Tết nội, tết ngoại

26/01/2015 - 17:08

PNO - PN - Năm nào trước Tết, vợ chồng Linh cũng cãi vã quanh chuyện về quê nội hay quê ngoại đón Tết.

edf40wrjww2tblPage:Content

Quê ở Đăk Lăk, Linh lên thành phố học nghề tóc và mở tiệm nho nhỏ trong hẻm. Ở đây, cô gặp anh, là thợ sửa máy tính. Nhà anh ở Đồng Nai. Thời gian mới cưới, Linh cũng ngoan ngoãn về quê chồng đón Tết như bao nàng dâu khác. Nhưng chỉ được hai cái Tết, cô bắt đầu đổi ý, nằng nặc đòi về quê mình ăn Tết, với lý do ba mẹ già, nhà neo người. Chồng Linh là con cả trong nhà nên một mực bắt vợ phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà chồng. “Thuyền theo lái, gái theo chồng, đâu ra cái kiểu về nhà vợ ăn Tết”.

Nói nặng, nói nhẹ, thị uy vẫn không khuyên nhủ được vợ về quê, anh chồng xuống nước giải thích, năn nỉ ỉ ôi. Anh bảo quê chồng gần hơn, đi lại thuận tiện cho con cái đỡ vất vả, lại tiết kiệm chi phí, đỡ tiền xe đò. Linh vặc lại, nói chồng ky bo, bủn xỉn, đi làm cả năm mà về quê có mấy ngày Tết cũng tính toán từng đồng. Vậy là vợ chồng to tiếng cãi vã, chiến tranh lạnh.

Tet noi, tet ngoai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có lần Linh hỏi chồng hay cả nhà mình đi du lịch đón Tết. Linh nghe mấy cô bạn có điều kiện rỉ tai nhau chuyện đi du lịch đón Tết vừa nhàn thân lại chẳng lo chiến tranh giữa mẹ chồng và các nàng dâu. Người phụ nữ được giải phóng khỏi mớ việc nhà ngồn ngộn, có thời gian hưởng thụ hạnh phúc bên chồng con. Vừa nghe vợ phân tích, chồng Linh gạt ngang, bảo Linh khéo vẽ chuyện, học đòi thói trọc phú, hoang phí. Cuối cùng địa điểm đón Tết vẫn không thống nhất và kết thúc tranh luận bao giờ hai vợ chồng cũng không nhìn mặt nhau.

Có năm Linh dắt con gái lớn về quê ngoại, chồng dẫn con gái út về quê nội. Đón Tết hai phương trời, cả hai vợ chồng đều nhớ con, lại chịu thêm tiếng bấc, tiếng chì của cha mẹ, người thân hai bên nên chẳng còn tâm trạng nào ăn Tết. Nhà chồng bảo Linh hách dịch, coi thường cha mẹ chồng, chê chồng cô nhu nhược, không biết dạy vợ. Cha mẹ Linh lại bảo con rể không biết trên dưới, trước sau, không quan tâm đến vợ con. Các cụ có tuổi nên hay mủi lòng, lại khóc khi thấy gia đình người ta con cháu đề huề.

Chồng Linh cũng không tỉ mỉ, cẩn thận như người ta nên cô lại lo anh uống vài hớp rượu bia vào sẽ bỏ bê con gái. Cứ nghĩ đến cảnh không ai tắm rửa, lo cơm nước, quần áo, tóc tai cho con, quê chồng lại nhiều muỗi, không biết nửa đêm có ai chăng mùng cho con, Linh đứng ngồi không yên.

Chiều đi học về, hai con gái nhỏ, nhìn mẹ hỏi dò: “Tết năm nay mình về ông bà nội hay ông bà ngoại hả mẹ?”. Bên kia bàn, chồng Linh nhìn vợ bằng ánh mắt dò xét. Như sợ cha mẹ cãi nhau, con gái lớn lanh ý, nói gỡ: “Hay mình ở thành phố đi Đầm Sen đi mẹ. Con muốn đi chụp hình với em”. Linh nhìn các con nhỏ vừa thấy thương, vừa thấy tội nghiệp. Năm nào cũng vì cha mẹ bất đồng ý kiến khi chọn địa điểm đón Tết mà các con chẳng có ngày xuân vui.

“Mình về quê nội ăn Tết”. Vừa nghe mẹ nói, hai con gái nhảy múa, ôm vai bá cổ mẹ. Không nói ra nhưng Linh biết các con vui không phải vì được về nhà nội mà chủ yếu vì chị em, cha mẹ không bị chia cắt. Chồng Linh cũng vui ra mặt, nói năng nhỏ nhẹ với vợ, đi lại cưng nựng hai con rồi đưa ra phương án "chia" mấy ngày Tết cho cả hai bên vì giờ được nghỉ Tết dài ngày. Linh thì tự trấn an bản thân và cố gạt đi những chuyện không vui ở quê chồng trong trí nhớ.

 HƯƠNG GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI