Có thể nói, cộng đồng người Việt ở Little Saigon thuộc miền Nam California là cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhất thế giới. Con phố Bolsa nơi mang đậm hương vị Việt Nam, chỉ vỏn vẹn vài cây số với nhan nhản các cửa hiệu ghi chữ Việt, đã trở thành linh hồn của cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon.
|
Một góc chợ làng, chút niềm vui được quẫy đôi gióng của mẹ, cầm bao lì xì của con đã mang tết, giữ tết quê nhà thật lâu trong lòng những đứa con xa xứ |
Cứ mỗi dịp xuân về, trong không khí tưng bừng chuẩn bị đón tết Nguyên đán, khu phố Bolsa ngày thường vốn đã đông đúc nhộn nhịp, nay càng “khí thế” nô nức hơn với lượng khách du lịch từ các tiểu bang xa đổ về mong tìm chút thời tiết ấm áp lý tưởng cùng hương vị tết quê nhà nơi xứ người.
Hương vị đó là gì? Đó không chỉ là những chậu mai, đào, cúc đại đóa hay phong lan, thược dược - những sắc hoa tượng trưng cho ngày tết. Đó còn là những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa món, mứt gừng, mứt hột sen, nem chả, giò lụa... bên cạnh các món ăn Việt Nam nổi tiếng như phở, bún bò Huế, bánh cuốn Tây Hồ, bún chả Hà Nội...
Đi phố Bolsa đón tết, không chỉ là để mua về một nhành hoa, chậu cúc, mà còn để chầm chậm tận hưởng cảm giác quê hương gần gũi nơi món ăn, ngôn ngữ, vải vóc lụa là. Chính vì nhu cầu đó của người Việt tứ xứ đổ về Little Saigon, từ nhiều năm nay thành phố đã tổ chức những phiên chợ đêm nhộn nhịp suốt thời gian giáp tết cho đến qua năm mới. Khách tham gia vừa ăn uống, mua sắm, dạo chơi; vừa hít thở không khí truyền thống quen thuộc hệt như họ đang ở trên đất Việt.
|
Quầy bánh tét, bánh chưng vẫn thu hút khách nhất mỗi khi tết đến |
Chợ đêm ngày tết mấy năm trước còn có thêm những tiết mục “độc chiêu” như đốt pháo hay chơi bầu cua cá cọp. Sau này, để các hoạt động mừng năm mới của cộng đồng người Việt được trật tự và có tổ chức hơn, các trò chơi và việc đốt pháo đã được dẹp bỏ. Nhưng không phải vì thế mà lượng người tham dự hội chợ tết kém đông.
Họ vẫn rộn ràng đổ về để ăn một bắp ngô nướng mỡ hành nóng hổi trong trời đêm lành lạnh, mua những đòn bánh tét mới vớt ra còn bốc khói, dự thi hát karaoke hay ghé qua những cửa tiệm để ăn một tô bún bò Huế, một bát cháo lòng - những món ăn đậm chất Việt Nam. Chính những cửa tiệm chuyên bán món ăn rất Việt Nam như lòng heo, nem tré, bánh giò, chả Huế... là những điểm sáng thu hút khách đến hội chợ.
Chị Hương Lê, đến từ tiểu bang Colorado, cho biết: “Do điều kiện kinh tế không cho phép, đã hơn chục năm nay tôi không về Việt Nam. May là còn có thể thu xếp về Little Saigon đi chợ tết để sống lại cảm giác những ngày cuối đông chuẩn bị sắm sửa rộn ràng. Đi chợ chơi, ngắm hoa mai hoa đào, cười nói tiếng Việt với người đồng hương, ghé quán Bắc ăn tô phở tàu bay không hồi quế, bánh cuốn tráng tay, rồi mua chục bánh chưng bánh tét cùng mấy thẩu dưa món giòn rụm mang về. Tôi cảm thấy rất đầy đủ và ấm áp trong lòng”.
|
|
Nói về những chậu hoa như phong lan, cây cảnh, chợ Mỹ hầu như không thiếu gì, thậm chí nhiều khi còn sale rất rẻ, nhưng nhiều người Việt vẫn thích giữ thói quen sắm sửa hoa tết ở hội chợ Bolsa. Đơn giản vì họ tới đó không chỉ để mua hoa. Mà mua hoa là một cái cớ để họ tìm tới với cảm giác lâng lâng rộn ràng của những ngày xưa cũ, của hoài niệm tết ngọt ngào ấm áp khi nhà ai cũng đẹp đẽ hơn với những cánh hoa bung nở thắm tươi trong mùi nhang trầm thoang thoảng. Nếu không có Bolsa, cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ cảm thấy mất đi một phần quen thuộc rất tâm linh và máu thịt, dù nơi ấy ngày càng trở nên đông đúc.
Bà Yến Nguyễn, Việt kiều sống lâu năm ở quận Cam, chia sẻ: “Tôi chuyển nhà khỏi vùng Bolsa đã lâu và hiện đang sống ở thành phố Irvine cùng vợ chồng con gái. Nhưng mỗi dịp tết tôi vẫn giữ thú vui dạo phố Bolsa, mua tấm lụa may áo dài, gặp lại mấy bà bạn cũ cùng dạo chơi ôn kỷ niệm xưa trong khu Phước Lộc Thọ. Đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình”.
Cũng vì khu phố Bolsa ngày càng trở nên chật chội không đủ chỗ cho lượng khách du lịch lẫn địa phương đến vui chơi đón tết, nên năm vừa rồi hội Tết Việt Nam đã được tổ chức ở Mile Square Park - một công viên rộng mênh mông ở thành phố Fountain Valley nằm ngay cạnh Bolsa.
Tết Việt Nam còn được tổ chức chung với các food truck của người Mễ tạo thành một lễ hội văn hóa rất đặc biệt, đa dạng và phong phú sắc màu. Các xe thức ăn của người Mễ cùng các món ăn đặc trưng Mễ như tacos, burrito... được bày bán chung với bún bò, chả giò, nộm đu đủ, phá lấu, bắp nướng, chả cá viên chiên, phở... tạo nên bữa tiệc ẩm thực đậm đà hương vị.
Người Mễ rất thích món ăn Việt Nam và đã hưởng ứng nhiệt tình hội chợ tết này; cũng như thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ thích xếp hàng ở các food truck để thưởng thức món ăn Mễ. Sự góp mặt của nền ẩm thực Mexico không hề làm loãng không khí tết cổ truyền Việt Nam mà còn làm cho lễ hội thêm tưng bừng, vui vẻ, thể hiện tình đoàn kết và thiện chí giao lưu giữa hai cộng đồng.
Em Jennifer Huynh, một cô gái Việt Nam ngoài 20 tuổi nói tiếng Anh và tiếng Việt đều lưu loát, vừa ăn chả cá viên chiên chấm tương ớt vừa cho biết: “Em cảm thấy ý tưởng tổ chức tết Việt Nam ở Mile Square Park là rất hay. Vì Bolsa tuy tập trung nhiều tiệm Việt Nam nhưng việc đi lại và đậu xe khá khó khăn. Nơi đây rộng thoáng, ngay giữa thiên nhiên sạch sẽ, không khí trong lành, ăn các món nướng rất thích. Lớp em có nhiều bạn người Mễ cũng tới tham gia và nhiều bạn rất mê món phở và bánh mì đặc biệt Việt Nam”. Có thể nói, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người Việt khá tốt. Lễ hội ăn uống nhộn nhịp nhưng rác được dọn sạch sẽ, gọn gàng, trả lại cho công viên vẻ đẹp trật tự ban đầu.
Mỗi dịp xuân về, người dân Little Saigon lại có dịp thể hiện sự mến khách của mình với những người đồng hương từ xa tới. Các món ăn Việt Nam càng đi xa khỏi quê hương càng được giữ gìn chăm chút để bảo tồn hương vị truyền thống chuẩn mực. Tết Việt Nam - dù ở nơi đâu, thì vẫn là một cái tết đúng nghĩa, tưng bừng, xét về nhiều mặt. Nhưng dù có tưng bừng bao nhiêu, cái tết của nhiều người xa xứ vẫn mang một hương vị hoài niệm nhớ thương man mác của những kẻ tha hương, nhất là những người vì cơm áo mưu sinh mà phải xa quê hương, gia đình ruột thịt.
Những ngày giáp tết, đi chợ Việt Nam, giữa bánh mứt, giò chả, lạp xưởng muôn màu, nghe văng vẳng những câu hát chất chứa tâm tư như “Tết con không về chắc mẹ buồn lắm”- đơn giản mà diễn tả rất đúng nỗi lòng của nhiều người con xa xứ, cảm giác như lòng mình chùng xuống. Vì ý nghĩa của cái tết còn là sum họp, là những khoảnh khắc vui vầy đoàn tụ bên gia đình. Nên tết tha hương, rực rỡ rộn ràng đó, nhưng đó đây vẫn có những khoảng trống chông chênh như nốt nhạc trầm trong bài ca đón chào năm mới.
Âu Lan