Tết nay anh không thèm đi chơi

10/02/2021 - 09:45

PNO - Chúng ta đã đi qua một năm 2020 đầy gian khó, với tất cả niềm tin, cùng nhau, ta sẽ lại vượt qua mọi thứ.

 

Lễ hội chùa Hương năm nay sẽ không tổ chức. Nhiều lễ hội khác ở các tỉnh, thành cũng đã thông báo dừng để ngăn ngừa dịch bệnh
Lễ hội chùa Hương năm nay sẽ không tổ chức. Nhiều lễ hội khác ở các tỉnh, thành cũng đã thông báo dừng để ngăn ngừa dịch bệnh

Chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa là bước sang năm mới Tân Sửu, nhưng thay vì nơi nơi hân hoan chờ đón tết, rất nhiều người mang tâm trạng bất an. Bóng ma của đại dịch COVID-19 lởn vởn xung quanh khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa dừng lại và cơ quan chức năng khắp nơi vẫn đang khẩn trương xét nghiệm, truy vết, cố gắng khoanh vùng, cách ly hầu sớm khống chế được dịch bệnh.

Hàng loạt hoạt động kinh doanh, sự kiện văn hóa, thể thao... đã phải dừng lại. Mọi người được khuyên ở yên tại chỗ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Nhìn cảnh những bến tàu, bến xe, sân bay vắng lặng; hàng quán đóng cửa, chợ hoa đìu hiu... mấy ai tránh khỏi chạnh lòng.

Nhưng tất cả những điều đó đều cần thiết khi cho đến tận lúc này, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về chủng virus SARS-CoV-2, chưa có cách tận diệt và cũng chưa có vắc-xin để tiêm chủng che phủ cho mọi người.

Với 32 ca nhiễm, TPHCM phải phong tỏa gần 20 khu vực, cách ly hàng ngàn người. Nếu không ngăn những cuộc tụ tập, nếu không đảm bảo được quy định giãn cách, khẩu trang phòng vệ, chẳng ai dám tưởng tượng đến những hậu quả khủng khiếp sẽ giáng xuống chúng ta trong những ngày tới. Việc ngừng các dịch vụ không thiết yếu, hủy bỏ chương trình bắn pháo hoa, thu hẹp quy mô các hoạt động đón xuân đã lên kế hoạch tuy buồn, nhưng chắc chắn vẫn vui hơn là bị cách ly hay phải nằm trong phòng áp lực âm với máy thở gắn vào người.

Việc hàng loạt địa phương như Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình thông báo không tổ chức các lễ hội (thường kéo dài và quy tụ rất đông người) như Khai ấn đền Trần, gò Đống Đa, chùa Hương... chắc chắn sẽ khiến nhiều người buồn, nhất là ban tổ chức các lễ hội ấy và những bô lão khăn áo rực rỡ; nhưng “thà như thế, thà rằng như thế”, bởi nếu chẳng may dịch lan ra, chẳng ban tổ chức hay nhân vật nào gánh nổi, chẳng có cách chi đền bù.

Chúng ta đã đi qua một năm 2020 đầy gian khó, đã từng phải chịu cảnh ngồi yên trong lo sợ, phải hứng chịu những thiệt hại về kinh tế, đời sống... Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn lặp lại cảnh ấy. Thế thì bớt đi những lễ hội, dẹp đi vài cuộc vui hôm nay đâu phải chuyện to tát gì.

Như lời hẹn nhiều người từng trao nhau năm ngoái - sẽ gặp lại nhau khi hết dịch. Thiếu vắng các lễ hội, ngày xuân ắt sẽ bớt rộn ràng, nhưng ta vẫn có thể tìm niềm vui, sự bình an ngay ở bản thân ta. Đọc một cuốn sách, gọi điện cho người thân, chơi cờ cùng con... sẽ giúp ta đi qua mùa xuân ấm áp.

Các lễ hội được tổ chức là để nhân dân vui xuân, để cầu mong và ghi nhận cảnh quốc thái dân an. Nhưng đó là chuyện của những ngày xưa cũ. Hôm nay, khi cả nước đang căng mình chống dịch, tạm cất lễ hội là cách chính quyền chăm lo cho sự an nguy của người dân, cũng chính là để an dân.

Phạm Thành Nhân

(Tựa bài mượn từ một câu trong bài hát của nhạc sĩ Quốc Dũng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI