Chiều nay, gió mùa Đông Bắc tràn về, rít từng hồi qua khe cửa lạnh buốt. Bữa cơm chiều đạm bạc của ba bố con dần trôi qua lặng lẽ. Tôi nhận ra Tết sắp đến khi trên màn hình vô tuyến đang phát những đoạn quảng cáo rộn rã của Tết đến Xuân về, nhỏ em tôi tỏ ra thích thú quay sang bố : “Sắp Tết rồi phải không bố”. Đáp lại em, bố nở nụ cười tôi thấy cả sự gượng gạo.
Đã từ rất lâu rồi trong tôi không còn cảm giác bồi hồi, háo hức khi Tết đến xuân về kể từ cái Tết cuối cùng với mẹ. Sau mùa xuân mẹ sang trời Tây đi xuất khẩu lao động. Tính đến tháng Chạp năm nay mẹ đã sống bên trời Tây tròn năm năm. 5 năm qua, tôi, bố và em đằng đẵng chờ tin của mẹ và mong ngày mẹ trở về. Ngày mẹ quyết định đi xuất khẩu lao động bố đang bị bệnh người gầy rộc lại càng xanh xao.
Thật tình, không ai muốn phải xa mẹ cả. Nhưng vì nỗi lo cơm áo gạo tiền cộng với căn bệnh thoát vị địa đệm mãn tính của bố, tim bẩm sinh của em buộc lòng mẹ phải ra đi mong có chút tiền gửi về trả nợ, mua thuốc thang và trang trải cuộc sống. tôi cũng đủ lớn khôn để thông cảm và chia sẻ cho quyết định của mẹ. Sau mùa xuân, ngày tiễn mẹ ra sân bay, nhìn khóe mắt mẹ, tự dặn lòng mình không được khóc để mẹ yên tâm lên đường vậy mà những giọt nước mắt mặn đắng cứ thể tuôn ra. Thấy thương mẹ thật nhiều.
Những ngày tháng không có mẹ ở bên, tôi thấy nhớ mẹ kinh khủng. Đêm đêm nhỏ em lại khóc, nỗi nhớ mẹ càng nhiều thêm.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, lại đến một cái Tết nữa. Cái Tết đầu tiên gia đình tôi đón Tết thiếu đi một thành viên, không khí trong nhà lạnh lẽo, hiu quạnh. Vẫn còn trong tôi là hình ảnh cứ tầm 22, 23 Tết sau khi đã xong công việc đồng áng, thu xếp chuyến buôn đồng nát cuối cùng mẹ bắt đầu xuống chợ, sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho Tết nguyên đán. Bên hiên chút nắng mùa đông vàng hanh, mẹ phơi đỗ xanh, giặt giũ đống chăn màn, quần áo ấm cho ba bố con thơm phức. Mẹ luôn là vậy, trước khi Tết đến mẹ muốn tất cả phải tươm tất, gọn gàng đúng như quan điểm xưa nay của mẹ “ đói cho sạch, rách cho thơm”.
Tôi phụ giúp bố dọn nhà, quét mạng nhện, hòa vôi lăn lại trường…Không khí tràn ngập tiếng cười, mặc dù mồ hôi ướt đẫm cả tấm áo lao động. Xong việc tôi và nhỏ em thích thú dán mắt vào những thao tác gói bánh chưng nhanh gọn của bố và không quên “nèo” thêm bố gói thêm cho hai chiếc bánh con chạy tung tăng khoe với lũ bạn cung thôn. Thích nhất là được mẹ cho đi chợ “cạ”. Sỡ dĩ tôi gọi phiên chợ cuối năm là phiên chợ “cạ” bởi người đi chợ chật cứng, muốn lách để đi qua một hàng gì đó cũng phải mất tầm 15 phút. Ai nấy đều lỉnh kỉnh thúng, làn đầy thực phẩm, hoa quả…
Đi chợ tết, tôi “đã” mắt với những rực rỡ màu sắc của bóng bay, quần áo, giầy dép... Khi đã mua đủ các vật dụng, thực phẩm cho mấy ngày Tết, mẹ kéo tôi đến hàng quần áo mua cho tôi một bộ quần áo. Nhưng điều đó cũng không hấp dẫn tôi bằng cuối buổi mẹ dẫn đến hàng phở gà, gọi cho tôi một tô đầy ụ. Mẹ không ăn mà nhìn tôi húp tới giọt nước lèo cuối cùng rồi mới rời chợ. Đó là một kỉ niệm, niềm vui hạnh phúc thời bé mà tôi nhớ mãi.
Vậy mà đã qua ba cái Tết rồi, không có mẹ ở bên tôi thấy trống trải vô cùng. Mâm cúng tổ tiên đêm giao thừa cho dù bố có khéo tay đến nhường nào nhưng tôi vẫn thấy có chút gì đó thiêu thiếu in đậm dấu nét rất riêng mà mẹ chế biến năm xưa. Đang ăn cỗ, nhỏ em lại òa khóc đòi mẹ làm bố và tôi phải ngừng đũa. Khi đó, dù muốn lắm, cũng không thể nào cầm máy bấm số gọi cho mẹ được vì nghẽn mạng. Ngoài kia mưa bụi đang lất phất bay, dưới hương thơm nhang khói lan tỏa mùa Xuân…
Những ngày đầu xuân mẹ đề điện thoại và gửi quà hỏi thăm về đều đặn. Chúng tôi không còn thiếu thốn như trước nữa. Thậm chí giờ đây, trên người anh em chúng tôi khoác những bộ đồ có giá trị gấp 4 đến 5 lần bộ đồ ở trong nước với chất liệu tương đương. Tụi bạn cứ trầm trồ khen lấy khen để, nhưng tôi vẫn không thể nào vui được.
Ba năm trôi qua, khi biết hợp đồng xuất khẩu lao động của mẹ sắp hết hạn bố con tôi khấp khởi vui mừng mơ ngày đoàn tụ. Chuẩn bị tới cái Tết thứ 4, khi những người cùng đợt đi với mẹ đã rạng ngời niềm vui trở về, còn mẹ thì không. Mẹ bảo mẹ đã gia hạn thêm ít năm nữa kiếm thêm chút tiền. Tết năm thứ 4 mẹ không điện thoại về nữa, những món quà và tiền cũng không thấy như thường lệ. Không còn ai biết một chút tin tức về mẹ.
Có người bảo mẹ đã lập gia đình bên đó và khuyên bố tôi đi thêm bước nữa. Nghe được những lời này tôi biết bố đau lòng lắm! Từng phút, từng giờ tôi và bố mong ngóng, đợi chờ trong vô vọng dù là một cuộc điện thoại ngắn ngủi để nghe giọng nói, biết tin tức về mẹ. Nhiều đêm trong mơ tôi vẫn thấy mẹ hiện diện cùng ba bố con tôi hiền hậu, chân chất như ngày nào…
Một mùa Xuân nữa lại về, nếu cho tôi một điều ước tôi chỉ mong Xuân này gia đình đoàn tụ. Mong lắm mùa Xuân ơi!
Cao Văn Quyền