Tết tối giản và tết... tối mắt

20/01/2023 - 10:26

PNO - Rất nhiều năm tôi sợ những buổi chiều 30 tết. Đó là ngày tâm trạng tôi rối tung trong tiếng quát tháo của mẹ, khi tôi còn bé. Đó là nỗi cuống quýt, bất an trong lời chê bai của mẹ chồng, khi tôi đã lập gia đình.

Tết nhưng chẳng ai vui

Đêm 30, sân nhà tôi (sau này là sân nhà mẹ chồng) đều rất bề bộn. Đồng hồ chuẩn bị điểm 0g đêm, tôi muốn lên sân thượng xem pháo hoa nhưng luôn phải phụ mẹ dọn đám chén đũa, chà sàn nhà tắm, hò hét lũ em. Sát giao thừa, mẹ chồng tôi còn hì hục ngoài sân vì chậu cúc của bà chưa bọc xong giấy kiếng đỏ, cây mai của bà chưa được đặt đúng chỗ…

Tôi phát hiện bất hòa giữa phụ nữ với nhau, giữa đàn ông với phụ nữ trong nhà hay nảy sinh trong quá trình dọn dẹp. Đêm giao thừa, hiếm khi tôi ngủ ngon vì những bực dọc đã lây lan từ người này choàng qua người kia. 

ẢNH: Trần Thế Phong
Ảnh: Trần Thế Phong

Phải nói rằng cả mẹ tôi lẫn mẹ chồng tôi đều là những phụ nữ vất vả điển hình và giỏi giang điển hình. Tết nhất, hai bà đều đi làm tới ngày làm việc cuối cùng của Nhà nước, có khi còn phải chia ca trực tết cùng đồng nghiệp. Giáp tết, hai bà đôn đáo mua sắm để tặng quà những người ơn, tặng quà “sếp”; mua và chia đồ thắp nhang nhà mình, nhà nội, nhà ngoại.

Ngày 29, 30, ngoài chuẩn bị thực phẩm cho mấy ngày tết, hai bà phải làm hai bữa cúng tiễn năm cũ và cúng giao thừa rồi hối thúc đàn con tắm rửa, cắt móng tay, ủi đồ, để sáng mùng Một tươm tất. Tết bận, bận như tết, áp lực như tết… là vì một vòng những việc, những trách nhiệm như thế. 

Bây giờ, tới thời chúng tôi, thiết bị tiện nghi, công nghệ hiện đại giúp đỡ rất nhiều. Việc nhà có máy móc hỗ trợ, dịch vụ cuộc sống thì “tận chân răng” nhưng không hiểu sao tết đến, đa số chị em vẫn áp lực hệt như mẹ tôi và mẹ chồng tôi mấy chục năm về trước. Sát tết, đi đâu cũng thấy nét lo âu và tất bật hiện đầy trên gương mặt phụ nữ.

Tết tối giản dễ hay khó?

Ngược với những người bận sấp mặt vì tết, có người thảnh thơi vì theo xu hướng tết tối giản. 

“Nhà giàu nên phải ăn tết thật nghèo. Trend (xu hướng) đó nha” - chị đồng nghiệp ở công ty tôi đùa. Chị có quan điểm: cả năm đua tranh để sống đã mệt quá rồi, có được hơn 1 tuần nghỉ ngơi, phải dành dụm sức lực, đóng cửa trong nhà để vui vầy bên người thân, nạp năng lượng mới. Chị phải “bảo toàn năng lượng” chứ không nhao nhao mua sắm, tham gia tiệc tùng… 

Trên các diễn đàn, nhiều người phân tích, tết tối giản không có nghĩa là triệt tiêu mọi hình thức của một kỳ lễ lớn mà là lược bỏ tối đa những rườm rà hình thức; tập trung vào thư giãn, nghỉ ngơi. Các phong tục lễ lạt vẫn trang trọng nhưng đơn giản hết mức có thể. 

Ăn ít thôi, tiêu ít thôi, đến nơi đông người ít thôi, cơm ăn thanh đạm như ngày thường thôi… Món gì mua hay đặt được trên mạng thì mua, người ta ship (giao) tới tận nhà, sao phải cực khổ như thời muốn ăn gì cũng phải lăn vào bếp? 

Em trai tôi mới lấy vợ mấy năm, cô vợ 9X người miền Tây điệu đà, hiện đại. Chứng kiến sự thảnh thơi của em dâu, tôi ao ước: cũng hai con mà cô ấy có những chiều thong dong sắm hoa tết, những buổi cà phê ngắm phố phường. Việc về quê, đi du lịch với cô rất nhẹ nhàng. Đồ cúng trong nhà, cô bày biện đơn giản mà đẹp. Mọi thứ đều đặt mua trên mạng, giao tận cửa trong… vài nốt nhạc. Tất nhiên, chuyện tiền nong với cô không thành vấn đề. À thì mấu chốt quan trọng cũng ở chỗ đó. 

Thời nay, nếu có tiền, mọi thứ đều có thể giải quyết nhanh gọn. Dọn nhà, quét, sơn mới, trang hoàng nhà cửa… đều có dịch vụ lo hoặc không thì chỉ cần trả lương người giúp việc rồi giao cụ thể từng mục phải làm cho họ…

Tuy vậy, xem kỹ thì tiền hình như vẫn không giúp nhiều phụ nữ được “giải phóng”. Như chị Hai của tôi chẳng hạn. Chị không quá giàu nhưng đủ khả năng lo cái tết tươm tất với tổng phi phí khoảng 50-70 triệu đồng. Vậy mà tết nào chị cũng như bị… rượt. Chồng và nhà chồng chị chung quan điểm tết phải tươm tất, đủ đầy mọi khâu, mọi chỗ. Chị tôi luôn sợ thiếu sót, sợ con không bằng bạn bè, sợ mẹ chồng la rầy, sợ mẹ ruột buồn lòng vì chưa chăm lo như ý.

Bận tối mắt tối mũi vì các số liệu tổng kết dịp cuối năm mà chị vẫn phải vắt chân lên cổ thu xếp nội ngoại trong ngoài. Có mấy ngày tết nhưng chị mệt lử vì tiếp khách tại nhà. Rồi chị đuối sức vì cùng chồng con trên các cuộc di chuyển về nhà nội, nhà ngoại trong khi hai nhà đều cách xa hàng ngàn cây số. 

Chị Hai tôi sợ tết nhưng lại thích tết. Chị quan niệm có lo tết mới vui, mới trưởng thành; phải “giữ tết” mới có những năm tháng dài rộng cho con cháu nhớ về. Ai bày chị “quẳng gánh lo đi mà vui tết” thì chị nói không lo sao được. Cha mẹ nghèo, nhà cửa ở quê xập xệ thì không thể yên tâm. Ông bà cả năm lủi thủi; nay ngóng tết chỉ để được gặp con, cháu. Nội ngoại đều lớn tuổi, không thu xếp về thăm, biết đâu xuân sau không còn gặp lại…

Cuộc xung khắc lối sống giữa chị Hai tôi (kiểu phụ nữ cổ truyền với một núi trách nhiệm) và em dâu tôi (kiểu phụ nữ thong dong mà theo chị Hai tôi là ích kỷ) luôn là đề tài bàn tán của gia đình tôi. Mới hay, để đi tới một cuộc cách mạng “nhàn thân”; để có cái tết tối giản, tết lười… không hề đơn giản. Đây không chỉ là một cuộc cách mạng của tư tưởng, văn hóa, quan điểm mà còn tùy vào kỹ năng sống, kỹ năng thu xếp, kỹ năng quản lý tài chính… - thứ mà không phải ai cũng giỏi giang. 

Châu Giang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI