Tết tối giản - lợi cả trăm đường

01/02/2021 - 17:57

PNO - Ngày càng nhiều gia đình chọn cách ăn tết tối giản để tận hưởng trọn vẹn không khí đầm ấm, hân hoan trong những ngày đầu năm.

Tối ba mươi năm nào, tôi cũng phải nghe tiếng nhà hàng xóm cãi nhau vì tết. Chị bận tối mắt vì tự tay làm bánh, gói giò. Nào bánh chưng, bánh tẻ, bánh mật đến giò mỡ, giò lụa, giò tai.

Ba đầu sáu tay vẫn không xong việc, nhiều lúc căng như dây đàn, chị lại thành ra cáu gắt. Chị trách chồng “không được cái việc gì” rồi mắng con “lớn mà còn vụng”. Đến tối Ba mươi mà vẫn chưa ngơi việc, cả nhà cãi vã ầm ĩ. Đã thế, làm nhiều xong lại lo tích trữ thế nào cho khỏi hỏng, ăn làm sao cho hết, ai cũng phát ngấy phát ngán.

Tôi có cô bạn đồng nghiệp chưa chồng, vẫn đang ở với bố mẹ nên không mất đồng nào sắm tết. Thế nhưng cứ cuối năm là kêu ca kẹt tiền, hỏi tiêu gì thì cô bảo phải chi cả tháng lương để sắm đồ mặc tết, dù có một tủ chật ních quần áo còn mới vì ít mặc.

Tôi hỏi: “Em mua một hai bộ thì làm gì hết cả tháng lương?” Cô mới phân trần: “Đâu chỉ quần áo, em phải sắm cả giày túi mới, và năm mới thì còn phải mua son mới cho may mắn nữa chứ chị.”

Thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta ngày xưa vì cuộc sống còn nghèo mà dẫn tới tâm lý ăn tết là phải đề huề. Giờ đây, nhiều người đã chọn cách ăn tết tối giản: giản lược về vật chất và hình thức lễ nghi, tập trung vào trải nghiệm tinh thần để bắt đầu một năm mới nhẹ nhàng, bình yên.

 

Tết tối giản nhưng trọn vẹn - Ảnh minh họa
Tết tối giản giúp chị em có thời gian tận hưởng không khí tết, nghỉ ngơi, thư giãn - Ảnh minh họa

Chị bạn thân của tôi gia đình khá giả, trước đây mỗi mùa tết phải tiêu cả trăm triệu tiền sắm sửa, quà biếu. Từ ngày biết tới xu hướng ăn tết tối giản, chị “quán triệt” ngay tinh thần mua sắm đơn giản, thức ăn chỉ mua đủ cho gia đình ăn trong hai ngày. 

Nhưng tối giản không có nghĩa là hà tiện. Chị ưu tiên chọn những món ngon, lạ, đặc biệt là salad, gỏi và rau củ luộc. Năm ngoái, tôi đến chúc tết gia đình và được chị mời vào mâm cơm. Thật bất ngờ, trên bàn không ngồn ngộn những thịt gà, giò chả, chị chỉ bày đơn giản vài món nhưng đẹp mắt và tinh tế. Tôi thầm khen chị khéo lựa chọn, ăn tết đơn giản nhưng rất biết thưởng thức.

"Mùng Ba tết thầy", tôi tới thăm nhà cô giáo cũ. Cô kể nghe lời con dâu, năm nay cô tối giản đồ cúng và đồ trang trí tết. Bàn thờ mọi năm chật ních những bánh kẹo rượu trà, thì năm nay cô chỉ bày những món nhỏ xinh nhưng tinh tế.

Cô nói: “Như thế không chỉ tiết kiệm mà còn giữ cho bàn thờ thoáng đãng và thanh tao, sẵn sàng đón vượng khí đầu năm mới. Nhà cửa chỉ cốt gọn gàng, sạch sẽ, một cành đào, cành mai nhỏ trong chiếc lọ cũng đủ mang không khí tết vào nhà.” Tôi ngồi tâm sự với cô bên bình trà nóng và duy nhất một đĩa bánh quy bơ cô tự làm, thấy lòng sao mà nhẹ nhõm.

Có lẽ giá trị lớn nhất của ngày tết là không khí sum vầy đầm ấm và hân hoan hi vọng vào năm mới. Khi giảm được thời gian, công sức sắm sửa, nấu nướng, bày biện thì chị em mới có thời gian để sống chậm lại, thảnh thơi hơn và tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc đầu năm bên gia đình.

Bữa cơm tất niên không cần năm đĩa mười bát, chỉ cần vài món ngon cả nhà thích ăn. Cùng nhau nhẩn nha nấu nướng, mâm  ít món nhưng bày biện thật thành tâm để dâng lên ban thờ.

Năm nào tôi cũng đi chợ hoa mua đào chưng tết, nhưng theo kiểu vội vàng, vồ vập. Giờ thì tôi đi với tâm thế chơi xuân, nhẩn nha ngắm hoa và chuyện trò với những người trồng đào. Chọn một cành đào nhỏ nhưng thật tươi tắn, nhiều lộc, tôi thong thả ra về.

Tết tối giản nhưng lại phong phú về mặt tinh thần là như vậy đấy. Thực ra, định nghĩa về tối giản của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Chỉ cần kiên quyết với phương châm giữ lại những gì thật sự cần thiết và quan trọng, bỏ bớt những thứ rườm rà thì ai cũng sẽ tìm được cho mình một cái tết nhẹ nhàng, hân hoan và nhiều ý nghĩa.

Thu Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI