Tết tha hương, mong quê nhà bình an

13/02/2021 - 13:37

PNO - "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên). Hơn ai hết, những người con đất Việt khi xa quê hương mới chợt giật mình thấy nhớ mỗi khi tết đến Xuân về.

Tết là dịp để đoàn viên, để trở về nơi chúng ta thuộc về. Chính vì vậy, có những người con đất Việt dù đi khắp bốn phương trời để học bao điều mới lạ hay phải chọn miền đất mới để mưu sinh nhưng khi đến thời khắc trời đất giao hòa vẫn luôn mang những cảm xúc đặc biệt.

Và họ đã không ngại trải lòng về những tâm tư, tình cảm và cả mong ước rất riêng tư của mình...

Chị Nguyễn Sơn rời Việt Nam sang Israel sinh sống đến nay đã 26 năm. Từ những ngày đầu  bỡ ngỡ đặt chân đến một đất nước Trung Đông xa xôi với biết bao điều mới lạ, đến nay chị Sơn đang có cuộc sống hạnh phúc tại thành phố biển Haifa với người chồng Israel tốt bụng và cô con gái Mỹ Phương đang là sinh viên năm thứ 3 tại Học viện công nghệ Technion.

Chị Sơn đang sống một cuộc sống hạnh phúc cùng người chồng Israel và cô con gái Mỹ Phương - Ảnh: NVCC
Chị Sơn (phải) đang có cuộc sống hạnh phúc cùng người chồng Israel và con gái Mỹ Phương - Ảnh: NVCC

Chị Sơn cho biết, hiện có khoảng 400 người Việt Nam định cư và làm việc lâu dài tại Israel. Bên cạnh đó, có hơn 700 sinh viên người Việt từ nhiều trường đại học ở Việt Nam sang Israel theo diện tu nghiệp sinh vừa học vừa làm tại các cơ sở nghiên cứu, các nông trại và xưởng sản xuất.

“Bà con kiều bào có cuộc sống tương đối ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy bận rộn và ít có cơ hội gặp nhau nhưng mọi người đều giữ liên lạc thường xuyên, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ nhau mỗi khi hữu sự với tình cảm chân thành”, chị Sơn chia sẻ.

Tuy bận rộn với cuộc sống riêng nhưng cộng đồng người Việt ở đây luôn gắn bó với nhau như một đại gia đình - Ảnh: NVCC
Tuy bận rộn với cuộc sống riêng nhưng cộng đồng người Việt ở đây luôn gắn bó với nhau như một đại gia đình - Ảnh: NVCC

Trong năm 2020, bà con người Việt cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi đại dịch COVID-19. Chính phủ Israel đã có những hỗ trợ cụ thể và thiết thực cho người dân, trong đó có cả bà con người Việt, như: đảm bảo công ăn việc làm và chế độ phúc lợi xã hội, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các gia đình gặp khó khăn... Điều may mắn nhất là đến nay, không có bà con nào trong cộng đồng người Việt bị nhiễm bệnh cả.

Như một thông lệ đẹp từ lâu nay, mỗi khi tết đến Xuân về, bà con trong cộng đồng người Việt cùng các sinh viên ở khắp nơi trên đất nước Israel lại hẹn gặp nhau để tổ chức một cái tết thật ấm cúng theo kiểu tết Việt Nam - dù phải gói bánh chưng bằng lá chuối và cột bằng dây cước chứ không phải lá dong cột lạt như ở quê nhà.

Bữa tiệc Tất niên đơn sơ nhưng ấm tình đồng hương nơi đất khách - Ảnh: NVCC
Bữa tiệc tất niên đơn sơ nhưng ấm tình đồng hương nơi đất khách - Ảnh: NVCC

“Mỗi khi tết đến, lòng tôi lại cồn cào nỗi nhớ quê hương, nhớ bữa cơm chiều 30 tết, nhớ chợ hoa ồn ào náo nhiệt, nhớ chiếc bánh chưng nhân đậu xanh thịt mỡ dẻo thơm”, chị Sơn tâm sự, giọng như nghẹn lại vì xúc động.

Ước mong lớn nhất của chị Sơn là dịch bệnh sớm được khống chế để mọi người đi làm bình thường trở lại và "gia đình tôi sẽ được trở về Việt Nam ăn tết vào năm tới".

Anh Nguyễn Trường Thi hiện đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2 chuyên ngành Chăn nuôi (Animal Science) tại trường Nông Nghiệp và Môi Trường, Đại học Massey, New Zealand. Rời Việt Nam từ năm 2018 khi đang là giảng viên Đại học Đà Nẵng công tác tại Phân hiệu Kon Tum, hiện anh Thi đang sinh sống và học tập tại thành phố Palmerston North cùng với vợ và con gái nhỏ.

Anh Thi cùng vợ và con gái tại thành phố New Zealand - Ảnh: NVCC
Anh Thi cùng vợ và con gái tại thành phố Palmerston North, New Zealand - Ảnh: NVCC

Năm nay, gia đình anh Thi đón một cái tết mà anh cho là “đặc biệt” nhất trong cuộc đời của mình.

Anh Thi cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn hết mọi kế hoạch của anh và gia đình đặt ra cho năm 2020. Ngay khi dịch bệnh vừa bùng phát, chính phủ New Zealand đã áp dụng lệnh giới nghiêm trên cả nước trong suốt 3 tháng liên tục, gia đình anh phải cách ly tại nhà và gác lại nhiều dự định.

Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt tại New Zealand, nhưng chính phủ vẫn không cho phép người nước ngoài nhập cảnh cũng như khuyến cáo hạn chế việc đi lại ngay bên trong đất nước New Zealand, do đó, cuộc sống và sinh hoạt của nhiều người bị xáo trộn ít nhiều.

“Mình đã lên kế hoạch năm nay cả nhà cùng em bé về quê ở Hà Tĩnh để ăn tết. Thế nhưng chỉ vì con coronavirus mà gia đình mình phải đón tết xa quê”, anh Thi cho biết, “Niềm an ủi lớn nhất với gia đình mình lúc này có lẽ là bọn mình đang được sống tại một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới mà không phải quá lo sợ dịch bệnh”.

Dù không thể về Việt Nam đón tết, nhưng anh Thi cùng gia đình vẫn đang cùng với cộng đồng người Việt tại thành phố Palmerston North tất bật chuẩn bị đón tết ở đất khách quê người.

Cộng đồng người Việt tại New Zealand vẫn tranh thủ cùng nhau gói bánh chưng bánh tét để vơi bớt nổi nhớ nhà - Ảnh: NVCC
Cộng đồng người Việt tại New Zealand cùng nhau gói bánh chưng bánh tét để vơi bớt nỗi nhớ nhà - Ảnh: NVCC

Năm nay, chính quyền thành phổ tổ chức Tết Âm lịch cho cộng đồng người Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ... khá hoành tráng ngay tại quảng trường trung tâm thành phố. Gia đình anh Thi cùng hơn 100 du học sinh Việt Nam và người Việt định cư ở đây tổ chức gói bánh chưng, giới thiệu đồ ăn Việt, trưng bày sản phẩm văn hóa truyền thống, tham gia biểu diễn văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian để quảng bá văn hóa và tết Việt đến bạn bè quốc tế.

Với anh Thi và du học sinh quốc tế đang học tập và nghiên cứu ở New Zealand thì điều khác biệt lớn nhất khi đón tết ở đây có lẽ là “Trong tim rộn ràng không khí tết nhưng lại không hề được nghỉ tết”.

Đêm giao thừa và sáng mồng Một Tết Nguyên đán, trong khi ở Việt Nam đang náo nức không khí tết thì anh Thi vẫn phải vùi mình trong phòng thí nghiệm như ngày thường. Chỉ đến ngày cuối tuần thì các ông bố bà mẹ sinh viên mới tranh thủ gói bánh chưng và trang hoàng nhà cửa, trong khi các con tập múa để biểu diễn văn nghệ vào đêm giao thừa.

Tết cũng là dịp mọi người quây quần bên nhau, ăn những món ăn Việt, và cùng nhau cầu chúc những điều tốt đẹp cho năm mới - Ảnh: NVCC
Năm mới là dịp mọi người quây quần bên nhau, ăn món Việt và cầu chúc những điều tốt đẹp cho tương lai - Ảnh: NVCC

“Được nghe tiếng Việt, cắn miếng bánh chưng và luôn cố giữ cho bản thân thật bận rộn chính là cách để người Việt xa quê như chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ tết quê”, anh Thi tâm sự.

Với chị Trần Bạch Yến - giảng viên khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ, hiện đang học PhD ngành Marketing và Logistics tại Đại học Charles Darwin, Australia - thì “thèm được ăn cái bánh tét nhà làm quá chừng” là cảm giác mà chị chưa từng có trước đây.

Giảng viên Trần Bạch Yến lần đầu tiên nếm trải cảm giác ăn Tết xa nhà mà không có người thân bên cạnh - Ảnh: NVCC
Giảng viên Trần Bạch Yến lần đầu tiên ăn tết xa nhà mà không có người thân bên cạnh - Ảnh: NVCC

Rời xứ “Cần Thơ gạo trắng nước trong” sang Darwin, thành phố thủ phủ phía bắc nước Úc vào một ngày cuối tháng 11/2020 trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines với sứ mệnh “giải cứu người Việt Nam về quê hương tránh dịch”, chị Yến không ngờ mình phải chịu cảnh “thui thủi một mình nơi đất khách” bởi đến nay, các chuyến bay thương mại giữa hai quốc gia vẫn chưa được mở lại do tình dịch dịch bệnh ngày càng căng thẳng nên chồng con chị vẫn chưa sang Úc được.

Tết đầu tiên xa quê là chuỗi ngày “cô đơn và nhớ nhà kinh khủng” đến nỗi chị Yến phải ôm khư khư chiếc điện thoại hoặc laptop để “trông ngóng về nhà chờ mọi người ai rảnh thì hối thúc gửi cho vài bức ảnh ngày tết ở quê để hưởng ké không khí tết”.

Tuy phải ăn Tết xa quê hương nhưng cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Darwin vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: NVCC
Tuy phải ăn tết xa quê nhưng cộng đồng người Việt ở thành phố Darwin vẫn tổ chức các hoạt động vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: NVCC

Ở Darwin, cộng đồng sinh viên Việt Nam cũng tổ chức ngày hội Tết Việt trên đất Úc với nhiều hoạt động vui chơi nên những người như chị Yến nguôi ngoai phần nào. Mọi người xúng xính áo dài, áo ngắn hào hứng tham gia các trò dân gian như nhảy dây, banh đũa, nhảy sạp, kéo co, bịt mắt bắt dê, đập heo đất... Ở nước Úc xa xôi cũng không hề thiếu bánh chưng, bánh tét, mai vàng... Tất cả là nhờ công sức và tấm lòng của những người Việt xa xứ.

“Mình mong ước một mùa xuân bình an và hạnh phúc cho cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp ở Việt Nam yêu thương. Mình cũng mong tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng để gia đình mình được đoàn viên trên đất Úc”, chị Yến chia sẻ.

Nguyễn Thuận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI