Tết sau con sẽ về!

01/02/2022 - 07:40

PNO - Những nụ hoa anh đào vẫn khoe sắc giữa màu xám ảm đạm của trời đông Hà Lan, lòng tôi thẫn thờ, nước mắt chợt rơi... thấm thía làm sao cái tết xa nhà, trân trọng làm sao những lúc bên gia đình.

 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Những ngày cuối của kỳ nghỉ Giáng sinh cũng là những ngày cuối cùng tôi giam mình trong bốn bức tường cách ly tại nhà (vì nhiễm COVID-19), dạo bước quanh công viên trung tâm mong được hít hà không khí trong lành của thiên nhiên, bất giác cơn gió lạnh cuối mùa đông khiến tôi giật mình nhận ra mấy cây anh đào đã trổ bông “Ủa! Vậy đã sang xuân, là tết đến rồi sao?”.

Thời gian tựa như một giấc ngủ, mới đó mà đã gần 4 cái tết ở “xứ hoa tulip”, riết đã quen với tủi thân và cô đơn. Có lẽ lớp áo mạnh mẽ bên ngoài giúp tôi dễ dàng che đậy được cảm xúc bên trong, tôi chẳng mấy khi khóc kể cả lần đầu tiên xa nhà ở tuổi 18, thế nên một lần nữa xách vali lên đi du học không khiến tôi vướng phải cảm giác “cần phải nhớ nhung” hay “cần phải thèm khát” cái không khí tết bên gia đình. Có lẽ tôi đã quá ích kỷ, thờ ơ cho rằng ba mẹ vẫn còn trẻ và tôi còn nhiều cơ hội để được ở bên họ, thế nên 2 cái tết đầu xa nhà, tôi chỉ đặt mua vài giỏ quà, canh thời khắc giao thừa gọi điện để chúc năm mới ba mẹ.

Nhưng dường như ông trời muốn dạy cho tôi biết trân trọng giá trị của thời gian, nên đã “đưa” ba tôi đi quá nhanh. Trở về Việt Nam hơn 8 tháng lo tang ba, tôi quay lại việc học còn chồng chất nợ môn cũng là đúng thời điểm Tết Nguyên đán đến gần, để lại mẹ tôi một mình.

Thả hồn theo những bông anh đào hồng giữa bầu trời mùa đông ảm đạm của Hà Lan, miên man nghĩ tết về hình ảnh mẹ tôi lại thêm một năm đón giao thừa không ba, không tôi và không ai trong ngôi nhà trống trải… Dẫu biết khoảng cách địa lý là rào cản, chuyện học hành là điều đúng đắn, nhưng không hiểu sao cổ họng lại mặn đắng, sống mũi lại cay cay…

Lần đầu tiên hơn 30 năm tôi mới nếm cái cảm giác “thèm” được nghe lời chúc tết từ ba mẹ. Lần đầu tiên tôi mong được trở về bên gia đình như bao nhiêu người con sống xa xứ. Lần đầu tiên tôi nhận ra, ở trời Tây không mấy ai nhắc về tết, thậm chí không nhiều người quan tâm, hoặc nếu có biết họ cũng chỉ biết đó là “Chinese New Year” (Tết Trung Hoa).

Cộng đồng người Việt tại Hà Lan rất bé, tôi lại sống ở Utrecht, nơi tập trung phần lớn là sinh viên, thế nên không dễ để có thể kiếm mua được đủ đầy mâm cơm tết với thịt kho, bánh chưng, củ kiệu dưa hành hay miếng mứt dừa thơm ngào ngạt mùi lá dứa. Phần vì tôi không có quá nhiều bạn bè người Việt học và ở chung thành phố, nên hai cái tết trước tôi không mấy quan tâm, ngày tết đơn giản là đi học và về nhà tận hưởng ly cà phê sữa nóng mà không suy nghĩ gì quá nhiều.

Năm nay hễ cứ nghe tết là lòng lại trĩu nặng, những khoảng ký ức cứ ùa về không ngừng nghỉ khiến lồng ngực tôi ngột ngạt tới đau nhói. Đột nhiên nhớ khu vườn nhuộm vàng hoa cúc mỗi khi tết đến xuân về, nhớ dáng ba dọn lá, giăng đèn hoa lấp lánh bên mấy gốc mai đào, nhớ bóng mẹ hiền hòa cặm cụi cắt tỉa từng nhánh hoa chuẩn bị cho bàn thờ tổ tiên! Nhớ quá tiếng chúc giao thừa, nhớ những câu chúc mừng năm mới, nhớ những lúc bên ba…

Và không biết từ khi nào cái cảm giác cùng ba thức khuya chờ vớt bánh chưng, cả nhà xem Táo quân chờ đón giây phút giao thừa đến, hồi hộp mở bao lì xì đầu năm của ba, giờ tất cả đã trở thành thứ gì đó thật “xa xỉ” với tôi.

Những nụ hoa anh đào vẫn khoe sắc giữa màu xám ảm đạm của trời đông Hà Lan, lòng tôi thẫn thờ, nước mắt chực rơi... thấm thía làm sao cái tết xa nhà, trân trọng làm sao những lúc bên gia đình, bên ba mẹ.

Gạt đi nước mắt, tự hứa lòng tết sau con sẽ về bên mẹ, mẹ ơi!

Utrecht, ngày 1/2/2022

Diệu Linh

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI