Tôi yêu Việt Nam từ trước khi trở thành "rể" Việt Nam. Với tôi, Việt Nam là quê hương mà tết là dịp mà nếu không được trở về sum họp, đó là niềm tiếc khôn nguôi, và bằng mọi giá chúng tôi sẽ kiến tạo để tết vẫn hiện diện trong nhà mình ngay tại trời Âu.
Nghe đến tết là nghe mùi thơm ngọt ngào của các loại mứt, nghe tiếng nhạc xuân rộn ràng, nghe những lời chúc nhau đầy nghĩa tình… Tết càng đặc biệt hơn nữa đối với một người nước ngoài, bởi tết là dịp tôi được gặp lại những bạn bè, đồng nghiệp người Việt qua cầu nối là của Đại sứ quán Việt Nam để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm.
|
Chàng rể Việt Joachim Wegner tự tay làm bánh xèo đãi vợ cho đỡ nhớ tết Việt Nam |
Tết trong tôi là những ngày đường phố Hà Nội, Sài Gòn trông vắng vẻ và tĩnh lặng nhưng đẹp đến mê lòng. Tết trong tôi là những bữa cơm "ké" gia đình người bạn Việt Nam của đứa sinh viên ngoại quốc xa nhà và chưa hiểu hết ý nghĩa của tết thuở tôi còn bập bẹ đánh vần tiếng Việt. Tết là sắc vàng rực của hoa mai như nắng phương Nam và hoa đào hồng thắm như đôi môi thiếu nữ Hà Nội. Tết là những bữa tôi theo bà theo mẹ của bạn để xem và học làm mứt dừa, mứt gừng, mứt hạt sen, gói bánh chưng.…
Tết không thể thiếu những chiếc bánh chưng của bạn mang sang ký túc xá sinh viên ngoại quốc tặng cho tôi. Tết là lúc tôi được vài gia đình nhờ làm người xông nhà để mở đầu cho một năm mới trọn vẹn, hanh thông. Tết là những ngày theo bạn người Việt đi chúc nhiều gia đình quen biết. Tết là những ngày tôi đứng ngẩn ngơ ngắm những ông đồ viết chữ mà ngày đó tôi tự hỏi "tại sao người ta không viết chữ thẳng mà lại viết ngoằn ngoèo như thế. Tự làm khó mình ư?". Tết trong ký ức và nỗi nhớ của tôi về quê hương thứ hai thật đẹp, thật dịu dàng và ấm áp tình thân.
Tết Việt ở quê hương tôi cũng đẹp vì có sự chung tay của cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại Đức nói chung, Berlin nói riêng. Các bạn Việt Nam vẫn gìn giữ và nuôi dưỡng văn hóa đón năm mới của Việt Nam theo cách của họ rất dân tộc và đẹp đẽ. Dù tết Việt Nam có trùng với những ngày lao động bình thường ở Đức thì các bạn Việt Nam vẫn luôn chuẩn bị chu đáo mọi thứ để chào đón một năm mới nhiều sức khỏe và bình an. Tết Việt trên xứ lạnh nhưng không thể thiếu hoa mai, hoa đào, không thể thiếu bánh chưng bánh tét, dưa hành, bao lì xì…
|
Joachim Wegner tự tay làm bánh xèo Việt |
Những năm gần đây, tết Việt Nam không chỉ là nỗi nhớ mà hiện diện sống động và đầy ý nghĩa trong ngôi nhà của chúng tôi. Những ngày giáp tết, vợ tôi - một người con đất Việt - tất bật chuẩn bị những món ăn truyền thống của quê hương và nhiệt tình kể nhiều câu chuyện về tết cho tôi nghe. Tết Việt là những ngày tôi phụ vợ làm giò lụa, làm nem rán, dưa hành. Tết Việt là những buổi tôi đi xin lá chuối bên nhà hàng xóm và ngồi lau lá chuối cho vợ để cô ấy gói bánh chưng. Tết Việt là những lần tỉ mẩn bóc vỏ dừa, vỏ gừng và bào mỏng để rim mứt. Tết Việt là lúc tôi chợt nhớ và hỏi vợ "sao nhà mình chưa tiễn ông Táo về trời, em nhỉ". Tết Việt là những lần cùng vợ xem chương trình Táo quân và bật cười như nắc nẻ vì hiểu ra ý nghĩa của những câu bông đùa, châm biếm.
Năm nay, chúng tôi đón tết Việt Nam theo một cách xa lạ hơn, khép kín hơn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi không còn gặp gỡ bạn bè, không thể bay về Việt Nam cùng gia đình sum vầy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ đúng truyền thống gia đình là vợ chuẩn bị đầy đủ một mâm cơm tiễn năm cũ và đón năm mới với nhiều hy vọng mới.
Tôi xin chúc mọi người thật nhiều sức khỏe, nhiều may mắn và mọi việc thuận buồm xuôi gió trong năm mới.
Joachim Wegner (từ CHLB Đức)