đông như quân Nguyên.
Ảnh mang tính minh họa - Internet
Nói thiệt chứ hồi nhỏ, khi nghĩ đến tết, chuyện đầu tiên tụi tôi nghĩ tới là tiền lì xì. Đôi lúc cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu năm nay phải đạt lì xì cao hơn năm trước mới yên tâm ăn tết. Con nít nhà nghèo mấy khi được ba má cho tiền ăn chơi thoải mái như tiền lì xì tết. Nào là được ăn hủ tíu mì mệt bụng, đi coi cải lương, hát bóng muốn sưng mắt, rồi còn có tiền đánh bầu cua cá cọp mỏi cả tay. Đủ thứ trò chơi quá xá đã, mà trò chơi nào cũng cần có tiền. Nếu không có tết, làm gì có tiền lì xì. Mà không có tiền lì xì, thì tết với tụi tôi chẳng có ý nghĩa thắng lợi gì nữa khi được thêm một tuổi.
Nhớ hồi nẳm, sau khi cúng giao thừa là tôi bắt đầu nghĩ “không biết ba lì xì bao nhiêu đây?”, rồi ngủ thiếp đi trong cơn mơ lì xì. Sáng dậy, rửa mặt xong là thay bộ đồ mới bảnh tỏn, đi ra canh ba má dậy chưa. Anh em chúng tôi chờ ba cầm vài cái phong bao đỏ trong tay, mỗi đứa lí nhí câu chúc đã thuộc lòng từ năm nào không biết: “Con chúc ba - má làm ăn phát tài, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, nuôi con mau ăn chóng lớn, ước gì được nấy…” bla bla… Cung kính không bằng tuân lệnh, mỗi đứa chúng tôi lần lượt đón nhận lộc tiền từ bàn tay chai sạn của ba.
Bao lì xì tiền thì mềm và nhẹ, còn bàn tay của ba sao cứng cáp và nặng nề. Với bàn tay ấy, ba vuốt đầu từng đứa, từng đứa. Còn mẹ thì chúc lại: “Mấy con ăn no, mau lớn trong năm mới, học hành giỏi giang cho ba mẹ mừng…”.
Nhận bao lì xì xong là tụi tôi biến ngay ra khỏi nhà để chuẩn bị “tiến công” vào tiệm hủ tíu mì chú Khầu ăn hoành thánh, xíu mại, giò cháo quảy. Vừa đi tụi tôi vừa móc tiền lì xì ra xem đứa nào được lì xì nhiều hơn đứa nào. Ô, tiền lì xì luôn bằng nhau nên tụi tôi đều hể hả, thấy ba má thật công bằng. Nếu không, sẽ có màn tức tối, ganh tỵ ba má thương đứa này nhiều hơn đứa kia. Vui sao như vui có tiền lì xì. Ông bà hay quá, đặt ra tục lệ hay thiệt là hay.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Khi lớn lên, không còn nhận được tiền lì xì của ba má, và trở thành khổ chủ của chuyện lì xì, tôi liền nghiên cứu hai chữ lì xì. Té ra chữ lì xì từ tiếng Trung Quốc là “lợi thị”. Nghĩa bóng của “lợi thị” là làm ăn có lợi, là đồng tiền may mắn như chữ người Mỹ viết Lucky Money. Khi qua đến Việt Nam, hai chữ “lợi thị” này đã được ông bà ta gọi là tiền mừng tuổi. Cha mẹ bỏ tiền trong phong bao màu đỏ, có hình chữ Phúc, Lộc hay Thọ để mừng con thêm tuổi mới, ăn nhiều, học hành tấn tới… Còn con cháu kính tặng ông bà, cha mẹ tiền mừng tuổi với lời chúc: “Ông bà, cha mẹ sống lâu cùng con cháu”.
Tục lệ như thế này thật là đẹp quá xá. Nhưng từ từ mặt trái của cuộc đời xuất hiện. Nhiều gia đình khi đi chúc tết đã dẫn một đàn con như đàn vịt. Vừa gặp mặt gia chủ đã hô lớn: “Chúc tết các bác đi các con, rồi nhận tiền lì xì”. Một đội quân dàn hàng ngang như cảnh chiến đấu thời tam quốc. Khoanh tay, cúi đầu, miệng lí nhí một câu đố mà khác được “con chúc… bla bla…”. Thế rồi từng cánh tay đưa ra… nhận những phong bao đo đỏ.
Khách đến nhà nói chuyện với ba mẹ, thì những đứa trẻ ngồi quanh chực chờ cho đến khi nhận được lì xì là “dzọt” lẹ đi “kiểm phiếu”, đong đếm để đánh giá người này có phải là khách sộp hay không. Có những đứa trẻ, nhận bao xong rồi mở ra đếm ngay trước mặt khách: “Có hai chục hè…”. Có đứa còn làm đau lòng hơn: “Ít hơn nhà bác Hai…”.
Đây chỉ nói chuyện lì xì của con nhà dân dã, chứ có những bao lì xì chỉ là một miếng giấy mong mỏng thôi, nhẹ hều, nhưng có thể là hóa đơn của một cái nhà, một cái xe đời mới… Người được lì xì thì hỉ hả, người lì xì còn hỉ hả gấp vạn lần: “Tôi đâu quà cáp gì, chỉ lì xì cho cháu chút quà bánh ăn tết”.
Thật ra, chỉ mong những hình ảnh không hay của chuyện lì xì giảm dần đi hoặc không còn nữa, chứ tết mà không có lì xì thì còn gì vui, còn gì là tết. Đó là đồng tiền mừng tuổi, chúc phúc cho mọi sự may mắn với người thân, mọi người ta quen biết. Với ý nghĩa này, thì tết đồng nghĩa với lì xì - đúng với con nít và cả người lớn.