Tết có thể thiếu bánh mứt…
Tại con hẻm 60 Nguyễn Văn Cự, khu phố 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM, không khí của những ngày qua thật yên ắng. Phía sau rào chắn phong tỏa, những ngôi nhà đóng kín cửa, thỉnh thoảng có tiếng trẻ con khóc.
|
Không khí khá yên ắng ở hẻm 60 Nguyễn Văn Cự sau khi bị phong tỏa do dịch bệnh - Ảnh nhân vật cung cấp |
Chia sẻ qua điện thoại, chị Triệu Thị Minh Khoa, 43 tuổi, ngụ tại hẻm 60 Nguyễn Văn Cự, thở dài: “Nhà tôi có 4 thành viên, gồm vợ chồng và 2 đứa con. Tôi chưa kịp chuẩn bị đồ đạc, thức ăn cho dịp tết. Sáng sớm ngày 27 tháng Chạp, tôi mới ra ngõ hẻm để đi chợ thì chồng điện thoại kêu về nhà. Anh ấy nói nhà bị phong tỏa do có người liên quan đến dịch bệnh. Tôi hơi choáng nhưng định thần lại và chạy về nhà với 2 con”.
Chị Khoa cũng như người dân sống ở hẻm 60 Nguyễn Văn Cự cùng chung tâm lý “mình thuộc dạng F mấy, mình có nhiễm bệnh không…”. Chị Khoa nói: “Thực sự, tôi không có sợ việc bị cách ly mà sợ mình nhiễm bệnh”.
Những ngày qua, cả nhà chị Khoa cứ đi ra rồi lại đi vào, dọn dẹp nhà cửa cho đỡ buồn. Cả xóm chưa nhà nào kịp mua bánh mứt, hoa trái chưng tết. Không kịp chuẩn bị hoa trái, chị Khoa và hàng xóm tận dụng cây xanh và hoa trái trong vườn nhà, ngõ hẻm để bày trí nhà cửa ngày tết.
“Chúng tôi không dám nhờ người thân ở bên ngoài mua đồ dùm vì sợ rủi có gì mọi người lại trách. Nhà tôi còn có chút thức ăn, chứ nhiều nhà khác và nhất là phòng trọ thì chẳng trữ thức ăn, vật dụng. Họ tính 28 tháng Chạp về quê nên đâu mua sắm, làm gì còn thức ăn trong nhà”, chị Khoa cho biết.
|
Những đứa trẻ chỉ quanh quẩn trong nhà, mặt bịt kín khẩu trang - Ảnh nhân vật cung cấp |
Nhận điện thoại của người lạ, chị Hoàng Thị Hồng (cùng ngụ tại hẻm 60 Nguyễn Văn Cự) lại rất cởi mở, chia sẻ tình cảnh có một không hai, sống 40 năm tuổi đời mới trải qua lần ăn tết lạ lùng.
Chị Hồng kể: “Tôi mới điện thoại nhờ người bạn bên ngoài mua giúp bún khô để làm bún xào cúng tất niên, cũng để đổi bữa cho mấy đứa nhỏ. Mấy bữa nay cứ ăn mì gói, tụi nhỏ cũng ngán”.
Cùng cảnh ngộ, chị Hồng khá bất ngờ trước tin bị phong tỏa. Sáng sớm, ngủ dậy, chị đã thấy mình nằm trong khu phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chị bàng hoàng lo sợ các thành viên trong gia đình nhiễm bệnh.
Chị Hồng nói, con hẻm lúc chưa bị phong tỏa rất nhộn nhịp, bây giờ thì không còn tết nữa. Mọi năm, lúc này, nhà nhà đã chuẩn bị cơm nước cúng tất niên, rồi mời nhau sang dùng bữa. Năm nay, nhà nào ở nhà nấy, nhớ nhau thì điện thoại hỏi thăm.
|
Một số thực phẩm còn lại trong nhà của chị Hồng khi bị phong tỏa bất ngờ - Ảnh nhân vật cung cấp |
Qua điện thoại, chị Hồng mô tả không gian vắng lặng của con hẻm đang bị phong tỏa. Cả xóm không nhà nào mua được chậu hoa để trước cửa nhà. Trẻ con chẳng thiết đến lì xì, nằm nhà xem điện thoại chán chê.
Chị Hồng kể: “Năm ngoài, bà con còn gói bánh tét, trẻ con chạy chỗ này chỗ kia đùa giỡn. Năm nay, chẳng có nhà nào có bánh mứt, tủ lạnh trống trơn; trẻ con, người lớn đều bịt khẩu trang kín mít”.
Nhà còn mấy quả dừa, chị Hồng dự định lấy cúng tất niên và giao thừa. Do không có người thân bên ngoài để nhờ mua sắm, chị đành ăn tết đạm bạc cùng gia đình.
…nhưng dư tình người
Biết những thiếu thốn của người dân ở khu phong tỏa, chính quyền địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết và quà tết. Chị Khoa nói: “Ngày nào, cán bộ phường cũng chở gạo mì, nước tương, quà tết… vô cho chúng tôi. Nhà nào cũng được cho thêm bánh ngọt để ăn trong dịp tết”.
|
Quà tết được lực lượng chức năng mang đến hỗ trợ cho bà con trong khu vực bị phong tỏa - Ảnh: Lâm Ngọc |
Chị Khoa ngồi trong nhà nhìn ra đầu hẻm, chồng chị và mọi người đang hớn hở nhận quà. Trẻ con mừng rơn khi thấy mấy túi bánh ngọt, còn người lớn đỡ lo khi có gạo mắm, nước tương.
Khu vực bị phong tỏa ở hẻm 67/40 Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM, có nhiều người đến đưa thức ăn, quà tết cho người thân. Lực lượng bảo vệ tận tình hướng dẫn cách cho người dân đưa đồ cho người thân mà vẫn đảm bảo phòng dịch.
Một phụ nữ đến đưa quà tết cho người thân, buồn bã nói: “Hai nhà chỉ cách nhau có vài chục mét mà cũng không gặp được nhau, không ngồi ăn chung bữa cơm tất niên. Tết năm nay buồn quá, không được đoàn viên, sum vầy. Tôi đưa đến ít bánh mứt cho người thân, rồi gọi điện thoại động viên hết dịch sẽ sum họp”.
|
Nhu yếu phẩm được chở đến khu vực bị phong tỏa, cung cấp cho bà con bên trong - Ảnh: Lâm Ngọc |
Anh Vũ Xuân Hồng, Tổ trưởng tổ dân phố 39, khu phố 5, phường Tân Tạo A, cho biết: “Ít ngày trước, khu vực hẻm 60 có ca F2 từ sân bay Tân Sơn Nhất về. Người này sau đó được đưa đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, 5 người ở chung với người này lại dương tính với Covid-19 dẫn đến việc cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây”.
“Hiện tại, cả hẻm 60 Nguyễn Văn Cự đều bị phong tỏa. Để ổn định cuộc sống của người dân ở nơi bị phong tỏa, cơ quan chức năng quận, phường liên tục tiếp tế lương thực, quà Tết đến cho người dân”, anh Hồng thông tin thêm.
|
Người phụ nữ này gọi điện báo cho người thân ra nhận quà - Ảnh: Lâm Ngọc |
Theo anh Hồng, Liên đoàn lao động quận Bình Tân vẫn tiếp tục chuyển quà đến cho người dân để đảm bảo các hộ dân có được cái tết đủ đầy.
Anh Hồng chia sẻ thêm: “Cuộc sống của người dân ở con hẻm này giống như vùng nông thôn. Các hộ dân vẫn giữ nếp sống hòa đồng, đùm bọc nhau. Nhà này với nhà kia vẫn đến chơi với nhau, rất tình cảm”.
Bởi vậy, đến lúc bị phong tỏa, có nhớ nhau, nhà này mở cửa nói vọng sang nhà kia. Khẩu trang vẫn đảm bảo, khoảng cách phải an toàn.
Chị Hồng nói, nhờ hỗ trợ của chính quyền, nhà cũng có ít quà, có gì cúng nấy. Dù sao, người bị cách ly trong nhà còn đỡ khổ hơn lực lượng bảo vệ, chốt chặn khu vực phong tỏa bên ngoài.
|
Lực lượng bảo vệ sẵn sàng mang thức ăn vào bên trong khu vực bị phong tỏa - Ảnh: Lâm Ngọc |
“Khu này nhiều muỗi lắm. Tôi thấy thương họ quá. Tết mà phải rời nhà, ra đó ngồi trực bất kể đêm ngày. Mình còn được ngủ trong nhà, họ có được như thế đâu”, chị Khoa bày tỏ.
Người dân ở các khu phong tỏa thường động viên nhau, tết này không thể đầm ấm, đầy đủ như mọi năm. Dù buồn nhưng để đảm bảo an toàn cho mình, cho cộng đồng, tất cả phải tuân thủ mọi biện pháp an toàn, chống dịch.
Lâm Ngọc