Gần tết, má tôi nhắn một người quen có bà con ở Quang Thạnh. Khoảng 23 tháng Chạp, tôi đi học về thấy trong nhà có chồng bánh tráng cao nghệu. Má mua nhiều còn để biếu các dì, hàng xóm. Biếu qua biếu lại là một tục tết gắn kết tình làng nghĩa xóm mà tôi thấy rất hay.
|
Ảnh mang tính minh họa. Internet |
Bánh tráng má tôi mua là loại cuốn, dai, vị mặn mặn ngọt ngọt. Lấy tay lướt qua nước, cái bánh mềm vừa phải, cuốn thứ gì cũng ngon. Có loại bánh mỏng hơn, biết cách giữ ẩm (bọc lá chuối) cho bánh yểu, thì khi cuốn không cần phải nhúng nước.
Kỷ niệm về cái bánh tráng trong tôi là những năm tiểu học, tôi có người bạn tên Mát, nhà ở Vườn Trầu (Diên Toàn). Nhà bạn rộng nên chúng tôi hay tổ chức họp nhóm. Gia đình Mát làm xì dầu, sau khi học xong, hầu như ngày nào chúng tôi cũng được ăn món bánh tráng nhúng chấm xì dầu dầm ớt xiêm, ngon ơi là ngon!
Có nhiều loại bánh tráng: loại thật mỏng cuốn chả ram, dày hơn một chút làm món cuốn hay đơn giản là nhúng nước chấm xì dầu, nước mắm ớt tỏi. Dày hơn chút nữa là bánh tráng nướng. Thế hệ tôi hầu như ai cũng biết cách nướng bánh tráng. Xế chiều, má tôi bày ra một trả than hồng, cái khéo tay của người nướng bánh là phải trở và đè mặt bánh sao cho bánh thẳng và nổ những đốm phồng tròn to nhỏ. Chậm chạp, quá tay, hay lơ đãng là bánh bị cháy ngay. Cái bánh tráng nướng tuổi thơ của tôi luôn có vị ngọt ngọt. Ăn khô cũng ngon mà nhúng nhanh qua nước, chấm xì dầu cũng ngon.
Một loại đặc biệt nữa là bánh tráng dang. Dang ở đây là phơi nắng. Bánh được tráng dày, trước khi ăn phải phơi nắng, lúc bẻ nó thật giòn, ăn nghe rào rạo trong miệng, vị mặn mặn ngọt ngọt, rất ngon.
Lớn lên, đi nhiều nơi, tôi biết nhiều loại bánh tráng không “chân phương” như bánh tráng quê mình. Từ Ninh Hòa trở ra miền Trung, tôi thấy người ta chuộng bánh tráng mè, có thể thêm vào các gia vị cay, mặn, ngọt làm nên đa dạng mùi vị cho cái bánh tráng.
Miền Tây thì chuộng bánh tráng có vị dừa, đủ các vị mặn ngọt, béo, thơm đặc trưng. Sau này tôi phát hiện ra ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) có loại bánh tráng nướng, vị giống hệt bánh tráng Quang Thạnh má thích.
Mỗi lần đi công tác Vạn Ninh, tôi luôn mua về cho bà vài cái. Má hay nói, má thích loại này bởi ăn xong nó không bị chua miệng như các loại bánh tráng khác.
Những ràng bánh tráng tết trong nhà tôi chủ yếu cho món cuốn. Gì cũng cuốn được. Trong cái cuốn là cả một “thế giới động, thực vật” thu nhỏ. “Chủ lực” là cá thịt nướng/luộc, bì, tôm, chả lụa... Nhưng “chủ đạo” phải có rau: xà lách, húng quế, húng lủi, diếp cá, ngò gai, tía tô, hẹ... Có thể thêm vài thứ nữa như dưa leo, khế chua, chuối chát, củ cải, cà rốt, đu đủ, củ kiệu...
Nói chung, trong cái cuốn nhỏ bé là bức tranh đủ màu sắc đa dạng, phong phú, hấp dẫn và đủ cả “mặn, nhạt, chua, cay lẫn ngọt bùi!”. Quan trọng không kém là nước chấm: mắm ớt tỏi, nước tương chế biến từ tôm thịt bằm nhuyễn… Tiện dụng nhất cho ngày tết là món măng hầm cuốn bánh tráng rau sống hầu như nhà nào cũng có.
Sau này má tôi không bày trả than nướng bánh tráng nữa vì chị Giỏi nhà bên cạnh mở ra bán hàng, có bán bánh tráng nướng Quang Thạnh. Xế chiều thèm ăn vặt, má tôi qua mua mấy cái bánh tráng, thấy chị đang ngồi nướng bánh, má còn nán lại trò chuyện với chị.
Quanh cái bánh tráng cho bữa xế buồn miệng, má tôi hay kể chuyện. Hồi xưa có bà ở Quang Thạnh nổi tiếng hà tiện. Từ Quang Thạnh xuống Cửa Bé phải mất gần 30 cây số. Ngày xưa làm gì có xe ngựa, đi đâu cũng cuốc bộ. Nước mắm Cửa Bé nổi tiếng, dân Thành chỉ chuộng nước mắm này. Mỗi lần mua mắm, bà đi bộ mất trọn một ngày.
Sáng sớm đến trưa mới tới Cửa Bé. Rồi gánh cái gánh, một đầu thùng mắm nước, một đầu thùng mắm nêm, chiều sẩm mới về đến nhà. Nước mắm thì ăn bình thường, mắm nêm dùng để nấu. Từ canh chua đến canh rau, canh các kiểu đều nấu bằng mắm nêm. Múc muỗng mắm nêm, dầm cho hết cá, lấy xương ra rồi nấu. Ăn uống hà tiện, vậy mà khi bà mất, người ta phát hiện bà có một ơ đồng đầy vàng lá.
Chuyện má kể không biết thực hư, vì tôi nghĩ chắc má cũng chỉ nghe kể lại. Má tôi hay bà cụ ấy giờ cũng đã ra người thiên cổ. Kỷ niệm đời xưa, kể lại biết bao giờ cho hết!
Bình An