Tết thời COVID-19, nghĩ về tết xưa còn má

13/02/2021 - 13:32

PNO - Mọi thứ đã bị đảo lộn hết vì con virus vô hình. Một cái tết quá lạ vì ai nấy đều hồi hộp.

1. Hồi má tôi còn khỏe, sáng mùng Một tết nào bà cũng qua nhà tôi rồi hai mẹ con đi bộ ra biển. Tôi, sau khi đi lễ về, mở hết các cửa cho ánh nắng tràn vào nhà và chờ má. Má và tôi chưa vội đi. Bà luôn ngồi lại một chút, nói câu chúc tết rôm rả, "má chúc tụi con năm nay làm ăn hanh thông, gia đình bình an sức khỏe, con cái ngoan ngoãn, vâng lời".

Một lời chúc ngắn của má đủ trọn một năm mà bất cứ ai cũng phải mơ ước, giữ gìn. Rồi má nhắc đi nhắc lại, bình an, sức khỏe là trên hết. 

Mẹ và con gái xuất hành đầu năm, nguyện cầu cho một năm bình an - Ảnh minh họa
Mẹ và con gái xuất hành đầu năm, nguyện cầu một năm bình an - Ảnh minh họa

Một ngày như mọi ngày, thế nhưng với ngày đầu năm, thành phố thưa vắng luôn khiến người ta nghĩ về sự khởi đầu, tinh khôi, trong trẻo, an lành. Má và tôi hay dừng lại bất cứ nơi nào có người tụ hội như đám múa lân, sòng bầu cua… Rồi ra biển là lúc công nhân vệ sinh vừa xong công việc dọn dẹp đường phố sau đêm giao thừa, cả biển người tụ hội về quảng trường ăn uống, vui chơi. Vậy là xong việc xuất hành đầu năm.

Sang mùng Hai, hành trình của chúng tôi luôn là 4 giờ 30 sáng, từ nhà ở Nha Trang chạy xe về nghĩa trang Hà Dừa, nơi đây có thánh lễ cầu cho ông bà, cha mẹ. Xong lễ, chúng tôi thắp nhang mộ ba và em gái rồi đi tiếp qua chùa Thiên Quang ở Phú Lộc. Sau chùa có nghĩa trang nhỏ là nơi nằm lại của ông bà ngoại tôi, cậu, mợ… 

Những năm má tôi còn khỏe bà theo chúng tôi đi lễ. Khi ấy, tôi còn trẻ và cầu Thành chưa xây mới vẫn còn cái cầu tre lắt lẻo. Tôi nói với má "ngồi sau xe máy, má ôm chặt để con chạy qua cầu". Lần nào cũng vậy, qua cầu xong má mới nói, "con này liều quá không chịu đi đường cải lộ tuyến, cầu Mới an toàn hơn. Má ngồi sau mà nhắm mắt, hú hồn!".

Những năm sau này, cầu Thành làm mới, đường đi dễ dàng hơn, nhưng má không còn ngồi sau xe máy được nữa, vì vậy việc về thắp hương ông bà cha mẹ má giao hết cho chúng tôi. 

Hành trình mùng Hai của tôi cố định tuyến đầu, nghĩa là đi lễ ở Hà Dừa, qua thắp nhang các mộ bên chùa Thiên Quang rồi sau đó “ta bà” không cố định. Có khi tôi lang thang ở Phú Lộc, tìm những nhà có cây nêu để chụp hình, có khi chạy miết vòng qua khu mỏ đá, lên Diên Lâm, Diên Phước… rồi về lại Thành. Có năm từ chùa Thiên Quang, chúng tôi quay trở lại Thành lên Diên Bình rồi về lại Nha Trang qua đường Cầu Lùng. Ghé quán bánh ướt của bạn, mỗi người thanh toán một chồng cao nghệu mới đã bụng. 

Nói chung, với tôi, mùng Hai là ngày “tung hoành” ở Thành, dành riêng ngày đó cho Thành Diên Khánh là nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên; nơi mà tôi có thể vào bất cứ nhà bạn cũ nào cũng được đón tiếp vui vẻ, chuyện trò như pháo rang. 

Rồi bước chân má chậm lại, yếu đi, bà không còn đi bộ với tôi ra biển được nữa. Cố gắng lắm, bà qua nhà tôi khoảng 400m, nói câu chúc tết rồi chầm chậm đi bộ về, mà thường là tôi phải đi cùng.

Từ đó, hướng xuất hành của tôi cũng khác. Sau khi đưa má về, tôi chạy xe một vòng ra biển. Biển luôn là chốn hẹn hò của bất cứ ai ở Nha Trang cũng như xa Nha Trang mỗi khi về lại. 

Dừng một chút ở Quảng trường, ngắm nhìn quang cảnh tinh tươm sáng đầu năm, xong tôi theo đường Trần Phú, xuống Chụt, qua núi, vòng xuống Cửa Bé. Nơi này luôn khiến tôi nhớ làng Phú Lộc những ngày tết xưa, thời còn bé, có lẽ vì còn nét “rất Thành” của nhiều người dân Thành xuống đây định cư. Và đặc biệt, còn là một nơi gợi nhớ về những xóm chài ở miền Trung của nhiều người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến đây lập nghiệp cả trăm năm nhưng vẫn giữ được hồn xưa từ những món ăn cho đến giọng nói. 

Một vòng như vậy, thể nào tôi cũng dừng lại một sòng bầu cua bên đường và thử thời vận. Đặt tờ mười ngàn đồng xuống một con gì đó rồi hồi hộp nhìn cái nắp được mở ra. Chưa bao giờ tôi trúng. Nhưng nó như gợi nhớ về những ngày còn bé đạp xe qua làng Phú Lộc nhìn người ta chơi bầu cua, xóc đĩa… luôn thòm thèm đến khi nào mình mới được chơi hay biết chơi?

Từ Cửa Bé, tôi hăng lắm, chạy vòng khu Bình Tân, ra Trần Phú rồi tiếp một mạch qua cầu, đi hết Phạm Văn Đồng đến cảng cá Lương Sơn, dừng lại ngắm biển, trời, mây, khu làng chài, cách sống chậm ngày đầu năm của người dân nơi đây rồi mới quay về. Tổng cộng như vậy, tôi đã đi phải đến 60km cho một vòng TP.Nha Trang ngày mùng Một tết. Không nhiều với một người trẻ, nhưng quá nhiều với một người đã nghỉ hưu!

Mùng Hai, lịch trình của tôi lặp lại như trên. 

Mùng Ba, và những ngày khác có khi ở nhà tiếp khách, có khi cùng bạn bè đi đâu đó, cà phê, thăm hỏi... Hết tết!

2. Tết năm nay với tôi có nhiều thay đổi. Tôi không còn má nữa cũng như nghĩa trang năm nay sẽ không có thánh lễ cầu cho ông bà, cha mẹ vào mùng Hai vì dịch COVID-19. 

Mọi thứ đã bị đảo lộn hết vì con virus vô hình. Một cái tết quá lạ vì ai nấy đều hồi hộp. Tôi nghĩ, mọi người sẽ tùy theo tình hình mà tổ chức cho gia đình một cái tết nhẹ nhàng. 

Thắp nén hương cho má, tôi nguyện xin mọi sự bình an.

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI