Tết Sài Gòn: Bình yên ngắm bà nội 101 tuổi dạy con cháu đánh bóng lư đồng

28/01/2022 - 18:52

PNO - Hình ảnh bà nội ngồi bên hiên tỉ mẩn cùng con cháu lau từng món trong bộ lư đồng cho đến khi sáng bóng đã trở nên quá quen thuộc, quá ngọt ngào đối với đại gia đình chúng tôi trong suốt mấy chục năm qua.

 

Bà tôi đã đi qua mấy đợt dịch COVID-19 để đón tuổi 101

 

Sáng cuối tuần tháng Chạp, em trai tôi tranh thủ mang bộ lư đồng trên bàn thờ xuống lau chùi.

Năm nào cũng vậy, từ 20 tháng Chạp trở đi, lựa buổi sáng nắng tốt, ba hoặc em trai tôi sẽ mang lư ra đánh bóng. Hai bộ lư đồng và chân đèn cả năm được bọc kín trong bao ni-lông để tránh bụi nên chỉ hơi xuống màu, dù vậy để biến cả mớ nào chân đế, cả bộ đồ thờ gồm chân đế, thân lư, đôi chân nến…  ngả vàng sang sáng bóng cũng đòi hỏi nhiều công sức của “thợ” chính - thường là đàn ông trong nhà. 

Bà tôi năm nay 101 tuổi, vẫn minh mẫn khoẻ mạnh, theo sát con cháu việc dọn nhà, đón tết
Bà tôi năm nay 101 tuổi, vẫn minh mẫn khoẻ mạnh, theo sát con cháu việc dọn nhà, đón tết

Quy trình đánh bóng lư đồng phải qua nhiều bước. Đầu tiên là dùng miếng vải nhỏ quệt kem đánh bóng lư đồng, kim loại (hầu hết tiệm tạp hoá gần nhà tôi đều có bán) rồi chà xát thật mạnh lên món đồ, lau sơ cho sạch gỉ rồi mang ra phơi nắng chừng 1 tiếng đồng hồ rồi mang vào lau chùi đến khi nào sáng choang thì... đạt.

Thường phần việc lau chùi này do phái yếu trong nhà, trong đó có nội tôi, đảm trách. Không khó để nhận ra món nào do nội, món nào do chị em tôi đánh bóng bởi dù có cố gắng hết sức, tôi vẫn có cảm giác cái chân đèn, chùm đào tiên mình mình đánh bóng không sáng đẹp bằng cái nội làm.

Nội còn tỉ mẩn lấy sạch gỉ dơ trong từng đường rãnh nhỏ trên món đồ. “Chùi lư quan trọng là đều tay, nếu dùng lực quá mạnh nhiều lần sẽ làm hao mòn lớp đồng, nếu lực nhẹ sẽ không đủ độ sạch, độ bóng. Còn lực lúc mạnh lúc nhẹ thì sẽ dẫn đến chỗ sáng chỗ còn xỉn màu, không đẹp” - nội hay nhắc em trai tôi như vậy. 

Vì công việc đòi hỏi sự nhập tâm, cẩn thận như vậy nên ngày còn nhỏ, không đứa nào trong các chị em tôi thích chùi lư. Với đám con nít mới lớn tụi tôi ngày đó, phải ngồi cả nửa ngày vừa phải chà chà chùi chùi, vừa phải nghe nội “kể chuyện ngày xưa” không có gì hấp dẫn. Đến khi lớn hơn một chút, ý thức được việc chùi lư cũng như làm kiệu chua, sên mứt, lặt lá mai, gói bánh tét… - nghĩa là 1 phần tất yếu của tết - tôi thoải mái hơn.

Những câu chuyện kể về nguồn gốc bộ lư của gia đình, ông bà nội đã tốn cả gia tài (tính theo thời giá cách đây gần 70 năm) để sở hữu bộ lư bằng đồng tốt, ông bà quý nó ra sao, bao nhiêu lần gia đình khó khăn, có người trả giá 3-4 chỉ vàng để mua lại nhưng bà nội nhất quyết không bán… nhập tâm tôi lúc nào không hay.

Chỉ đến khi kể cho bạn bè nghe về tết  ở nhà mình, tôi hào hứng nói về “tiểu sử” bộ lư đồng và chợt giật mình nhận ra không chỉ chuyện về bộ lư mà nhiều câu chuyện khác về gia đình từ thời trẻ của ông bà nội, thời niên thiếu của ba và các cô chú lẫn nếp nhà qua ba thế hệ đã theo lời kể của nội đã in đậm trong trí nhớ của mình, trở thành thứ tài sản tinh thần quý giá mà mỗi khi có dịp, tôi tự hào mang ra khoe với mọi người xung quanh.

 

Tết này nội tôi đã 101 tuổi. Tay chân bà đã yếu nhiều, mắt cũng nhoè hơn trước nhưng khi thấy em trai tôi bày bộ lư đồng ra hiên, theo thói quen cũ, nội cũng ngồi lại cùng đám cháu cố lấy giẻ lau cặp chân đèn. Trong câu chuyện bà kể năm nay, ngoài những lát cắt quen thuộc về tết xưa, nhà xưa, bà dặn đi dặn lại “đừng mang lư ra ngoài đánh bóng, hao đồng lắm”.

Đám “khán giả” mới của bà - là mấy cháu nhỏ trong nhà - không biết hiểu được bao nhiêu phần trăm trong câu chuyện bà nói nhưng bé nào cũng vô cùng phấn khích vì vừa được nghe kể chuyện, vừa được thoải mái vọc đồ dơ mà không bị người lớn la rầy.

Tôi giơ điện thoại lên bấm vài tấm hình rồi gửi vào group gia đình, những icon mặt cười và trái tim lập tức hiện lên. Tôi biết, nhìn hình ảnh này, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy bình yên và ngập tràn hạnh phúc. 

 

Thanh Nhân

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI