Tết ở xứ xa

26/01/2016 - 09:21

PNO - Nếu chỉ trông về hình thức, tết ở trời Tây cũng chẳng thiếu thốn gì. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, câu đối đỏ có đủ.

Đi siêu thị, thấy quầy thịt bày bán đầu heo mới giật mình, hóa ra đã sang tháng Chạp. Về nhà cứ ngơ ngẩn, cố hình dung nếu lúc này mà còn ở nhà thì mình sẽ làm gì? Chắc chắn có cả một danh sách dài các việc cần làm để đón tết. Có ba ngày tết thôi, vậy mà năm nào cũng chộn rộn từ đầu tháng Chạp.

Tôi xa quê đã hai mùa tết. Theo chồng về Pháp sinh sống là xác định tết thường sẽ không được về, bởi dù muốn dù không thì kỳ nghỉ của gia đình cũng phải thuận theo kỳ nghỉ ở trường của con. Thôi thì dù xa cũng ráng mà giữ lấy lề, tết cũng phải gói ghém sao cho đủ đầy hương sắc.

Tet o xu xa
Ảnh minh họa

Nếu chỉ trông về hình thức, tết ở trời Tây cũng chẳng thiếu thốn gì. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, câu đối đỏ có đủ. Cộng đồng người châu Á nói chung và người Việt nói riêng sinh sống tại Pháp ngày một nhiều, nên hương vị quê nhà cũng theo qua cả. Có cầu ắt có cung, các siêu thị của người Á mở bán từ quả cà, hũ mắm tôm đến con cua, con tép, đồ tươi sống, đồ đông lạnh... tùy túi tiền mà chọn lựa. Ấy thế nên cứ chặp đầu tháng Chạp, dù có quên tháng quên ngày thì đi siêu thị Á cũng nhận ra tết đang tới vì chỗ nào cũng treo bảng thông báo sẽ phục vụ những mặt hàng tết.

Người ít thời gian mua đồ làm sẵn, người rảnh rang hoài niệm thì mua gạo, mua thịt về gói bánh bó giò, lá dong lá chuối có đủ, bán cân ký hệt ở quê nhà. Mà người Tây họ cũng nhạy bén, cả năm chớ hề thấy đầu heo bày bán, ấy vậy chứ cứ gần đến tết, siêu thị nào cũng có, chỉ vài đồng là được nguyên cái thủ lợn to, răng xương còn đủ, mua về lóc thịt bó giò, còn xương cũng hầm được nồi cháo.

Nhà chồng tôi ở Lyon, thành phố lớn thứ ba của Pháp, cộng đồng người Việt ở đây cũng đông, chỉ thua Paris và Marseille. Tết ở Lyon vì vậy rất xôm tụ. Ngoài sắm sửa trong mỗi gia đình thì người Việt ở Lyon có rất nhiều hoạt động để đón chào năm âm lịch mới. Một lễ hội đường phố đón chào năm mới được tổ chức ở ngay khu chợ châu Á, tập trung hơn chục siêu thị mini của người châu Á cù ng hàng chục nhà hàng, cửa hàng đồ ăn, đồ lưu niệm, trang phục...

Các cửa hàng ở đây tùy phong tục mà trang trí mặt tiền cho ngày tết, nhìn vào có thể thấy ngay chủ là người Hoa, người Việt hay Lào, Thái. Lễ hội được tổ chức từ khoảng 10g sáng đến xế chiều với rất nhiều quầy bán thức ăn, đồ uống, đồ lưu niệm suốt dọc tuyến phố. Các nhà hàng cũ ng có những chương trình riêng để thu hút khách vào đón năm mới.

Dù thời tiết đang giữa mùa đông lạnh giá, dòng người đổ về vẫn rất đông, không chỉ người dân gốc ở các nước ăn tết âm lịch mà rất nhiều khách du lịch, người Pháp chính gốc cũng tụ về chung vui. Đại diện chính quyền thành phố cũng đến chúc tết, ngay trên sân khấu ca nhạc dựng ngoài trời. Tết đã trở thành một ngày hội chung ngay trên đất Pháp.

Dù xa quê, phong tục đầu năm đi lễ chùa cũng không phai mờ. Trên đất Pháp không thiếu những ngôi chùa thuần Việt, nơi tết đến xuân về mọi người cùng tụ tập, trước cúng Phật, sau hội ngộ cùng hoài niệm quê nhà. Người Việt ở Lyon đầu năm mới rủ nhau lên chùa Thiện Minh rất đẹp nằm trên triền dốc cao, cảnh quan thoáng rộng. Cùng xin lộc đầu năm, cùng nhau ăn bữa cơm chay, cầu chúc một năm an lành, hạnh phúc. Lớp trẻ cũng nhờ thế mà ghi nhớ các phong tục tập quán của quê nhà.

Tết, với riêng gia đình tôi, có những điều đặc biệt. Cha mẹ chồng tôi người Pháp nhưng khá am hiểu phong tục tập quán Việt, thích ăn những món quê kệch con dâu nấu và hơn hết chắc vì thương tôi xa quê nên ông bà thường khích lệ khi tôi muốn làm điều này điều nọ cho giống với quê nhà. Vì thế mà dù làm dâu xa xứ nhưng hai năm qua chưa bao giờ tôi cảm thấy mình lạc lõng.

Những ký ức tết quê thấm đẫm tâm hồn, tôi đã và đang truyền lại cho con mình. Không thể diễn tả được cảm xúc khi cùng con lau rửa từng tấm lá, cùng nhau vo gạo làm nhân để rồi khi từng chiếc bánh chưng bánh tét thành hình, thấy như mình đang đưa con về với miền quê ký ức.

Con tôi, một đứa trẻ nửa dòng máu Việt, háo hức học từ mẹ những điều đơn sơ nhất về tết, khiến tôi như được sống lại tuổi thơ đầm ấm bên gia đình mỗi dịp tết đến xuân về. Bữa cơm tất niên của gia đình cũng là lúc thời khắc giao thừa vừa đến ở quê nhà, nhận lời chúc xa từ bố mẹ anh chị em, nghe tiếng lao xao trong điện thoại rồi lại được bố mẹ chồng tặng bao lì xì đỏ mừng tuổi con cháu, khóe mắt cay cay. Tết xa mà gần.

Đan Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI