Tết nhớ gì hơn nỗi nhớ nhà…

20/01/2023 - 07:43

PNO - Tháng Chạp trôi đi gấp gáp cùng những ngày cuối cùng của năm cũ, người ta bỗng nhiên tha thiết một nỗi nhớ vô cùng - nhớ nhà. Không vô cớ mà ai ai cũng nhớ nhà mỗi khi tết đến.

Nếu không có nỗi nhớ nhà sẽ không có cảnh dòng người tha hương cuối năm cùng nhau lên xe tỏa muôn hướng từ lòng chảo thành phố lớn, chở nhau về nhà, ken dày trên những chuyến xe, tàu cho kịp năm mới. Thành phố những ngày giáp tết như bầy ong vỡ tổ, đâu đâu cũng tao tác những người là người gùi nhau rời cái “tổ” khổng lồ ấy trong ít ngày. 

Nếu không có nỗi nhớ nhà sẽ không có cảnh bao nhiêu con người kiên trì chờ đợi nơi bến xe, nhà ga, sân bay… chỉ để được về nhà. Những người không may mắn có tấm vé tàu xe vẫn có thể chấp nhận mạo hiểm xuyên đêm với chiến mã cà tàng, miễn được về nhà. 

Ảnh mang tính minh họa - Huỳnh Mỹ Thuận
Ảnh mang tính minh họa - Huỳnh Mỹ Thuận

 

Tết là những cuộc quy hồi cố hương với khao khát được đoàn viên, tay bắt mặt mừng, tay ôm mắt khóc - những giọt nước mắt vui mừng hạnh phúc bời bời.

Nhà - chỉ một từ thôi nhưng chứa trọn bao lời tha thiết quá! Nhà - thứ khiến kẻ đi xa luôn đau đáu trong lòng - dù chỉ là một căn nhà dột cột xiêu, phơi mình tả tơi trong nắng gió bão bùng vẫn khiến kẻ tha hương da diết nhớ mong. Nỗi nhớ mang tên “nhà” trở mình trong từng giấc ngủ nơi thị thành phồn hoa. 

Tết nhớ nhà là nhớ bao tiếng nói cười thân thuộc ấm áp vang lên trong từng ngóc ngách, giữa phên lưới mộc mạc nhưng nghĩa tình, giữa liếp vườn xanh trong gió mát, giữa khói bếp thơm mùi rơm rạ cỏ đồng…

Tết nhớ nhà là nhớ từng nếp nhăn in hằn lên trán cha, từng vết chân chim trên mắt mẹ; à nỗi niềm trũng sâu nơi đáy mắt mỗi khi nghe tiếng gió trở mình báo một mùa xuân nữa lại ghé ngang…

Tết nhớ nhà là nhớ những nếp nhà mà ông bà cha mẹ đã gìn giữ cẩn thận bao năm. Nhớ mớ lá chuối mẹ rọc còn thơm mùi nhựa, cẩn thận lau cho sạch bóng từng đường gân lá. Tết quê mà thiếu lá chuối là sẽ thiếu đi những đòn bánh tét ngon, mâm cơm cúng ông bà chiều 30 chực buồn như nắng héo sau hè. 

Ảnh mang tính minh họa - Khang Chu Long
Ảnh mang tính minh họa - Khang Chu Long

 

Nhớ cái dáng ba lui cui đánh bóng những bộ lư đồng cũ kỹ, lau chùi mấy tấm liễn cho chúng sáng sủa hơn, tỉa lại nhành mai, dời mấy cây tắc lúc lỉu trái chín vàng ươm vào đúng vị trí “phát tài”. Mỗi khi tiếng chó rộ nơi đầu ngõ, ba lại quẹt mồ hôi ngóng ra: “Coi bộ chắc thằng Hai/con Ba trên thành phố mới dìa” để rồi khấp khởi mừng vui, trông tới ngày tháo đìa bắt mớ tôm cá ú na ú nần ba đã dưỡng cả nửa năm trời, làm mấy món ngon cho bầy con ăn tết.

Tết ở nhà là nồng nàn mùi tết nơi góc bếp, mứt dừa, mứt gừng, mứt tắc… thơm lừng vây quanh; là nồi thịt kho đầy ứ thịt trứng; là nồi canh khổ qua đắng mà ngọt; là mớ củ kiệu nồng nàn bên nhúm tôm kho đỏ au, vài lát lạp xưởng đậm đà cho khách khứa và đám con tha hương có cái ngồi cà kê dê ngỗng kể chuyện vui buồn xứ người.

Tết ở nhà, từ rằm tháng Chạp đã thấy màu vàng nô nức của mấy luống vạn thọ rực lên bên hông nhà. Vạn thọ là thứ bông quê kiểng cũng như người thành phố mê lan, cúc, vạn thọ là thứ mà tết ở quê không thể không có. Mấy luống hoa cứ vàng lên tha thiết, khiến kẻ ở phương xa cứ mong ngóng quay về.

Tết ở nhà nhiều màu sắc, nhiều nỗi niềm nhớ mong quay quắt, nhiều nỗi chờ đợi ngóng trông, nhất là với những kẻ tha hương nơi đất khách, mới hay: 

“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông…”.
(Trịnh Bửu Hoài)

Thử hỏi: Tết nhớ gì hơn nỗi nhớ nhà? 

Trần Huyền Trang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI