Từ những ngày cuối năm âm lịch, mạng xã hội tràn ngập những dòng cập nhật trạng thái, hình ảnh về Tết. Mọi người bắt đầu kỳ nghỉ dài nhất trong năm, dành thời gian cho mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Người người, nhà nhà nấu bánh chưng, bánh tét, rồi thì cúng tất niên, khoe thưởng tết, đi chơi xa…
|
Bữa ăn "tất niên" theo tết Việt trên đất Pháp - Ảnh: Yến Lam |
Những kẻ viễn xứ như tôi bỗng dưng cũng trở nên háo hức lây, cố gắng “đua đòi” cho bằng với chúng bạn nơi quê nhà. Thời buổi thế giới phẳng, những gì thường mua ở Việt Nam vào dịp tết thì ở Pháp cũng có, nên không khó khăn lắm để sắm cho mình một cái Tết truyền thống.
Chỉ việc ghé chợ châu Á chừng một tiếng là đủ: nguyên liệu làm nem, giò chả, măng miến, lá dong, lá chuối gói bánh chưng, bánh tét… không thiếu thứ gì. Có cả hàng nấu sẵn cho những ai không thích tất bật. Các nhà cung cấp còn bán cả đào, mai, cúc, cùng đủ loại trái cây quen thuộc để bày mâm ngũ quả. Trên mạng thì nhóm các chị em truyền nhau địa chỉ mua áo dài chơi xuân. Tết Việt phương xa giờ đây không còn gì trở ngại cho người xa xứ nữa.
Trước 30 tháng Chạp, tôi cũng tranh thủ thời gian đi mua đồ về nấu nướng: nào là gói bánh chưng, làm giò lụa, nào là ngâm măng khô để nấu miến gà, vv… Tôi muốn phô diễn cho nhà chồng những nét phong tục tập quán đặc trưng của Tết Việt.
|
Dưa kiệu được bày bán trong một siêu thị ở Pháp - Ảnh: Thanh Bình Jeune |
Nay đã là năm thứ ba tôi không được “ăn Tết” ở Việt Nam nên cố gắng làm sao để ra được cái Tết “tết nhất có thể”. Vậy mà những ngày đầu năm, sau khi đã sắm đủ thứ về nhà, bày biện khắp kiểu, tôi vẫn thấy thiếu thiếu một thứ gì đó. Cái cảm giác chộn rộn đón tết hồi xưa khi còn trẻ lặn đâu mất, không có cách nào lôi ra được. Tôi nằm vắt tay lên trán suy nghĩ xem mình đã để thiếu thứ gì, và chợt nhận ra rằng cái mà tôi thiếu chính là… không khí Tết.
Đó là khi cả xã hội đồng loạt hối hả chạy đua với thời gian khi chỉ còn ít ngày chuẩn bị cho dịp lễ hội quan trọng nhất năm. Đó là khi trên khắp các nẻo đường, mọi người vội vã về nhà trên những chiếc xe chở đầy hoa trái. Đó là hương mùi già nấu nước tắm len lỏi trong tiết trời se lạnh ở miền Bắc, hay những con đường chật chội khói bụi bỗng trở nên dịu dàng, mênh mang ở Sài Gòn, khi dân tứ xứ đã trở về quê; đó là ngày mùng Một, mùng Hai họp mặt gia đình, bạn bè, lì xì đầu năm và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
|
Hội chợ Xuân của cộng đồng người Việt ở Pháp |
Còn đối với những người xa xứ như tôi, tết giờ đây có lẽ chỉ là một thứ gia vị tiềm ẩn trong cuộc sống mà ai cũng muốn níu giữ, cho dù nó vẫn cứ phai dần. Cũng không trách được vì Tết cũng chỉ là một ngày như mọi ngày, chúng tôi vẫn đi làm bình thường. Hôm giao thừa, tôi cũng không cố gắng thức đến 12 giờ đêm để đón khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới vì ngày hôm sau còn dậy đi làm. Tết ở Việt Nam là tết đoàn viên thì ở đây chỉ làm dịp để giới thiệu một nét văn hóa khác lạ so với xã hội phương Tây mà thôi.
Cho nên tận đáy lòng, tôi vẫn thèm lắm một cái tết Việt Nam!
Yến Lam gửi từ Pháp