Món khổ qua dồn thịt trong ngày tết chở theo bao ước nguyện, tình thân
Kể cả những năm khó khăn, nhà khó khăn, cái tết có thể không đủ đầy. Nồi thịt kho rịu ăn nhín ăn dè đến mùng Hai, chỉ còn nước. Lạp xưởng cũng chỉ tòng teng dăm ba cái. Giò heo nấu măng, tôm kho tàu, năm có năm không. Nhưng không nhà nào thiếu vắng tô canh khổ qua hầm trong ba ngày tết.
Ngày còn nhỏ, tôi hay nghe bà cố, bà nội rồi mẹ, nói đi nói lại vào đúng chiều 29, 30, khi cả nhà chộn rộn nấu cúng đón ông bà - “Tết nhứt, nhà phải có trái khổ qua, để mong năm mới khổ nó qua con à”. Tôi nhớ, ngày đó, ngồi lột tôm với mẹ, tay ở trong bếp chứ cái đầu và cái chân chỉ chực chạy qua sân nhà chúng bạn để chơi nhảy dây, chơi trốn tìm hay chỉ là tụm vào nhau kể chuyện trường lớp, hóng hớt chuyện tình yêu của mấy anh chị lớn rồi rúc rích cười. Tuổi thèm chơi, thèm ăn, thèm ngủ, sau lưng có ba mẹ ông bà chống đỡ, biết gì mà khổ để cầu mong cho nó qua! Nên mỗi lần nghe câu ấy, miệng không dám nói ra chứ bụng bảo dạ: “Người lớn sao mà lẩm cẩm, lạc hậu!”.
Tôi còn nhớ, không riêng món khổ qua hầm, mà mứt gừng, mứt dừa hay nồi thịt kho rịu, ngày tết, từ bà nội đến mẹ tôi, luôn làm bằng một sự chăm chút nâng niu không thể nào diễn tả hết. Giờ suy nghĩ lại, tôi cảm giác dường như đó không còn là những món ăn cho no lòng nữa rồi. Dâng cúng thiên địa, tổ tiên ông bà, nguyện cầu một sự bình an cho gia đình, dòng họ, làng xóm 365 ngày trong một năm, đó đâu thể nào là chuyện nhỏ.
Đầu tháng Chạp, khi gió chướng se sắt mỗi chiều, mẹ tôi đã đi dặn mấy nhà vườn xung quanh, để phần cho bà những trái khổ qua tròn, thẳng, dặn luôn khi cắt phải chừa cuốn dài gần bằng ngón tay cho đẹp. Đến giờ, cứ mỗi lần rửa khổ qua, nhất là tết, tôi lại nghe tiếng mẹ văng vẳng: “Rửa thật nhẹ tay, không để dập gai đó!”. Rửa rồi phải cẩn thận xếp từng trái đứng dựa vào thành rổ cho ráo nước, ngay ngắn như trẻ con mẫu giáo nằm ngủ trưa vậy.
Khổ qua ráo, dùng dao - cái dao cau nhỏ của bà cố - mổ dọc, đường mổ phải “ngọt” thẳng tắp. Đến giai đoạn lấy ruột ra cũng phải nhẹ tay, cẩn thận. Mẹ tôi thường đưa cho chị em chúng tôi một cái muỗng cà phê nhỏ, dạy chúng tôi từ từ nạo hết ruột ra. Thi thoảng, gặp một trái chín đỏ au, tôi thích lắm, để từng hạt lên bàn tay ngắm nghía và nghĩ đến việc sẽ cất riêng ra, gieo xuống đất. Tôi sẽ có một dây khổ qua, rồi tự chăm cho đến ngày ra bông kết trái, hái vào cho mẹ nấu ăn. Tất nhiên, sau đó thì tôi luôn quên béng mất.
Nhân khổ qua không khó làm. Nguyên liệu cũng đơn giản. Thịt heo băm nhuyễn trộn với tôm, nấm mèo, bún tàu, thêm chút tiêu, có nhà còn cho tiêu nguyên hạt. Nhưng để làm nhân ngon không dễ. Phải có kinh nghiệm chọn thịt heo, nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. Ngày xưa làm gì có cân tiểu li điện tử để cân thực phẩm như bây giờ. Quan trọng nhất là phải quết nhân cho dẻo, để khi thành phẩm ruột phải dai thơm như mộc.
Hầm khổ qua cũng vậy, ngỡ đơn giản nhưng để cho vỏ vừa chín tới, nước trong và thơm cũng không dễ làm. Tôi nhớ mẹ luôn để nước sôi già, rồi nhẹ nhàng bỏ từng trái khổ qua vào nồi - nồi rộng xăm xắp nước - sau đó hạ thấp lửa chỉ còn sôi tim. Không đậy nắp và hớt bọt liên tục. Trái khổ qua ngon là khi vớt ra, phần vỏ và ruột vẫn dính vào nhau, dẫu có cắt 4-5 miếng thì chúng vẫn không rơi rớt. Chấm khổ qua với nước mắm nguyên chất, loại ngon chỉ dành ăn sống, nghe cái đắng đắng béo béo ngọt thanh của tôm thịt, vị cay cay của tiêu quyện nơi đầu lưỡi. Nếu như ai không sợ đắng, ăn được một đôi lần, sẽ thích vô cùng.
Hồi nhỏ, trẻ con chúng tôi gần như không ăn được vỏ khổ qua. Nên bao giờ cũng vậy, mẹ tôi luôn ăn vỏ. Trong bữa cơm tất niên, đón ông bà, mẹ luôn tách phần ruột bỏ vào chén cho chị em chúng tôi. Mẹ nói, ruột thịt không, ngán. Mẹ thích vị đăng đắng của cái vỏ. Hẳn là trong lúc hí hửng cắn ngập miệng những miếng ruột khổ qua mẹ cho, mấy chị em tôi đã từng nghĩ mẹ thật kỳ, thích toàn mấy thứ khác người ta. Cá thích ăn đầu, cơm thích ăn cơm cháy, đến trái khổ qua mà mẹ cũng chỉ thích ăn vỏ. Lạ ghê! Để rồi khi làm dâu, làm vợ, nhất là làm mẹ người ta, mỗi lần loay hoay chân không bén gót dưới bếp nấu bữa cơm, mỗi lần gắp bỏ miếng đồ ăn vào chén những người mình thương, nhất là con; ngực trái nhói lên, nghe đâu đó một tiếng kêu “Mẹ ơi!” rơi trong thinh lặng. Có giọt nước nào nơi mắt, chảy ngược vào tim.
Một món ăn - nhất là món ăn ngày tết - được làm từ gian bếp của mẹ, bằng đôi bàn tay của mẹ, như món khổ qua hầm thịt, có bao giờ chỉ là một món ăn đâu?