Tết nhất, sao cứ dắt con đi lang thang?

05/02/2025 - 06:16

PNO - Ai cũng thắc mắc, tết nhất mà mẹ con tôi không ở nhà, cứ lang thang đây đó.

Tết năm nay là cái tết thứ năm mẹ con tôi không đón tết ở nhà.

Tôi lên kế hoạch từ sớm, thường sẽ rời khỏi nhà và đón giao thừa ở một nơi xa nào đó, ở đâu cũng được miễn là không phải ở nhà mình, không phải ở thành phố mà gia đình tôi sinh sống. Mẹ con tôi cứ thế du xuân cho hết tết, chỉ trở về sát ngày con đi học, mẹ đi làm.

Bạn bè tôi ngưỡng mộ, gửi lời chúc du xuân vui vẻ và nói rằng cả năm vất vả thì tết là dịp tốt nhất cùng các con thư giãn, nghỉ ngơi, du lịch đó đây. Nhưng cũng có không ít lời dị nghị rằng, sao tết nhất mà cứ dắt con đi lang thang, không ở nhà cơm nước, chăm chút cho gia đình và đưa các cháu đến thăm ông bà nội, ngoại. Tôi trong mắt nhiều người, có khi lại là một bà mẹ ham chơi, ưa hưởng thụ, không giữ đạo làm vợ, làm dâu.

Nhìn hình ảnh nhà nhà sum vầy bên mâm cơm ngày Tết khiến tôi không chịu nổi vì đã thiếu mất anh (ảnh minh hoạ)
Nhìn các gia đình sum vầy bên mâm cơm ngày tết, mẹ con tôi rất nhớ anh (ảnh minh họa)

Cách đây 5 năm, chồng tôi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Anh ra đi đột ngột sau đó 3 tháng, bỏ lại tôi và 2 con mới 7 và 9 tuổi.

Từ đó, 3 mẹ con tôi nương tựa vào nhau. Gánh nặng gia đình từ chỗ 2 người cùng nhau chia sẻ dồn hết lên vai tôi. Tất cả mọi khó khăn, thiếu thốn tôi chịu đựng được vì chẳng có thời gian mà buồn, mà nghĩ ngợi.

Thế nhưng mỗi dịp tết đến, thời gian nghỉ tết kéo dài khiến tôi sợ vì phải nghĩ ngợi, tủi thân. Thấy nhà nhà, người người khoe ảnh gia đình dọn dẹp, sửa soạn đón tết, có chồng có vợ, tự dưng tôi thấy đời mình thật hẩm hiu. Trong căn nhà mình, nhìn đâu cũng thấy bóng dáng chồng. Ban thờ cao, mỗi khi bày đồ cúng tết, anh sẽ bắc ghế trèo lên, còn vợ đứng dưới chuyền tay mọi thứ. Việc lau chùi bát nhang, hình ảnh ông bà cũng đều một tay anh làm. Các con tôi thường tíu tít cùng với bố treo đèn nhấp nháy, trang trí cây đào, cây quất.

Ngày đó, mỗi dịp giao thừa, gia đình tôi đầy đủ 4 người đều cùng nhau ngắm pháo hoa (ảnh PNO)
Ngày đó, mỗi dịp giao thừa, gia đình tôi 4 người cùng nhau ngắm pháo hoa (ảnh minh họa)

Đêm giao thừa, nhà chúng tôi 4 người cùng chở nhau ra trung tâm thành phố. Anh chở con trai lớn, còn tôi chở con gái nhỏ. Chúng tôi gửi xe rồi háo hức bên nhau chờ đợi giây phút bắn pháo hoa.

Trong cuộc sống, vợ chồng nào cũng có lúc mâu thuẫn, tranh cãi. Chỉ khi đôi đũa thiếu mất một chiếc thì ta mới cảm nhận được người kia có ý nghĩa thế nào với mình. Đó là sự mất mát không gì bù đắp được. Một gia đình vắng bố hoặc mẹ thì các con mãi mãi bị tổn thương và cảm thấy thiệt thòi dù chúng có được bù đắp bao nhiêu đi nữa.

Mấy mẹ con tôi ở Đà Lạt, rồi xuống Nha Trang. Tết, nhà ai cũng bận rộn cơm nước, cúng bái nên chúng tôi có ghé thăm bạn bè cũng chỉ chốc lát. Chúng tôi ở khách sạn chứ không ở nhà bạn, người thân để tránh gây phiền hà.

Nhìn các con đi chơi vui vẻ lòng tôi cũng dịu lại. Trẻ con ngây thơ, được đi chơi thì háo hức, không đa sầu đa cảm như người lớn. Ấy vậy mà thi thoảng, các cháu cũng buột miệng: “Giá mà có bố đi cùng thì vui mẹ nhỉ”. Được thưởng thức món ngon, con lại thốt lên: “Ước gì có bố cùng ăn mẹ nhỉ”.

Tôi chợt hiểu, các con cũng rất nhớ bố, bố có vị trí không gì thay thế được trong lòng các cháu. Dù không ở nhà, đi tới một nơi hoàn toàn mới lạ thì đến đâu ba mẹ con tôi cũng mang theo anh trong trái tim mình. Anh như vẫn còn ở lại, tới mức mà khi xếp mâm cơm, ba mẹ con đôi lúc cứ vô thức bày đủ 4 bộ chén đũa cho 4 người.

Chúng tôi đón năm mới, thưởng thức những món ngon, cảnh đẹp và tự nhủ rằng ba mẹ con không cô đơn, vẫn có bố bên cạnh. Chưa phút giây nào chúng tôi không nhớ về anh.

Thảo Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI