Tết thời 4.0

05/02/2018 - 07:21

PNO - Khoa học kỹ thuật càng phát triển, những cảm xúc thật, những giá trị cốt lõi cơ bản của con người sẽ được trả về đúng giá trị của nó. Con người cần nhau chứ không cần giá trị cộng thêm của thời đại.

Những ngày cuối cùng của năm 2017, người ta nói nhiều tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học).

Bên cạnh những cơ hội, cuộc cách mạng này cũng tạo ra nhiều thách thức về sự bất bình đẳng, đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động, đi cùng với đó là sự tan rã của cấu trúc kinh tế, xã hội vốn được định hình trong thế kỷ qua.

Trong hàng loạt hệ lụy đó, ít ai đề cập tới khía cạnh văn hóa, mà chủ yếu đang tập trung vào kinh tế. Sau toàn cầu hóa văn hóa, dưới tác động mạnh mẽ của công nghệ 4.0, của trí tuệ nhân tạo lên ngôi, văn hóa sẽ như thế nào? 

Tet thoi 4.0
Sophia - robot đầu tiên được trao quyền công dân và tuyên bố muốn lập gia đình

Năm 1997, đại kiện tướng cờ vua người Nga Kasparov bị siêu máy tính Deep Blue đánh bại. Năm 2016, kỳ thủ cờ vây đẳng cấp thế giới Lee Sedol bị chương trình máy tính AlphaGo của Google đánh bại. Mới đây, Sophia - robot đầu tiên được cấp quyền công dân tuyên bố muốn lập gia đình và cho rằng “gia đình là điều thực sự quan trọng”.

Trước đó, tại hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai diễn ra tại Riyadh, Saudi Arabia, Sophia khiến nhiều người có mặt cảm thấy đáng sợ khi có một màn đối đáp trôi chảy, linh hoạt đến kinh ngạc, thậm chí “cô” này còn biết hỏi ngược lại người phỏng vấn khi bị hỏi khó.

Vậy thì, còn bao nhiêu câu chuyện nữa khiến chúng ta kinh ngạc đến “sởn cả gai ốc” khi có một thế hệ robot được sản sinh, cùng chung sống bên cạnh? Và liệu trí tuệ nhân tạo một ngày nào đó có vượt khỏi tầm kiểm soát của con người?

Tet thoi 4.0
Robot "đảm" việc nhà nhưng có "đong" được cảm xúc con người?

Văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông từ trước đến nay vẫn xem trọng giá trị cổ truyền, xem trọng tình cảm con người trong một tổng thể hài hòa giữa gia đình và xã hội. Sự “đổ bộ” của những robot giống người, thậm chí trong tương lai không xa là robot có nhân tính, chúng ta - những con người bằng xương bằng thịt sẽ ứng xử với nhau như thế nào?

Khi robot có khả năng làm được tất cả mọi thứ, khi những tiện ích công nghệ lên ngôi và chiếm lĩnh đời sống, tình cảm người với người, tình cảm gia đình sẽ như thế nào? Và tết cổ truyền, khi có sự xâm nhập của văn hóa toàn cầu - văn hóa 4.0 sắp đổ bộ tới đây, còn hay mất? Nếu một ngày robot có cảm xúc như con người, thì chúng ta sẽ là ai?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Khi có máy ảnh, người ta nói hội họa sẽ chết nhưng nó có chết đâu?

Tet thoi 4.0

* Phóng viên: Không gian của văn hóa truyền thống hiện nay đang bị thu hẹp bởi sự “xâm chiếm” tất yếu của thời đại công nghệ. Tới đây, 4.0 đổ bộ, liệu không gian đó có nguy cơ biến mất? 

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Nói gì thì nói, trí tuệ nhân tạo hay thực chất là trí tuệ điện toán, được sinh ra để đáp ứng một số nhu cầu của con người mà thôi, làm sao có thể thay thế hoàn toàn con người thực sinh.

Bản thân con người - người tạo ra nó còn chưa hiểu hết con người thì làm thế nào máy móc có thể hiểu hơn được? Sự thay đổi đó là sự vận động xã hội, là tất yếu, muốn hay không thì nó vẫn diễn ra.

Chúng ta đừng nghĩ về hai chữ “truyền thống” trong khung giới hạn của nó. Truyền thống luôn vận động từ xưa đến nay. Trong thời đại 4.0, văn hóa truyền thống sẽ có một hình thức phát triển mới. Chẳng hạn, với sự lên ngôi của trí tuệ điện toán, người ta có thể dựng lại các huyền thoại cổ xưa nhất. Trước đây, có thể chúng ta đã từng diễn nhưng không hấp dẫn bằng; thì giờ đây, với công nghệ, vẫn là câu chuyện đó nhưng nó được khoác áo mới, cuốn hút người xem hơn.

Rõ ràng đó là điều đáng kể chứ. Trước đây, khi có máy ảnh, người ta nói hội họa sẽ chết nhưng nó có chết đâu? Tết cũng thế mà thôi.

* Xã hội chúng ta mới chỉ ở trình độ phát triển này mà một số người đã đòi bỏ tết rồi. Không biết, khi 4.0 đổ bộ, thì sao?

- Tôi nghĩ rằng, bỏ hay giữ là quyền lựa chọn của mỗi người. Ai muốn bỏ thì bỏ, có ai bắt họ ăn tết đâu?

Nhật Bản từng bỏ tết cổ truyền vì xem đó là nguyên nhân của trì trệ, lạc hậu; nhưng hiện nay, đang có phong trào đòi khôi phục tết âm lịch đấy. Mà tôi nghĩ, giàu có để làm gì, nhiều tiền để làm gì khi con người không có hạnh phúc, người với người không đồng cảm?

Hai là, tại sao có hai cái tết, cũng như trong nhà có hai con dao? Tại sao có hai thì lại vứt đi một? Tại sao lại tước đoạt sự phong phú của đất nước mình? Tại sao Nhật Bản phát triển như thế, lại có phong trào tái lập tết âm?

Hiện nay, Nhật Bản có khoảng trên 300.000 người cô độc và số lượng người già chiếm hơn 27%. Họ cần lễ hội, cần đồng cảm. Việt Nam bây giờ chạy theo kinh tế, làm giàu, rồi cuối cùng đi vòng tròn giống họ ư?

Tết âm lịch là một kiểu lễ hội được định hình qua hàng thế kỷ, không phải ngày một ngày hai mà có. Nó là một lễ hội quan trọng hơn bất cứ lễ hội nào ở ta hiện nay. Lễ hội tôn giáo chỉ dành cho những người theo tôn giáo đó. Lễ hội diễn ra ở các vùng, miền chỉ dành cho dân địa phương ở những miền đó.

Rầm rộ như thắng lợi của U23 Việt Nam vừa qua cũng chỉ dành cho người yêu bóng đá mà thôi. Thế nhưng, tết là dành cho tất cả mọi người. Nó là một giá trị mang tính phổ quát đến từng cá thể, kể cả những người mất quyền công dân thì họ vẫn có tết. Một lễ hội ngàn năm như vậy, ai nỡ vứt đi?

* Nhưng thế hệ hiểu những giá trị như thế đang già đi, các bạn trẻ lại chẳng mặn mà gì. Sự tiếp lửa trong phạm vi gia đình liệu có bị đứt đoạn bởi 4.0?

- Cái gì cũng vậy, có trải nghiệm thì mới có tri thức, kinh nghiệm và khi đó mới hiểu cái gì là cốt lõi. Các bạn thử lớn thêm nữa, thử già đi xem, liệu có giống chúng tôi bây giờ không?

* Có người nói máy móc làm cho con người ta xa nhau…

- Tôi cho rằng, người truyền thông điệp và người nhận thông điệp cần có những kỹ năng để sống và ứng xử trong thời đại mà kỹ thuật phát triển như vũ bão thế này.

Theo quan sát, tôi thấy trên mạng xã hội Facebook hiện nay người ta rất ít kỹ năng. Cũng chưa có giáo trình nào dạy những kỹ năng đó cả. Trong khi đó, thế giới mạng rất lộn xộn, chúng ta cần tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để tự chống “độc”.

Người có kỹ năng, họ sẽ có những ứng xử bình tĩnh, điềm đạm trước mọi vấn đề. Như Facebook bây giờ đâu chỉ là nơi kết nối bạn bè và các mối quan hệ công việc, còn chuyện tình cảm, chuyện an toàn cho cá nhân, gia đình, thậm chí cho cả thể chế nữa… Trong thời đại 4.0, càng phải có kỹ năng thì mới “chung sống” với nó tốt được.

Nhà thiết kế Chương Đặng: “Đó là rời bỏ tự nhiên, sòng phẳng và rất buồn”

* Phóng viên: Tết cổ truyền của Việt Nam trong thời đại 4.0 rồi sẽ như thế nào?

- Nhà thiết kế Chương Đặng: Tuần trước, tôi cũng vừa có một buổi nói chuyện với các phụ huynh học sinh ở một trường quốc tế về vấn đề này. Họ băn khoăn về việc có nên giữ tết cổ truyền cho con không và nếu giữ thì giữ như thế nào.

Tôi may mắn khi được tiếp xúc với một số bạn bè sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên và trưởng thành ở nước ngoài. Họ hiểu về gốc rễ của mình. Họ còn biết liên kết nhiều mặt, kể cả bằng tâm linh với nguồn gốc của mình để trở thành một người mạnh mẽ hơn, văn minh hơn.

Có lẽ, đó là cái mà chúng ta vẫn gọi là văn hóa gốc. Thứ văn hóa gốc đó như những nghi thức, được thực tập lặp đi lặp lại, luôn nhắc họ nhớ họ là ai trong thế giới này. Điều đó vô cùng quan trọng.

Tôi cho rằng nên giữ tết. Các con của mình sẽ có từng giai đoạn để nhận thức về thế giới xung quanh. Chúng ta chỉ có 10 năm đầu đời của nó để dạy nó về điều này điều kia và tết chính là dịp duy nhất để ta có thể  tách nó ra khỏi nhà trường, khỏi môi trường mà nó bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng ta thực hành đi thực hành lại điều đó 10 năm cho con, con sẽ ghi nhớ lại.

Tet thoi 4.0

* Yếu tố gốc mà ông nói chỉ thể hiện một cách rõ ràng khi chúng ta ở nước ngoài; còn nếu sống trong nước, hấp thụ không khí chung này thì yếu tố đó ít được để ý…

- Có rất nhiều cái từ bên ngoài du nhập vào và người dân mình thích được thực tập. Chuyện đó là bình thường, cũng chẳng có gì sai cả, nhưng nó sẽ làm cho việc thực tập của chúng ta với văn hóa gốc và những giá trị của nó bị thách thức. Nó sẽ đứng trước nguy cơ bị mờ nhạt. Nó không còn là thứ tự ưu tiên hàng đầu nữa. Tết cổ truyền cũng vậy.

* Rồi một ngày, robot làm được tất cả mọi thứ; tới đây, chúng ta sẽ đi về đâu?

- Nếu ngồi nghĩ tới viễn cảnh tương lai, mình sẽ lo sợ. Nhưng sự phát triển nào cũng vậy, đều dựa trên tập tính của con người và những giá trị mà con người thời đại đó đặt ra. Nó sẽ không phải là một thế giới khô khan mà chúng ta tưởng tượng chỉ có robot không đâu. Con người không bao giờ lựa chọn một cái tệ hơn để thay thế cái cũ.

* Nhưng trong cuộc cách mạng này, sẽ có những giá trị cốt lõi bị mất đi? 

- Thật khó để đổ tội cho sự phát triển này, vì nếu con người có "văn hóa gốc" thì chẳng có cái gì bị mất đi cả. Con người có khuynh hướng bị lệ thuộc, sử dụng, thậm chí bị “rủ rê” một cách rất vô thức. Quan trọng vẫn là mình hiểu mình như thế nào.

* Trong thời đại tiện ích lên ngôi này, ông nghĩ vì sao những người mẹ vẫn lụi cụi chuẩn bị từng thứ một để đón tết?

- Thứ nhất, trong điều mẹ mình quy ước, những việc đó tạo ra hạnh phúc, tạo ra giá trị. Mẹ yêu mình, yêu gia đình nên mẹ làm. Hai là, bà cũng cần tạo ra giá trị riêng của mình. Mẹ không giỏi lướt Facebook, không giỏi mua hàng online, không thích “click chuột” nên bà muốn tự tay làm tất cả để chuẩn bị một cái tết ấm áp, sum vầy.

Tet thoi 4.0
Robot có thay được tình mẹ?

* Đến một lúc, hình ảnh những bà mẹ như thế cũng sẽ mất đi, thay vào đó là một thế hệ bà mẹ quen với văn hóa tiện ích thì câu chuyện lưu giữ những giá trị truyền thống của tết sẽ như thế nào?

- Lúc đó, sẽ tồn tại đồng thời nguy cơ và cả cơ hội. Sẽ là cơ hội khi thời đại đó có một phương tiện, công cụ gì đó hấp dẫn con cái họ để có thể kéo chúng quay trở về với những giá trị cốt lõi của gia đình thì giá trị đó được thực thi.

Nhưng nó sẽ là nguy cơ khi công cụ đó chưa đủ mạnh; họ sẽ bị “mất đi” những đứa con của mình, văn hóa truyền thống sẽ mất đi những người thụ hưởng của chính nó. Đó là một sự rời bỏ tự nhiên, rất sòng phẳng và rất buồn nhưng nó là sự thật.

Tất nhiên, những giá trị theo thời gian cũng bị thách thức, tan rã hoặc quay về. Khi chúng ta lớn lên, va vấp nhiều, trải nghiệm nhiều, khi đó, mọi thứ sẽ được gạn lọc dần. Như tôi chẳng hạn, năm 20 tuổi thấy công việc gói bánh chưng thật tẻ nhạt và chán. Bây giờ, 40 tuổi, tôi lại thấy thích.

Cuộc sống là thế. Là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa cũ và mới. Đến một lúc, nó sẽ thay đổi. Nhưng đến một lúc khác, cũng sẽ có những cú lội ngược dòng.

* Để không bị “sốc”, những cá thể đơn lẻ như chúng ta phải làm gì?   

- Nếu có một app thống trị thế gian này, dân tộc nào có nền tảng giáo dục, văn hóa thấp thì càng dễ có nguy cơ trở thành nô lệ. Nếu để tranh luận, đó sẽ là vấn đề cần tranh luận. Còn nói chung, sự phát triển của trí thông minh nhân tạo và những tác động của nó đến mọi mặt của đời sống đều hợp lý, tự nhiên.

Nhưng nó sẽ bất hợp lý ở các khu vực sử dụng, ở cách người ta sử dụng nó ra sao.

Trong thời đại này, người nào bình tĩnh thì người đó sống tốt. Những khủng hoảng xảy ra gần đây đều bắt nguồn chỗ mất bình tĩnh. Quay trở lại vẫn là câu chuyện bình tĩnh sống, kể cả dạy con cái. Không bình tĩnh là thua. Và nếu có một nền tảng tốt và sâu, chúng ta sẽ không bị “sốc” hoặc mức độ sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Nhà báo Dương Bình Nguyên: “Những giá trị cốt lõi sẽ được trả về đúng giá trị của nó”

Theo một phát minh mới đây, trong một tương lai không xa, thế hệ búp bê tình dục biết thể hiện cảm xúc, tình cảm y như con người sẽ ra lò. Nhưng tôi nghĩ, trí khôn của con người, cảm xúc của con người là những thứ không thể lập trình được.

Trí khôn nhân tạo có thể được tích hợp và có thể giỏi hơn một người bình thường, nhưng cảm xúc con người lại là thứ không tích hợp được, không đoán được. Cho nên ngày xưa, các cụ mình hay nói “lòng dạ con người là thứ không thể đo được” là vì thế.

Khi chúng ta làm kinh tế, chúng ta thường tiến hành các nghiên cứu để đưa ra các nhận định mang tính đại trà. Tuy nhiên, bạn không thể cưới một robot được, kể cả cô/anh robot đó có khả năng nhận biết cảm xúc của bạn khi làm tình nhưng nó sẽ không thể nào biết được bạn đang vui hay buồn, bạn có hạnh phúc hay không, bạn cần cái gì lúc này một cách tinh tế nhất, vì nói cho cùng, nó cũng chỉ là một sản phẩm được lập trình sẵn.

Tet thoi 4.0

Khi internet ra đời, người ta nói nó có khả năng làm cho khoảng cách bị xóa nhòa. Hằng ngày bạn có thể facetime với bạn mình ở Mỹ và rất vui vẻ vì chuyện đó. Cái gì cũng có thể kể cho nhau nghe được. Nghĩa là, chúng ta hoàn toàn có thể biết hết tất tần tật mọi thứ về bạn mình thông qua một chiếc điện thoại thông minh.

Nhưng bạn có muốn gặp bạn mình không? Bạn có muốn cảm nhận cái nắm tay của bạn mình không?

Trên mạng xã hội, tôi là một con người như thế, nhưng nếu tôi ở bên cạnh bạn ngay lúc này, là một con người thực sự bằng xương bằng thịt thì sẽ như thế nào, bạn có tò mò về điều đó không?

Con người là một cá thể cô đơn, ai cũng có nhu cầu cần một ai đó bên cạnh. Vì sao phải là một ai đó, mà không phải là một thứ khác? Vì sao có những người có đầy đủ tiền tài danh vọng, họ vẫn rất cô đơn?

Tôi nghĩ rằng, việc có một ai đó ngồi bên mình, thậm chí không nói gì đôi khi còn quan trọng hơn việc gặp nhau là lôi nhau lên giường. Bạn có thể lên giường với rất nhiều người, nhưng người bạn tựa vào và thấy dễ chịu thì ngoài mẹ bạn ra, không có nhiều. Người như vậy đã hiếm, nói gì một con robot, dù cho nó có thông minh cỡ nào.

Tet thoi 4.0
 

Tôi đọc trên báo thấy người ta viết rằng, có những người Nhật chết trong cô đơn; thậm chí, họ còn thuê người lo hậu sự cho mình nữa. Đó là áp lực của một xã hội công nghiệp; lúc còn sống, họ không muốn gây phiền toái đến ai, lúc chết cũng không làm phiền ai. Xét về mặt sinh học thì bình thường, nhưng xét về cảm xúc, đó lại là hiệu ứng ngược cho việc người ta cô đơn quá lâu. Tôi nghĩ không nên như vậy.

Robot tồn tại, được thế giới ưa chuộng và phát triển vì nó có thể giải phóng sức lao động của con người, giúp con người có một cuộc sống thoải mái, tự do hơn. Nhưng nó chỉ giúp chúng ta giải quyết tất cả các vấn đề không liên quan đến cảm xúc mà thôi. Câu chuyện người Nhật ăn ngủ cùng robot mà chúng ta vẫn đọc ở đâu đó trên báo chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ mà thôi.

Câu chuyện tết cũng thế. Ở ngoài chợ không thiếu một thứ gì. Các nhà hàng luôn để sẵn số hotline, chỉ cần nhấc điện thoại lên, một lúc sẽ có người giao hàng.

Tại sao các mẹ của chúng ta vẫn muốn tự tay làm cho con mình ăn, chuẩn bị từng li từng tí để đón tết? Bởi vì, trong quan niệm của người Việt, tết là một dịp rất thiêng liêng để cả nhà đoàn tụ. Mẹ nào cũng nghĩ con mình là tốt nhất, con nào cũng nghĩ mẹ mình nấu ngon nhất. Chuyện đó không thiên về kỹ năng mà cảm xúc nhiều hơn.

Cũng như việc, bạn có thể ở khách sạn 10 sao ở Dubai mười mấy ngàn đô/đêm, nhưng có khi, về nhà nằm ôm mẹ mới hạnh phúc nhất. Hay như việc bây giờ phương tiện đi lại thuận tiện, về quê lúc nào cũng được, tại sao tết nhất định vẫn muốn về, tại sao lại phải chen chúc giữa rừng người nhốn nháo đó để leo lên được tàu xe, máy bay để về nhà?

Vì bạn muốn gặp lại gia đình, muốn hưởng không khí ấy trong một không gian thân quen nào đó. Giá trị của tết, của tình thân, của gia đình nằm ở những câu chuyện nhỏ như vậy.

Tôi nghĩ, giá trị cuộc sống sẽ được mặc định theo từng thời đại. Tuy nhiên, khi khoa học kỹ thuật càng phát triển, những cảm xúc thật, những giá trị cốt lõi cơ bản của con người sẽ được trả về đúng giá trị của nó. Con người cần nhau chứ không cần giá trị cộng thêm của thời đại.

Vì sao bạn muốn gặp một người nào đó? Vì chúng ta cần nhau, không phải ư? Tôi đang tự hỏi, nếu một ngày, người ta lắp một cái máy vào não mình thì mình thực sự có sống đúng cuộc sống của mình không, hay mình bị điều khiển bởi một trí não khác? Nếu vậy, thì thực sự cũng chẳng có gì thú vị cả. 

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI