Tết này, nhà mình đoàn viên… online

04/02/2021 - 05:49

PNO - Không quá bất ngờ khi nhận điện thoại con báo tin không về quê ăn tết, nhiều cặp vợ chồng già gắng nở nụ cười để động viên con cháu, dặn dò: “Cẩn thận với COVID-19, cũng đừng quá ham việc mà bỏ quên tết”.

Gửi “tết” cho con

Loay hoay chỉnh sửa chậu quất mua từ dịp tết 2020 ở góc vườn, bà Nguyễn Thị Vinh (57 tuổi, trú tại xã Nghi Kim, TP.Vinh, Nghệ An) nói: “Tết này, chúng nó không về. Nên chỉ cần chậu quất này là xong, không phải sắm hoa hòe chi nữa”. 

Bà Vinh lau lại chậu quất năm trước để chưng tết
Bà Vinh lau lại chậu quất năm trước để chưng tết

Sau cuộc điện thoại báo tin của cậu con trai cả đang làm việc ở TP.HCM, bà Vinh tiếp tục gọi điện hỏi thăm, dặn dò cậu con trai thứ đang bị “kẹt lại” tại Nhật Bản.

“Tết họ cho mình nghỉ mấy ngày con? Bận mấy thì bận nhưng nhớ mua đồ ăn, bánh kẹo về mà ăn, đừng tiếc tiền mà quên ăn tết con nhé!” - bà Vinh nhắn nhủ con trai qua điện thoại. 

Đầu năm 2021, anh Nguyễn Đình Tuân (27 tuổi, con trai bà Vinh) hết hợp đồng sau ba năm làm việc tại Nhật, song vì dịch COVID-19 nên hiện vẫn chưa thể về nước đón tết như dự định.

Tranh thủ ghé vào chợ mua lá dong, hành củ… sau khi gieo xong hai sào lúa, bà Phạm Thị Minh (60 tuổi, trú tại H.Yên Thành, Nghệ An) cho hay, hai vợ chồng bà tính gói bánh, muối hành sớm hơn những năm trước để kịp gửi vào TP.HCM cho các con ăn tết. 

Nhà có ba người con, trừ cô con út đang học lớp Mười thì bà Minh đều đã nhận được điện thoại báo tin “không về ăn tết” của hai vợ chồng người con cả và cậu con trai thứ hai đang làm việc và học tại TP.HCM.

“Vợ chồng thằng cả làm công nhân trong đó, đợt vừa rồi nghe bảo dịch nghỉ mấy tháng nên lương không ăn thua. Còn thằng thứ hai đang học đại học năm ba, nó bảo dịp ni có nhiều việc làm thêm, lương cao nên muốn ở lại tranh thủ làm kiếm tiền học bố mẹ đỡ phải gửi vào” - bà Minh đượm buồn kể. 

Bà nói buồn có đó, nhưng khi khó khăn, thấy các con vẫn vui vẻ, lao vào công việc để lo cho gia đình, cho bố mẹ thế này, vợ chồng già lại thấy vui, yên tâm về các con.

Hối thúc chồng chẻ lạt để chuẩn bị gói bánh, bà Minh nói: “Mấy năm trước, chúng nó thường về hết, cả nhà lại quây quần ngồi gói bánh chưng, ít thôi nhưng vô cùng ấm áp”. Năm nay các con không về, hai vợ chồng già lại hì hục gói bánh chưng sớm để gửi vào. “Chúng bảo trong đó nào thiếu chi, nhưng ông nhà tôi bảo bánh cha làm, hành mẹ muối, anh em tụ họp lại bữa mà ăn tết cho đỡ nhớ nhà” - bà Minh chia sẻ.

Ai cũng muốn về nhà, nhưng…

“Em yên tâm, nhà anh vẫn lo tốt” - anh Nguyễn Văn Ninh (50 tuổi, trú tại xã Nghi Kim) vừa tranh thủ sơn lại căn nhà cấp 4 ẩm mốc vừa nói với vào điện thoại với vợ. Hơn nửa năm trước, chị Nguyễn Thị Duyên (46 tuổi, vợ anh Ninh) cùng hai cậu con trai dắt nhau vào TP.HCM tìm việc làm khi dịch COVID-19 lắng xuống. Việc làm ít, ba mẹ con đành chia tay nhau, mỗi người làm một việc từ phụ bếp, phụ hồ cho tới chạy bàn quán ăn.

Anh Ninh trò chuyện động viên vợ con
Anh Ninh trò chuyện động viên vợ con

“Tôi ở nhà lo ruộng vườn và làm phụ hồ, còn ba mẹ con làm trong kia chắt bóp cũng đỡ hơn mấy tháng ở nhà tránh dịch” - anh Ninh nói và cho hay, vài tháng sau, cậu con trai thứ đổ bệnh, phải nhập viện cấp cứu nên hoàn cảnh gia đình thêm éo le. Sức khỏe dần ổn định sau một tháng chữa trị, hai mẹ con chị Duyên xin vào làm chạy bàn cho một quán ăn gần bệnh viện để vừa kiếm tiền vừa tiện theo dõi sức khỏe. 

Nghe vợ nói: “Chắc tết này mẹ con em ở lại chứ không về”, anh Ninh cười: “Không sao, cả nhà mới ăn tết gần nửa năm rồi. Nhưng làm chi thì làm, đừng ham quá mà ảnh hưởng sức khỏe”. Nói vậy, nhưng khi điện thoại vừa tắt, anh Ninh ngồi thẫn thờ bên thềm nhà nhìn xa xôi. Anh bảo, còn gì vui hơn khi gia đình quây quần bên nhau ngày tết, vợ chồng dắt nhau đi mua sắm thực phẩm để chế biến những món ăn truyền thống, con cái thì đi mua cành đào, chậu hoa về chưng.

Tranh thủ mang xô chậu ra nghĩa trang dọn dẹp mộ ông bà, ông Nguyễn Văn Thới (75 tuổi) cho biết hai vợ chồng con trai không về ăn tết nên ông phải tranh thủ tảo mộ sớm. Hai tuần trước, vợ chồng con trai ông Thới đã gọi điện xin đón tết xa nhà và nói gửi quà về cho bố ăn tết. Nhưng ông bảo, “năm nay vợ chồng bây có việc làm đâu, lấy tiền mô mà mua. Gắng làm chắt bóp, tết năm sau có điều kiện thì về, muốn mua chi cũng được”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay, bà Vinh tâm sự: “Ai chẳng muốn về nhà, về bên gia đình. Nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận. Giờ có điện thoại thông minh nên cũng đỡ nhớ nhau, ngày tết cứ mở điện thoại ra là cả nhà lại sum họp. Thậm chí mình đi đâu, mở điện thoại cho con gặp chúc tết ở đó luôn cũng được” - bà Vinh nói. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI