Tết này, ở lại…

30/01/2014 - 07:58

PNO - PNCN - 1. Bữa cơm chiều, cũng như mọi khi, nhưng lại có một hương vị thật đặc biệt. Đó là mùi thơm của đĩa rau sống, ai động đũa vào là dậy ngát hương, khi gắp đưa vào miệng thì gật gù bởi vị ngọt mát, đậm đà hương quê.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dường như đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới được ăn một bữa rau ngon lành như thế. Cũng phải thôi, vì đó không phải là rau mua ở siêu thị hay chợ, mà được mang từ quê nhà vào. Những cọng xà lách, diếp cá, ngò, hẹ… được trồng trên đất quê nhà một nắng hai sương, không xịt thuốc trừ sâu, không tắm chất tăng trưởng, tự thân đã dậy lên một mùi hương thiên nhiên thuần khiết.

Khi tôi sang nhà ông bạn hàng xóm để cảm ơn về “món quà rau quê” mới hay anh vừa từ quê nhà vào. “Tôi về quê dự giỗ ông già rồi tranh thủ vào ngay. Những ngày gần Tết bận quá ông ơi”. Khi tôi hỏi, đã cận Tết rồi, sao không thu xếp về ăn giỗ rồi đón Tết luôn, lẽ nào mai mốt lại khăn gói về quê lần nữa? Ông bạn cười hiền: “Tết năm nay tôi không về. Về giỗ cha, thăm mẹ già, rồi vào đi làm. Năm nay khó khăn nên làm luôn mấy ngày Tết. Sợ nhớ quê nên tôi hái rau từ vườn nhà mang vào để ăn những ngày Tết”.

Chưa bao giờ ăn Tết ở Sài Gòn, đây là lần đầu tiên ông bạn hàng xóm chuẩn bị đón Tết tha hương với một vườn rau quê... trong tủ lạnh. Từ khi ở nhà ông hàng xóm về, không hiểu sao tôi cứ mường tượng hình ảnh người mẹ già ở quê, những ngày giáp Tết cứ ngồi ở bậu cửa chờ con về. Dẫu biết năm nay con không về, nhưng mẹ vẫn cứ chờ, cứ đợi.

Tet nay, o lai…

Ảnh: THANDY

 2. “Tết năm nay có về quê không?”; “Hôm nào thì về quê ăn Tết?”… là những câu hỏi mọi người thường dành cho nhau trong những ngày này. Người Việt Nam mình, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn… cũng đều có thói quen, niềm vui về quê ăn Tết. Người giàu thì đi máy bay, người tiền ít hơn đi tàu hỏa, người nghèo thì đi xe đò hay tự túc xe máy. Ấy là tạm “phân loại” vậy. Nói tóm lại, muốn về quê thì cũng phải có tiền. Một năm qua, khủng hoảng kinh tế vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, bà con làm ăn khó khăn, doanh nghiệp phá sản, công nhân bị nợ lương hàng mấy tháng liền…; tiền sinh hoạt hằng ngày còn không có, lấy tiền đâu mà về quê ăn Tết? Cho nên, câu trả lời thường gặp nhất trong năm nay là: “Tết này, ở lại”…

Thế là, trên những nẻo đường Sài Gòn, tôi gặp không ít những người đang chuẩn bị đón Tết xa quê. Một chị bán đậu hũ người Quảng Ngãi tôi quen từ mấy năm nay nói, đây là lần đầu tiên chị đón Tết ở Sài Gòn. Chị có hai đứa con gái vừa tốt nghiệp trung cấp, đang tìm việc làm thêm vào những ngày Tết. “Tui nói hai đứa con cứ về quê đi, về ăn Tết với ông bà, để mình mẹ ở đây cũng được, nhưng hai đứa sợ mẹ buồn, nên nhất định ở lại”. Theo câu chuyện đã có lần chị kể, cách đây 5 năm, chồng chị qua đời vì một tai nạn giao thông. Từ đó, mình chị bươn chải giữa Sài Gòn để nuôi hai con ăn học. Tôi chưa có dịp gặp hai người con của chị, nhưng những ngày này, tôi hay hình dung về hình ảnh những người con hiếu thảo đang tất bật giữa đất Sài Gòn để tìm kiếm việc làm, chấp nhận một cái Tết xa quê mà vẫn ấm tình ruột thịt.

3. “Có một người nghèo không biết Tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn”…

Ngồi viết những dòng tản mạn này, tôi chợt nhớ hai câu thơ của Chế Lan Viên. Chao ơi, đến bây giờ vẫn có “người nghèo không biết Tết”, hay là Tết đang đến ở bên ngoài “biên giới tâm trí” họ. Một cái Tết dưới mái nhà quê, quây quần bên cha mẹ, anh em, người thân… ai lại không muốn! Nhưng, cũng vì nghèo, vì phải mưu sinh, nhiều người đành phải đón Tết xa quê. Cũng may, Sài Gòn là một mảnh đất bao dung, mảnh đất ấm tình. Vì vậy, dẫu có buồn xa quê, thì Sài Gòn cũng là nơi để ta nhóm lên bếp lửa tình xuân.

Trần Nhã Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI