Tết Nguyên tiêu của người Hoa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

03/02/2020 - 17:43

PNO - Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 (TPHCM) vừa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bên cạnh 10 di sản khác.

Cụ thể, Bộ VH-TT-DL vừa ban hành quyết định về việc công bố thêm 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc 4 loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian. Đáng chú ý trong danh sách này có Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 (TPHCM).

Chùa Ông Bổn (Miếu Nhị Phủ)- một trong những địa điểm quen thuộc của người Hoa vào dịp Tết Nguyên tiêu - Ảnh: Đậu Dung
Chùa Ông Bổn (Miếu Nhị Phủ) - một trong những địa điểm quen thuộc của người Hoa vào dịp Tết Nguyên tiêu - Ảnh: Đậu Dung

Tết Nguyên tiêu được tổ chức liên tục tại khu vực quận 5 từ năm 1990 đến nay, thu hút hàng ngàn khách tham quan trong và ngoài nước. Trước đó, UBND quận 5 đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, đưa Lễ hội Nguyên tiêu tại quận này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đây là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa mà đến nay vẫn còn gìn giữ và được hưởng ứng phổ biến không kém gì Tết Nguyên đán của người Việt. Cứ đến ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, người Hoa sống quanh khu vực Chợ Lớn và rải rác khắp khu quận 5, quận 8 lại rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nguyên tiêu.

Vào dịp Tết Nguyên tiêu, người Hoa thường đi chùa cầu an, cầu phúc - Ảnh: Đậu Dung
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, người Hoa thường đi chùa cầu an, cầu phúc - Ảnh: Đậu Dung

Cứ đến dịp này, người Hoa thường đi chùa, miếu để cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh và phát tài phát lộc. Tết Nguyên Tiêu được tổ chức chủ yếu tại các Hội quán - nơi thờ tự của cộng đồng. Các nhân vật được thờ tại các Hội quán như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, Ông Bổn (Phước Đức Chính Thần), Kim Long (các vị thần thuộc tín ngưỡng Tam Nguyên - Tam Quan), các vị thần người Hoa…

Lễ hội diễn ra từ ngày mùng Mười đến hết tháng Giêng, nhưng lễ hội chính thường được tổ chức vào đêm rằm với phần lễ, hội đa dạng, đặc sắc và phong phú tại các Hội quán, gia đình như: các nghi thức lễ, diễu hành, trình diễn ca kịch cổ truyền, múa lân sư rồng, đố chữ, thư pháp, trình diễn âm nhạc (Đại la cổ Triều Châu, Nhạc lễ Phúc Kiến)… Ngoài ra, các hoạt động cúng lễ cũng được các gia đình người Hoa tổ chức tại gia đình.

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 vừa trở thành danh sách văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: N.L.Đ
Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 vừa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần được bảo vệ - Ảnh: N.L.Đ

Ngoài Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 (TPHCM), 10 di sản văn hóa phi vật thể còn lại được công nhận đợt này gồm có: Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội; Lễ hội Gầu tào của người Mông, huyện Phong Thổ, huyện Sìn Hồ, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Lễ hội chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; Lễ Cấp sắc (Tủ cải) của người Dao Quần Chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên; Lễ hội đền, chùa Linh Quang, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Nghề làm trống của người Dao Đỏ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Nghi lễ Gội ầu (Lúng ta) của người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI