Tết quá rảnh rang, chồng mua hàng online "vỡ kế hoạch"

04/02/2022 - 19:02

PNO - Chị em đồng nghiệp biết tính chồng tôi phóng khoáng nên ai bán gì cũng năn nỉ anh mua. Và chồng tôi thì không biết từ chối.

Tết năm nay, gia đình tôi không về quê mà ở lại thành phố. Chúng tôi không có kế hoạch đi chơi xa vì ngại chen lấn đông đúc ở các khu du lịch nên quanh quẩn trong nhà.

Biết tính chồng thích mua online, tết lại rảnh rang chà điện thoại cả ngày nên tôi nhắc trước: “Đồ tết còn nhiều, anh đừng mua thêm gì nữa nhé”. Chồng tôi gật đầu. Vậy mà, hôm mùng Hai, đang lướt Facebook của người bạn chung, tôi khựng lại khi thấy bình luận của chồng đặt mua 5kg gạo đặc sản dưới bài đăng.

Tôi vội bảo chồng hủy đơn hàng vì gạo trong nhà còn nhiều, nhưng chồng tôi bảo: “Đặt rồi, hủy ngại lắm, lại đầu năm nữa chứ”. Tôi không thể kiềm chế cơn giận, thế là vợ chồng cãi nhau.

Tôi luôn cân nhắc chi tiêu cẩn thận vì thu nhập hạn hẹp. Ảnh minh họa
Tôi luôn cân nhắc chi tiêu bởi thu nhập hai vợ chồng hạn hẹp - Ảnh minh họa

Hằng tháng chồng đưa lương về, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều do tôi tính toán, sắp xếp. Tôi phải cân đo đong đếm đến đâu đầu chuyện mua sắm sao cho hợp lý, phù hợp. Hai vợ chồng đều làm việc ở cơ quan nhà nước, chỉ có lương cơ bản, không khoản thu nhập thêm nào nên sơ sểnh một chút là thiếu hụt.

Gần đây, khi nhiều người trong cơ quan chồng bán hàng online thì mọi chuyện rối tung. Đồng nghiệp trong cơ quan bán thứ này thứ kia, anh đều mua ủng hộ.

Đến cuối tháng nhận lương, trả tiền hàng xong, chồng tôi chỉ đưa về cho vợ phần còn lại khiên tốn. Cách đây hai tháng, khi mùa hồng giòn vào vụ, một chị đồng nghiệp cùng phòng anh nhập về mấy tạ hồng để bán. Ban đầu, chồng tôi đem về 5kg với số tiền gần 200.000 đồng với lý do mua ủng hộ và để con ăn thử.

Tôi tiếc tiền, thầm nghĩ ăn thử thì chỉ nên mua 2kg là được rồi. Do không chọn nguồn hàng chất lượng nên hồng bị chát và nhiều trái hư, rất ít người mua tiếp. Vậy mà, lần thứ hai, chồng đem về tiếp 10kg với lý do "giải cứu hàng" cho đồng nghiệp. Anh nói: “Nhà mình không ăn hết thì đem đi cho hàng xóm”. Tôi bực bội làm ồn ào một trận.

Trước đây đã nhiều lần, anh mua hàng ủng hộ kiểu đó. Mấy chị em trong cơ quan biết tính anh phóng khoáng nên bán gì cũng mời anh mua, và chồng tôi thì hiếm khi từ chối.

Cứ thế, thỉnh thoảng anh lại xách về mấy bịch kẹo nhập ngoại giá trên trời, chuối sấy, bánh tự làm, áo quần, mỹ phẩm... Những thứ đó giá cao mà gia đình không có nhu cầu sử dụng, khiến tôi đau đầu giải quyết.

Anh luôn giải thích kiểu: “Chị đó nhà khó khăn mới bán hàng, coi như mình giúp họ”, “Con bé mới vào cơ quan, lại cháu của sếp, không mua cũng ngại”, “Người ta mời nhiệt tình quá, không mua thì mang tiếng”, “Chị cùng phòng anh, ngày nào cũng chạm mặt, phải mua chứ”...

Chồng tôi vốn cả nể, người quen bán gì cũng mua để ủng hộ. Mỗi lần chồng đem hàng về, bớt tiền lương, vợ chồng lại cãi nhau. Ảnh minh họa
Chồng tôi vốn cả nể, người quen bán gì cũng mua ủng hộ. Mỗi lần chồng đem hàng về đồng nghĩa với bớt tiền lương, vợ chồng lại cãi nhau - Ảnh minh họa

Trước tết, chồng liên tục xách hàng về. Lúc đầu, tôi cứ tưởng ai cho, nhưng sau đó mới phát hiện anh mua ủng hộ từ giò chả, trái cây, bò ngâm, khô gà, bánh chưng, rượu, bánh kẹo. Đến khi hỏi giá cả, tôi mới tá hỏa vì quá đắt, chất lượng thì bình thường, trong khi tôi đã mua sắm đầy đủ.

Mấy ngày tết, vợ chồng tôi sợ dịch nên không đi đâu, chỉ ở nhà lướt mạng. Thấy ai đăng bài bán hàng, chồng tôi đều nhanh tay đặt hàng ủng hộ. Chỉ trong mấy ngày Mùng, tôi đã đếm thấy chồng “chốt” hơn chục đơn hàng cho người quen.

Nghĩ đến việc trả tiền hàng sơ sơ cũng bay hơn nửa tháng lương, tôi rất đau đầu. Trong tết, bao nhiêu thứ phải chi tiêu, giờ ra tết thiếu trước hụt sau, lại ôm nợ số tiền đặt hàng.

Tôi không biết làm cách nào vì khi nói chồng hủy hàng, anh nhất quyết không chịu. Tôi chỉ biết "rình" chồng để xem anh có đặt hàng gì mà kịp thời ngăn lại. Cứ kiểu này, tháng lương sau tết của chồng sẽ nhanh chóng bay theo đống hàng hóa.

Thúy Vy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI