Tết nhớ người đi xa

07/02/2021 - 18:37

PNO - Tết hằng năm vẫn y nguyên không khí ấy, chỉ là nhà tôi thiếu hẳn mùi nồng ấm từ khi ba rời xa chúng tôi. Tết không có ba nghĩa là những cái tết đã khác. Vậy nên, nôn nao nghe tết là tôi nghe luôn nỗi trống vắng.

Ba tôi, người đàn ông ít cười ít nói mà làm nên bao nhiêu cái tết ấm áp cho gia đình. Hồi các con còn ở xúm xít cùng nhau, vào trung tuần tháng Chạp, hễ có ngày nắng lên là ba bắt mấy anh đem mùng mền, chiếu gối ra giặt. Sau một mùa mưa gió ẩm ướt, giặt đồ phơi khô, đứa nào cũng giành ôm vào nhà để hít hà mùi nắng thơm tho. 

Nhà cửa cũng được ba và mấy anh lớn sơn phết lại cho sáng sủa đón tết. Cả nhà nhộn nhịp, người giặt giũ, người bánh mứt, người cơm nước, vừa làm vừa đùa giỡn suốt tháng Chạp. 

Trong lúc cùng nhau làm việc nhà, ba dạy các anh là đàn ông phải biết gánh vác những việc nặng trong nhà. Rồi từng đứa xa quê đi học, ở lại thành phố lập nghiệp, xây dựng gia đình riêng, tết không năm nào đầy đủ cả nhà, nhưng còn ba là còn không khí thiêng liêng của ba bữa tết. 

Tháng Chạp và những ngày đầu năm có nhiều lễ cúng kiếng: dẫy mả, ông cố, tất niên, đưa rước ông bà, cúng cơm ba bữa… nên mùi khói nhang nghe riết cũng ghiền, thấy ấm áp, linh thiêng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba coi trọng những ngày cúng, không rình rang nhưng lúc nào cũng tươm tất, trang nghiêm. Ba thường nói: “Không cần mang lên bàn thờ nhiều đồ cúng, chỉ cần tưởng nhớ người mình thương, bốn thứ phải có là hương, đăng, trà, quả và quan trọng là khi cúng mình phải tinh tấn”. 

“Tinh tấn” theo ba là quần áo chỉnh tề và đặt trọn tâm ý của mình trong lúc cúng bái, đừng nghĩ ngợi lung tung. 

Những bữa cúng là dịp để ba kể những câu chuyện trong lịch sử gia đình. Hai mươi bảy tháng Chạp giỗ ông cố, ba nói: "Ông nội kể hồi đi chôn ông cố về xong là dựng cây nêu đón tết, tết năm đó có vui đâu". 

Và, sau đó ông nội còn đón thêm nhiều cái tết không vui như vậy. Ngày dẫy mả, ba dẫn mấy anh em về quê lau dọn mồ mả ông bà, dẫn ra thăm chỗ chôn hai người anh hồi má sinh non. Chiều Ba mươi, bên mâm cơm rước ông bà, ba kể chuyện bà nội trước khi mất thèm ăn miếng đường tán nên ba đem chiếc cối đồng đi đổi đường về, chuyện ông nội gói bánh vụng về thế nào nhưng vẫn nhất quyết tự tay làm để cúng người thân, về các cô các bác đã không may mất sớm. 

Nhà nội một thời gặp nhiều tai ương, ông bà nội có sáu người con nhưng lần lượt qua đời, còn lại ông nội, bác Sáu và ba. Ba người đàn ông sống chung một mái nhà cũng biết tạo ra những cái tết thơm tho. Ba nhớ mùi bột nếp thơm phức ông nội giã làm bánh in, nhớ mùi cơm sôi từ gạo ba trăng của bữa cơm ngày Ba mươi tết. 

Có nhiều chuyện năm nào ba cũng kể mà các con vẫn cứ ngóng cổ nghe. Đó là dịp ba nói nhiều nhất trong năm, nên các con nghe câu chuyện là phụ, mà tận hưởng giọng kể trầm buồn của ba là chính. 

Ba hay kể chuyện, là muốn các con hình dung đầy đủ về nhà nội, hiểu rằng tết là mùa đoàn viên, làm cho ba nhớ về gia đình xưa kia. Ba kể để khỏi quên những câu chuyện của gia đình mà ba sợ mỗi ngày mỗi xa, lỡ mai kia ba lẫn, nhớ nhớ quên quên. Mà ba đã kịp lẫn đâu, còn rất minh mẫn đã vội vã ra đi!

Ba đi, mang theo những câu chuyện kể trong chất giọng trầm buồn. Những câu chuyện từ ba đã dừng lại năm năm. Những mùa tết nồng ấm nhờ có ba đã nằm trong quá khứ. 

Ba nhớ ông nội và các cô bác, còn các con thì nhớ ba. Nhớ những đêm cận tết ba rủ dạo bộ ngắm chợ hoa, nhân tiện ba kể về vườn hoa cải vàng ngày tết của ông nội. Nhớ những đêm giao thừa, cúng xong, mấy cha con cùng nhau ăn mứt gừng, uống trà, trò chuyện trong mùi khói nhang vẫn còn luẩn quẩn trong nhà. Sáng mùng Một, các con nhớ lời nhắc trầm ấm của ba: “Lên bàn thờ thắp nhang cúng ông bà đi con”. 

Hồi còn ba, có năm anh chị bận bịu, chỉ mình tôi về ăn tết với ba mẹ. Nhà vắng nhưng vẫn nghe mùi ấm cúng. Bây giờ không ba, có những năm anh chị em về đông đủ vẫn thấy thiếu vắng vì chưa quen. 

Anh chị em tôi, không ai thừa hưởng cách kể chuyện trầm trầm, ấm áp của ba. Dù chúng tôi vẫn kể những chuyện về ba cho những đứa cháu nội, cháu ngoại của ông nghe, nhưng không cách nào hay bằng. Người kể chuyện hay nhất nhà đã nằm trong trời đất. 

Xưa ba nhiều lần nhắc, mỗi một người thân trở về với đất là một lần trái tim hằn thêm một nỗi mất mát. Ba nhớ mình đã cùng ông nội và bác Sáu đi qua bao nhiêu cái tết nhọc nhằn trong nỗi mất người thân, có cái tết nào mà vui trọn vẹn. Sau khi ba mất, tết trong lòng tôi đã khác, và tôi hiểu, có lẽ từ khi ông nội ra đi, tết trong lòng ba cũng đã khác. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI