Năm nào cũng vậy, giữa tháng Mười âm lịch là chồng tôi đặt vé về quê. Anh bảo “cha mẹ còn là phải về, cha mẹ mất đi thì về làm gì nữa”. Anh không yêu cầu về cả nhà, nhưng vì cha mẹ chồng tôi già rồi, bệnh tật, biết sống chết khi nào, nên mỗi năm, chồng tôi tranh thủ về quê đón tết cùng cha mẹ già, tôi không phản đối.
Vậy nhưng, từ ngày cha mẹ mất, chồng tôi năm nào cũng lấy cớ: “Tết về quê mới ý nghĩa, Quảng Ngãi mới là cội nguồn quê kiểng, Sài Gòn chỉ là đất khách quê người”. Con gái mười hai tuổi, là mười hai năm anh đón tết ở quê. Cái lý luận của chồng, tôi vừa xem thường, vừa ghét. Anh hay nói: “Sài Gòn mà tết nhất gì. Bà con thì không có, đồng hương về quê cả. Một năm “cày xới”, tết cũng phải để anh mấy ngày về với quê cha đất tổ chứ!”. Thế là anh khoác ba lô lên đường.
Ðành là tết ở quê vui. Tìm về những ký ức ngày thơ, đi viếng mộ, viếng chùa, tận hưởng không khí lạnh mà Sài Gòn không có. Ðành là Sài Gòn vắng. Phố xá, ngõ ngách thênh thang mỗi khi tết đến xuân về, nhưng bỏ mặc vợ con, một mình tận hưởng không khí ngày xuân quê nhà, có đáng bị lên án không, có ích kỷ không? Chưa kể, từ ngày cha mẹ mất, vợ chồng người em chồng tiếp quản căn nhà. Tết về, chồng tôi ở đó, có khi làm khách, vất vả cho em dâu. Rồi sao khỏi tránh nhậu nhẹt, say xỉn?
Vắng “trụ cột”, hai mẹ con tôi ở nhà buồn hiu. Tết 2014, vì giận chồng, tôi thề với lòng là sẽ không tết nhất gì hết. Tôi chỉ nấu nồi thịt kho trứng, mua rau, sữa, trái cây cho con, không sắm sửa gì thêm, cũng không trang hoàng nhà cửa. Mấy ngày tết, tôi khóa trái cửa ngoài. Ai nhìn vào cứ ngỡ nhà đi vắng. Tôi còn nhớ hôm mùng Hai tết, anh ruột tôi gọi cửa rất kiên nhẫn. Thương anh, tôi đành chạy ra mở cổng. Người một nhà, nên anh hiểu vì sao tôi khóa cửa. Biết chồng tôi năm nào cũng về tết, anh bảo: không tìm được tiếng nói chung quanh chuyện tết nhất, nhưng đừng vì thế mà khiến con cái không có tết, bản thân cũng chịu thiệt thòi. Tết nhất luôn in đậm trong ký ức trẻ thơ, không nên vì mâu thuẫn vợ chồng mà vùi con trong nhà...
Rồi anh kể về những ngày tết xa xưa của chúng tôi, bắt đầu từ lúc giao thừa, tới khi ba tôi cúng tiễn ông bà, với rất nhiều chi tiết, tưởng chừng chỉ cần nhón chân là chạm được ký ức ngọt ngào. Hai khóe mắt tôi cay xè, bỗng dưng thấy vô cùng có lỗi với con. Tết năm ấy, con không có quần áo mới. Con thắc mắc, nhưng tôi cay nghiệt bảo “năm nay nhà mình không có tết!”. Hôm ấy, tôi cũng chỉ rót nước lọc mời anh trai. Với tôi, đó là cái tết đáng nhớ, đáng nhớ cho sự vô lý của bản thân mình. Sau đó, anh trai “kéo” hai mẹ con tôi ra khỏi nhà. Con gái hí hửng “ngoài đường có tết”, nghe... đứt cả ruột.
Sau này tôi cam kết với chồng, cứ ba năm, mẹ con tôi sẽ theo anh về thăm quê nội. (Lúc cha mẹ chồng còn sống, hai năm tôi về một lần). Tết 2015, đúng ba năm, nên cả nhà tôi cùng về. Trước khi về, tôi đã nói chuyện thật nhiều với chồng. Ðại khái tôi muốn sau này cả nhà có cái tết bên nhau trọn vẹn. Tôi muốn anh thử tận hưởng cái tết ở “đất khách”. Chồng tôi cứ hay gọi Sài Gòn là đất khách.
Thật ra thời gian chúng tôi gặp nhau, yêu nhau, rồi về sống cùng nhau, dài hơn khoảng thời gian chúng tôi sinh ra và lớn lên ở quê. Và chắc chắn một điều, chúng tôi sẽ bám nhau đất Sài Gòn có khi tới đầu bạc răng long, không chừng chết lại gửi thân xác nơi này. Ðất khách tình nghĩa như thế, cưu mang chúng tôi như thế, chồng tôi biết điều đó, nhưng có lẽ quê cha đất tổ đã “ngấm” vào máu thịt anh, cũng không phủ nhận anh còn quá “mê” tết, nên mới đành đoạn bỏ vợ con, ung dung đón tết
quê nhà.
Ðón tết quê chồng, khi cha mẹ chồng đã là người thiên cổ, cảm giác trống vắng, buồn tủi xâm chiếm. Ðàn ông, như chồng tôi, tết nhất có quá nhiều sự lựa chọn, nên anh không cảm nhận sự trống vắng như tôi. Anh bảo, một năm cho phép anh bài bạc, rượu chè, thoải mái mấy ngày xuân. Nghe anh nói, tôi không nỡ phản đối, bởi anh là trụ cột, công việc của anh khá vất vả, anh là người chồng người cha tốt, thì thôi cứ để anh vui tết thật trọn vẹn theo cách của anh. Tết năm ấy, tôi bàn với anh rút mấy chân nhang trên bàn thờ cha mẹ chồng, mang vào thờ tự. Anh đồng ý. Ngày trở vào thành phố, hành lý thiêng liêng và quan trọng nhất của chúng tôi là mấy chân nhang ấy.
Tết 2016, cái tết đầu tiên chồng thông báo sẽ “đoàn tụ” với vợ con, làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng. Tôi lên kế hoạch một cái tết thật ấm áp, hoành tráng (mà không phung phí) cho cả nhà. Ðó cũng là cái tết tôi đầu tư tiền bạc và công sức. Bao yêu thương, hy vọng, tôi bày biện vào những gì tôi muốn nói, muốn làm. Tôi sắm quần áo mới cho cả nhà, trang hoàng nhà cửa, mua mấy chậu thược dược chồng thích, cả chậu mai nho nhỏ cho con gái, nấu nhiều món ngon, chuẩn bị mấy món nhậu, dĩ nhiên không thiếu bia rượu để bạn bè, họ hàng đến nhâm nhi, và nhất là coi trọng việc nấu cúng cha mẹ mấy ngày xuân.
Chồng tôi là trưởng nam, anh đặc biệt coi trọng thờ cúng, nên việc lễ mễ của tôi, anh rất cảm kích. Ngày thơ, tôi phụ mẹ nấu cúng ông bà ra sao, thì nay tôi áp dụng y vậy. Lễ rước/tiễn ông bà, nét văn hóa ngày tết ấy, tôi làm khá thuần thục. Tôi cũng gốc miền Trung, việc cúng kiếng giữa gia đình tôi và gia đình anh khá tương đồng. Ngày tết, chúng tôi cùng lăng xăng nấu cúng mỗi sáng. Mùi khói hương phảng phất trong không gian nhỏ gọn của căn nhà, vợ chồng con cái xúm xít bên nhau, cùng đón giao thừa, ăn bánh mứt, hạt dưa… tôi cảm tưởng chồng tôi đã cảm nhận được không khí ấm áp ngày tết bên vợ con. Không biết anh có còn so sánh tết quê nhà với tết đất khách nữa không, anh có hối hận khi biết tôi đã từng khóa cổng im ỉm mấy ngày tết 2014 không?
Tới giờ phút này, giữa những ngày năm hết tết đến, anh vẫn chưa đặt vé về quê ăn tết, tôi biết rằng đón xuân mới 2017, anh cũng sẽ ở lại Sài Gòn với mẹ con tôi. Tôi cũng vững tin rằng, biết đâu tết 2018 (đến hẹn ba năm), có khi tôi là người chủ động rủ chồng về quê, bởi vì tôi nhận thấy chồng tôi đã “chịu” tết đất khách rồi. Tôi nhớ tôi đã nói với anh: “Chúng ta có nhà riêng, cha mẹ cũng qua đời nhiều năm, nên đón tết cùng nhau ở ngôi nhà nhỏ của mình. Tết đâu phải để vui vẻ riêng tư, mà còn gắn kết trách nhiệm với nhau, ngay cả khi vui cũng đừng vui một mình”. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy, tết vui hay buồn là do tự mình tạo nên. Về quê chồng, quê vợ hay đón tết ở nhà riêng, cần tôn trọng nhau để tìm sự đồng thuận, để kẻ ở người đi đều thỏa lòng.
Khánh Thi