Tết nhà nội hay tết nhà ngoại: Ở đâu cũng phải gầy dựng niềm vui

05/02/2021 - 10:14

PNO - Phụ nữ thông thái là phải biết tìm niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Không được về bên ba mẹ thì gầy dựng niềm vui bên con, bên chồng, bên anh chị cha mẹ chồng, tạo nên những ký ức tết tươi đẹp cho con.

Từ khi lấy anh chồng gia trưởng, đã bốn năm nay chị Hoàng Linh chưa được về ăn tết ngoại. Chị cũng là người vợ khôn khéo, nhún nhường, nên dù thèm cái tết với bố mẹ ruột đến đâu, cứ đến 28 tháng Chạp là chị lại theo chồng con về quê chồng ăn tết.

Cũng may chị có một anh trai vợ con đề huề, năm nào gia đình anh cũng ăn tết với bố mẹ. Nhờ thế chị Hoàng Linh an tâm phần nào, không lo bố mẹ hiu quạnh lúc nhà người ta quây quần.

Thế nhưng giáp tết năm nay, không may cả hai con anh trai chị Linh đều bị viêm phổi nặng, phải nằm viện ở thành phố. Thương con, thương cháu, mẹ chị Linh khăn gói vào viện đỡ đần cho con trai, để lại một mình ba chị ở mấy ngày tết.

Thương cảnh ngày tết mà hai ông bà mỗi người một nơi, chị Linh nghĩ: “Đã bốn năm ăn tết nhà chồng rồi, năm nay nhất định phải về quê với bố, không thể để bố một mình được.”

Chị tâm sự với chồng và đề xuất ở nhà ngoại từ 28 đến sáng mùng Hai thì về quê nội. Thế nhưng chồng chị không đồng ý. Anh bảo: “Ông ngoại vẫn còn khỏe, em có gì phải lo. Trước tết mình về hai hôm lo mua bán, nấu nướng trước cho ông là yên tâm rồi. Gì thì cũng phải ở với ông bà nội hết mùng Một rồi đi đâu thì đi.”

Thế là lời này tiếp câu nọ, hai vợ chồng cãi nhau suốt mấy ngày, không thèm nhìn mặt nhau.

Với những người con gái lấy chồng xa, có lẽ tết đầu tiên xa nhà ai dễ trào nước mắt. Từ tấm bé được đón tết ở nhà, bỗng dưng lấy chồng phải ăn tết ở một nơi xa lạ. Biết rằng dần rồi cũng quen, nhà chồng cũng là gia đình, nhưng nhiều chị em luôn cũng ngậm ngùi nhớ nhà, nhớ mẹ mỗi lần tết đến. 

Bức ảnh hai mẹ con chị lao công đi gom rác vào ngày mùng Ba tết làm bao người xúc động - Ảnh: Internet.
Bức ảnh hai mẹ con chị lao công đi gom rác vào ngày mùng Ba tết làm bao người xúc động - Ảnh: Internet.

Vào ngày mùng Ba Tết Bính Thân (2016), bức ảnh bé gái cùng người mẹ đẩy xe rác trên đường từng làm bao người xúc động. Nhìn bức ảnh, ta chợt nhận ra rằng với một người phụ nữ, thì no hay đói, giàu hay nghèo, ăn tết ở nhà hay ngoài đường đâu còn quan trọng. Chỉ cần một thiên thần nhỏ ở bên thì ở đâu cũng lấp lánh những niềm vui.

Một tết khác, khi các mẹ trong hội bỉm sữa râm ran chuyện thèm tết quê ngoại trên các hội nhóm mạng xã hội, “đòi công lý” để được ăn tết nhà ngoại, thì bỗng nhiên xuất hiện những bức hình đời thường, giản dị của hai mẹ con chị đánh giầy ngày giáp tết.

Chỉ là cảnh hai mẹ con ngồi nép vào bức tường xi măng, mẹ chăm chú đánh giầy, chốc chốc lại nhìn sang mỉm cười với em bé bên cạnh. Thế nhưng hình ảnh mưu sinh ấy khiến các mẹ bỉm sữa phải xúc động nhắc nhau: Bao người phải bươn chải ngoài đường kiếm tiền suốt tết. Những ai được sum vầy, an lành bên chồng con là may mắn hơn rất nhiều người.

Khi "nhìn xuống" chị em sẽ thấy "cuộc đấu tranh về nội, về ngoại, tết nội hay tết ngoại, sao xa xỉ quá. "Ở đâu có con, ở đó có tết!”, nhiều chị kết luận.

Bức ảnh người mẹ đánh giầy kiếm sống bên cạnh con nhỏ khiến các mẹ bỉm sữa xúc động, định nghĩa lại về một cái tết ấm êm.
Bức ảnh người mẹ đánh giầy kiếm sống bên cạnh con nhỏ khiến các mẹ bỉm sữa xúc động, định nghĩa lại về một cái tết ấm êm.

Nhìn người ta rồi lại nhìn mình, các chị nhắc nhau, phụ nữ thông thái là phải biết tìm niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Không được về bên ba mẹ thì gầy dựng niềm vui bên con, bên chồng, bên anh chị cha mẹ chồng, tạo nên những ký ức tết tươi đẹp cho con.

Thuở nhỏ, chúng ta may mắn được làm con của ba mẹ, trải nghiệm những cái tết ấm êm bên gia đình. Thì nay, khi đã có một gia đình nhỏ của riêng mình, vun vén và tổ chức để con được trải qua những mùa tết ấm áp, cũng là cách tiếp nối tết truyền thống...

Thu Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI