Thêm một cái tết vắng, nỗi trống trải vẫn ở đó. Nhưng tết cũng thắp lên những điều đẹp đẽ nhất mà ngày thường ta có thể lơ đễnh không chú ý.
1. Tết đôi khi không được đo bằng ngày tháng, mà bằng những nhung nhớ, những ký ức nhỏ bé, bình dị nhưng êm đềm.
Gió tháng Chạp lùa qua cửa, trong buổi chợ sớm, đã thấy bác chủ nhà lục tục chuẩn bị tết. Khi thì mớ kiệu tươi rói, khi thì cải hăng để muối dưa chua, rồi củ cải… bày biện trong khoảng sân nhỏ trước nhà.
Nếu má tôi còn sống, giờ này ở quê, chắc má cũng luôn tay luôn chân như thế. Một ký củ cải trắng phơi khô ngâm nước tương chẳng còn bao nhiêu, nhưng vì tôi thích nên năm nào má cũng phơi chục ký rồi góp lại trong chiếc keo thủy tinh. Có năm, củ cải đắt quá, quê rộ mùa bầu, gần tết chẳng ai ngó ngàng, má thấy ở đâu bán là mua. Rồi gọt, cắt, phơi hệt như củ cải. Năm đó, nhà tôi có món bầu khô ướp nước tương ăn kèm bánh tét, nhắc thôi đã thèm.
Má tôi như nhiều bà má quê khác, hễ con cái thích ăn món gì thì sẽ chắt chiu làm món nấy, không chỉ để ăn mấy ngày tết mà còn để dành cho con đùm túm mang lên phố, nào củ kiệu, nào củ cải ngâm nước tương, dưa muối chua ngâm nước dừa… Gà vịt đã nuôi từ mấy tháng trước để chọn con ngon nhất, trước là cúng kiếng, sau dành cho con cái. Từ hồi má mất, tôi chẳng còn được ăn những miếng gà ngon như thế…
2. Tết, má đâu chỉ lo chuyện ăn uống. Vườn tược cũng phải quét tước, dọn dẹp sạch sẽ. Ngày Mười tháng Chạp, má đã tất bật tước lá mai trong khu vườn rộng gần chục gốc, cây nào cũng cao quá đầu người. Năm nào vườn cũng tinh tươm, mai nở rợp trời. Khi lũ con bận rộn từ thành phố về quê ăn tết, chỉ còn nhiệm vụ xới đống lá trong vườn cho bớt sương đêm, để dành đốt bùng lên vào khoảnh khắc giao thừa.
Tết quê không có pháo hoa, không có cảnh tấp nập ra phố, chỉ có mấy má con quây quần bên mâm cúng giao thừa và ngắm lửa bập bùng từ đám lá mai, mong một năm mới an lành, đủ đầy. Làm lễ cúng xong thì má lì xì lấy hên cho hai chị em, đều đặn năm nào cũng vậy. Sau này đi làm có chút tiền, chị em tôi cũng lì xì mừng tuổi má. Nhưng má chẳng bao giờ dám xài số tiền ấy.
Má tôi đặc biệt thích bông huệ ta đỏ cánh nhung, năm nào cũng cắt rễ, phơi củ, canh cho kịp nở tết. Má nói mồng Một có huệ đỏ sẽ có điềm lành quanh năm. Trên bàn thờ gia tiên, là lay ơn đỏ thắm. Má luôn có những mẹo rất hay để hoa bung cánh đúng mồng Một và lâu tàn nhất. Tôi vốn là đứa không mê chuyện bếp núc hay cắm hoa, bày quả, dẫu thừa hưởng từ má cái gen nấu ăn ngon, có lẽ, bắt nguồn từ việc muốn “chống đối” lại sự cơ cực mà tôi thấy má suốt đời bươn chải.
Má tôi tuổi trẻ tha hương, gần nửa đời sau mới về sống ở quê, qua bao nẻo đường vạn dặm, khi thì đi bộ, khi ròng rã đạp xe, lúc lại xe khách, nhưng cả đời chưa bao giờ được đi máy bay, chưa bao giờ ăn món gì ngon mà không gói ghém để dành cho con cái. Giờ thì má đã đi một chuyến rất xa, mà tôi vẫn không thể nào chấp nhận thực tại.
Tết năm đầu tiên không có má, em trai tôi đi chợ mua cho kỳ được hoa lay ơn đỏ, chưng hoa bàn thờ ngoại và cắm hoa cho má. Mới tết năm trước thôi, má còn rổn rảng nói cười, vậy mà năm nay, những gì liên quan đến má, chỉ còn lại một bức ảnh lặng im trên bàn và những kỷ niệm quẩn quanh ngôi nhà…
3. Tết, ai cũng háo hức về nhà. Trong dòng chảy bận rộn, đôi khi tôi vẫn quên, hôm nay chưa gọi về cho má, hỏi xem tết này má tính mua gì sắm gì. Rồi sực nhớ… má đã không còn bên cạnh để vun vén, chăm sóc. Sẽ không còn ai pha cho tôi mấy chai rượu trái cây ngon lành từ quả, từ trái ở quê. Sẽ không còn ai cặm cụi nạo dừa, thắng lấy dầu cho tôi dưỡng tóc. Sẽ không còn dịp cận tết đưa má đi mua đôi dép mới, má xót tiền bảo: “Dép ở nhà vẫn mang được, mua chi cho tốn tiền vậy con”.
|
Ảnh minh họa |
Ngôi nhà cũ ở quê vắng má, hơi ấm tản mát ít nhiều. Thế nhưng, chỉ cần mở chiếc ổ khóa đầy bụi, mọi thứ lại ùa về. Căn nhà không thay đổi gì, như thể má chỉ đi đâu đó trong xóm bằng chiếc xe đạp mini, chốc nữa lại về.
Tết này, chị em tôi vẫn trở về nhà, lúi húi dọn dẹp. Một năm nữa, tết không có má, mọi thứ vẫn ngơ ngác, cập rập. Phần lớn đồ tết được mua ở tiệm về, như con gà, quả trứng hay đòn bánh tét. Nhưng nhìn cách em tôi chăm chút nhà cửa, tôi nhận ra, nếp nhà má giữ trong bao năm qua vẫn vẹn nguyên, chỉ là ở một dạng thức khác mà thôi.
Sự trở về không chỉ mang ý nghĩa kéo gần khoảng cách mà còn từ tâm trí, từ những gì ta nỗ lực vun vén, giữ gìn. Tết trong nếp nhà.
Lê Phan