Tết nhất lu bu mà cả nhà cứ dính chặt với cái điện thoại

12/02/2024 - 13:52

PNO - Cai nghiện điện thoại, cũng như cai nghiện mạng xã hội, tưởng dễ mà không dễ chút nào.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Mấy ngày tết, cả nhà tôi liên tục cự nhau chỉ vì cái điện thoại. Ai đời, vợ bắc nồi thịt kho lên bếp, rồi ra ôm điện thoại trả lời tin nhắn chúc mừng năm mới của bạn bè. Con gái thì mở nước vào bồn rửa chén, nghe điện thoại có tin nhắn, thế là bỏ đó chạy ra xem ảnh bạn mới gửi. Nguyên cái bếp nước ngập lênh láng. Cả năm mới có ngày ngồi ăn chung đầm ấm, thì con trai cũng cắm mắt vào màn hình...

Tôi bực quá chị Hạnh Dung ạ. Thế là sáng hôm qua tôi cáu, dọa tịch thu hết điện thoại của cả nhà. Mà ai cũng có lý lẽ thanh minh: người ta chúc tết thì phải chúc lại ngay, đầu năm nước nôi tràn trề vậy là năm nay nhà mình đầy tiền, hoặc ai cũng xem điện thoại thì con cũng xem...

Mà vợ con tôi nghiện điện thoại đến mức tết nhất đi chúc tết họ hàng, tụ họp gia đình, thì ai cũng viện cớ thoái thác, nói là chúc tết qua điện thoại, tụ họp online được rồi, ra đường chi cho ô nhiễm, mệt mỏi... Chị nghe có bực không?

Mà không chỉ tết đâu, từ lâu rồi, tôi đã nhận ra cả nhà mình dần xa cách chỉ vì cái điện thoại. Cả ngày ai cũng đi làm, đi học, thế mà về nhà chẳng ai rời cái điện thoại ra được. Trong nhà có mình tôi không mê điện thoại, chỉ nghe gọi khi cần thiết, không cài mạng xã hội nào, không nhắn tin, không sống ảo... Nên tôi thành người bơ vơ, cô độc nhất nhà.

Tôi phải làm gì giúp cả nhà cai điện thoại để lấy lại không khí đầm ấm xưa kia đây, chị Hạnh Dung? Có nên ra luật sắt, về nhà là tịch thu điện thoại? Hay làm như con gái tôi hay nói: phải chi ba cũng biết cách vào mạng, sử dụng FB, Zalo... để tụi con không còn bị nghe cằn nhằn?

Thành Hưng

Anh Thành Hưng thân mến,

Cái điện thoại là một phát minh tuyệt vời của con người, chả ai phủ nhận điều đó, phải không anh? Nhiều lúc nghĩ về những khoảng cách, những việc cần kíp ngày xưa, mình cũng không hiểu mọi người đã làm cách nào khi không có cái điện thoại?

Thế nhưng, trong cuộc sống, cái gì cũng có mặt hay, mặt dở của nó. Nếu lạm dụng nó quá nhiều thì cái hay cũng thành dở. Cụ thể nhất là cái điện thoại. 

Việc sử dụng điện thoại quá nhiều, nghiện internet, lười bước ra đường, lười giao tiếp... chỉ vì sống bằng điện thoại, đã bị nhiều gia đình, nhiều bậc phụ huynh kêu ca. Mà con trẻ nếu biết kêu, cũng kêu, bởi không hiếm ông bố bà mẹ cũng thích dán mắt vào màn hình, quên cả con cái.

Cai nghiện điện thoại, cũng như cai nghiện mạng xã hội, tưởng dễ mà không dễ chút nào. Điều quan trọng là gia đình phải đề ra được những nguyên tắc nghiêm khắc, dứt khoát, nhưng hợp lý, hợp tình. Và sau đó là phải làm sao có được những hoạt động cuốn hút, vui vẻ, ấm áp để mọi người "quên" được thế giới cô đơn mà ồn ào náo nhiệt kia.

Đừng cáu gắt, bực bội, dọa dẫm làm gì anh ạ. Làm thế chỉ khiến mọi người muốn rúc vào thế giới riêng đó, tránh những càu nhàu, khó chịu của người khác mà thôi.

Anh hãy thử tham gia vào thế giới mạng, tìm hiểu những thú vị của nó. Rồi từ đó mà tạo nên câu chuyện với cả nhà. Có kinh nghiệm về nó rồi, anh mới có thể chống nó được chứ. Còn chỉ nói "khơi khơi" rằng anh cô đơn thì chẳng ai thông cảm đâu.

Những kiến thức trên mạng, thông tin, giải trí... cũng có nhiều cái rất thú vị. Anh mang chúng ra để bàn luận với mọi người. Rồi tạo group FB, Zalo, Viber để cùng nhau chia sẻ những hiểu biết mới, thú vị mới.

Không thể phủ nhận hoàn toàn tiện ích của công nghệ, mà hãy tận dụng nó để giúp đời sống chung trở nên phong phú hơn. Cũng nhân tiện là lấy chính nó, chống nó, để cho cả nhà gần gũi hơn, vui vẻ hơn, vì được chia sẽ với nhau nhiều điều hay ho hơn, anh nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI