Tết này còn ai sắm áo mới?

29/01/2022 - 06:19

PNO - Áo mới chỉ là cái cớ thôi, nhưng thiếu áo mới như thể tết chưa trọn vẹn. Nghĩ cảnh chiều 30 tết, cả nhà chộn rộn thử áo mới đã thấy vui.

 “Hôm nay mình sắm áo mới mặc tết nè. Mọi người sắm áo mới chưa?”, dòng tâm trạng của bạn tôi được nhiều người thả icon mặt cười, kèm comment “trời ơi, thời này là thời nào rồi còn sắm áo mới mặt tết?”. Nhưng rồi ai cũng ngậm ngùi, nhớ một thuở dại khờ, mừng quýnh khi tết đến được má sắm cho áo mới.

Lâu rồi, tết tôi cũng không sắm áo mới. Sắm áo cần gì đợi tết khi cuộc sống bây giờ quá đủ đầy. Lãnh lương là đi sắm áo. Vui vui, tôi tự thưởng mình cũng đi sắm áo. Công việc không suôn sẻ, để tự vực mình đứng lên tôi cũng sắm áo… Bọn trẻ nhà tôi quanh năm được mẹ mua cho áo mới nên tết đến, tụi nhỏ chẳng mong ngóng áo mới như mẹ nó ngày xưa.

Tết đã về rồi
Tết đã về rồi

Hồi nhỏ, má tôi làm gì có tiền để mua áo mới cho chị em tôi. Tiền gạo thóc, bánh mứt thịt thà, mừng tuổi ông bà… bấy nhiêu đủ để má méo mặt rầu lo. Cứ áo cũ đứa lớn thành áo mới đứa bé. Mà áo đứa lớn cũng do người này người kia cho. Mùi áo mới vẫn là niềm khao khát không khi nào với tới trong suốt tuổi thơ khó nghèo của chị em tôi.

Tôi nhớ lúc mới ra trường xin được việc làm, tết năm đó tôi dành tiền mua cho ba áo sơ mi, cho má áo bà ba bằng vải nhung để má mặc đi đám tiệc. Ba cười tủm tỉm không nói gì nhưng tôi biết ba vui. Má thì mắng yêu: “Dữ ác hông, nuôi con hai mươi mấy năm nó trả hiếu được chút xíu đã mừng quá trời quá đất”. Tôi biết ba má vui không hẳn vì có áo mới, mà vì tôi lớn khôn rồi, biết nghĩ, biết thương ba má. Mùi áo mới khiến tết năm đó nhà tôi thêm rộn ràng.

Bác Hai tôi có mỗi một con trai. Mười mấy tuổi anh đã tập hút thuốc, uống rượu, cá độ… Mấy công ruộng của bác phải bán lần hồi trả nợ cho anh. Ngoài 30 tuổi anh mới chịu đi học nghề sửa xe và về mở tiệm. Tết năm đó, anh mua áo mới cho bác Hai. Bác mừng tới chảy nước mắt, xách áo đi khoe khắp xóm, khoe thằng con trước giờ chỉ biết phá tiền, giờ đã kiếm được tiền.

Anh bạn nhà báo của tôi, ngậm ngùi kể rằng năm đó anh về ăn tết thật lâu với gia đình, mới có thời gian nhìn lại ba anh cặm cụi ngồi làm mộc với manh áo len đã cũ. Anh chảy nước mắt thương, thấy mình thật vô tâm. Anh chạy ào ra chợ mua cho ba chiếc áo len mới. Mùa Đông miền Bắc rất lạnh, áo phải dày để ba anh đủ ấm. Vậy rồi nhiều cái tết sau, vẫn thấy ba anh treo chiếc áo mới đó trong tủ. Ba cười hiền: "Áo đẹp quá ba không nỡ mặc, để dành đi đâu đó mới xỏ vào". Mãi tới ngày ba anh mất, chiếc áo vẫn còn mới nguyên khiến anh ngậm ngùi. Anh nghiệm ra tuổi nào cũng vui khi có áo mới, nhất là áo do con cái mua tặng. Vậy nên đừng tiếc tiền mua áo mới cho cha mẹ dẫu rằng họ sẽ rầy la, nhưng ánh mắt luôn hạnh phúc, bởi áo mới còn là lòng hiếu thuận của con cái.

Chộn rộn nâng lên đặt xuống đã thấy tết rộn trong lòng
Chộn rộn nâng lên đặt xuống đã thấy tết rộn trong lòng

Tôi có xem đoạn clip nhóm bạn trẻ mang áo mới lên vùng cao tặng trẻ em nghèo. Trong cái lạnh như cắt da thịt, nhiều trẻ phong phanh áo cộc, có em còn không có áo mặc. Được tặng áo mới, bọn trẻ nhảy nhót vui mừng, vuốt ve nếp áo, hít hà mùi áo thơm… Bọn trẻ cười, trong khi người lớn quay đi lau nước mắt. Áo mới mang thông điệp yêu thương, mang bao ước mơ và hy vọng để từ vùng khô cằn đó, bọn trẻ sẽ vươn về phía ánh sáng.

Nhiều bạn bè tôi đã mất người thân trong đại dịch COVID-19, bao dự định dang dở, những chuyện muốn làm cho nhau đã không còn cơ hội. Tết đến, những chiếc ghế trống trong buổi cơm chiều cuối năm hẳn sẽ làm lòng người thêm ngậm ngùi.

Chiều nay, tôi đi chọn mua áo mới cho người thân. Áo cho ba, cho má, anh chị Hai và cả mấy đứa cháu. Áo mới chỉ là cái cớ thôi, nhưng thiếu áo mới như thể tết chưa trọn vẹn. Cầm cái này, sờ cái kia, ngẫm ba mặc màu này hợp không, đứa cháu gái đã 30 tuổi, kiểu dáng này không biết nó có thích… Từ lúc nâng lên đặt xuống đó tết đã rộn ràng trong tôi. Nghĩ cảnh chiều 30 tết, cả nhà tíu tít thử áo mới đã thấy vui.

Nhớ năm ngoái, ba tôi nhìn con cháu chộn rộn, căn dặn: “Ráng làm sao để tết năm nào nhà mình cũng vui, cũng đủ đầy y vầy nghen bây”.

Vượt qua nỗi sợ hãi vì dịch COVID, vì những hoang hoải của tuổi tác và sức khỏe thì với ba má tôi, năm cùng tháng tận, nhìn con cháu sum vầy, xúm xít nói cười trong mùi áo mới thơm tho đã đủ vui, đủ tròn đầy. Một kiếp nhân sinh, chỉ cần vậy thôi bởi qua cơn dịch giã mới nghiệm ra bình an và sum vầy mới là thứ quý giá nhất của đời người.

                                                                                                                                                                                                                                                                   Thu Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI