Tết năm sau, bố về

01/03/2015 - 14:54

PNO - PN - Hình ảnh bố đón Tết một mình với bao bộn bề lo toan ở đất Sài Gòn xa xôi chợt ùa về trong tâm trí tôi. Tôi nghe lòng mình quặn thắt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Gia đình tôi có năm người: bà ngoại, bố mẹ, tôi và em trai. Mỗi khi ai hỏi đến, bố đều nói như thế, mặc dù thật sự hình ảnh mẹ không hề hiện diện. Mẹ đã bỏ bà ngoại, bỏ bố con tôi từ khi tôi 3 tuổi và khi em tôi chỉ mới đầy tháng. Cho đến tận khi lớn lên, tôi mới hiểu được cái quan niệm “vô Sài Gòn kiếm sống” của đại đa số người dân quê tôi là nguyên do khiến mẹ tôi bỏ gia đình. Tôi không hiểu vì sao mẹ đi tận 15 năm không quay lại. Chính vì thế, tôi thương bố, thương luôn phần mẹ. Càng xa mẹ, tôi càng thương bố.

Tet nam sau, bo ve
 

Dù thế, hình ảnh mẹ chưa bao giờ xa xôi trong gia đình tôi. Những cuộc trò chuyện của bố con tôi, luôn có hình bóng mẹ. Nào là mẹ tôi ngày xưa kiêu lắm, bố cưa suốt hai năm mới đổ. Nào là khi có thai tôi, mẹ chỉ thích uống cà phê đen. Nào là trước ngày vô Sài Gòn, mẹ dặn bố phải dạy dỗ tôi cẩn thận. Những lúc như thế, bố chỉ cười rồi bảo: Mày ráng đậu đại học, mai mốt vô đó ở chung với mẹ mày.

Rồi thì cũng đến ngày bố tôi “vô Sài Gòn kiếm sống”. Bố nói bố đi vì miếng cơm manh áo, vì tiền cho tôi học đại học, cho em tôi học cấp ba, cho bà ngoại tôi chữa bệnh, nhưng thực chất tôi biết, bố còn một lý do khác nữa. Bố muốn tìm mẹ. Bố muốn hai chị em tôi được gọi tiếng mẹ mà 15 năm rồi không được gọi. Ngày quẩy ba lô lên tàu, bố chỉ nói với tôi: “Tết năm sau, gia đình mình sẽ đầy đủ năm người”.

Những ngày cận Tết, miền Trung vẫn nắng, trời đôi lúc se lạnh vào buổi sáng sớm. Hoa Tết, hàng hóa Tết đã chật ních trên các nẻo đường. Ở các bến xe, dòng người tha hương cũng từ từ đổ về quê. Những ngày như thế, người ta chỉ thường mơ về một cái Tết đoàn viên bên gia đình. Tôi vẫn thường nhìn trân trân dòng chữ “Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên” trên tấm bảng hiệu quảng cáo của một hãng dầu ăn mà lòng nao nao. Không biết giờ này bố đã nghỉ việc chưa? Trời Sài Gòn những ngày này có lạnh không? Bố có mặc đủ ấm không? Bao giờ bố về đón Tết cùng gia đình?

Tet nam sau, bo ve
 

Tôi điện thoại cho bố vào chiều 29 Tết. Bố bảo năm nay không về. Bố nói tiền về xe cộng với tiền làm thêm dịp Tết của bố đủ để sang năm tôi vào Sài Gòn thi đại học và em tôi lên cấp ba. Câu nói “Về tốn kém lắm con gái, ở lại bố sẽ kiếm đủ tiền cho con sắp tới thi đại học. Tết năm sau, bố về” của bố, khiến lòng tôi thắt nghẹn. Hai năm liền, bố tôi đón Tết xa quê. Năm nay, lại chỉ mình bố đón Tết cùng bạn bè trong phòng trọ. Cái Tết của những kẻ tha hương với biết bao lo toan, trăn trở.

Chiều nay ngồi lặt rau với ngoại, ngoại chợt buông câu: “Bố mày cực cả đời rồi”. Em trai tôi từ ngoài chạy vào cũng nói: “Phải chi bố về ha chị, thấy bố thằng Bé đèo nó đi mua áo mới mà em thích quá.” Dù đã cố gắng tươi tỉnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn đau đáu. Tôi biết, ngoại và em tôi chỉ mong bố về để sưởi ấm gia đình.

Suốt 2 năm liền vào Nam, bố không nhắc gì đến mẹ trong những lần điện thoại về. Có thể bố đã gặp mẹ. Có thể là chưa. Tôi cũng không nhắc gì về mẹ với bố. Tôi tin vào duyên phận. Nếu như có duyên, gia đình tôi sẽ đầy đủ năm người. Còn không duyên, gia đình tôi vẫn đầy đủ năm người. Bởi vì, bố đã yêu thương gia đình tôi, thương thay phần mẹ thì gia đình tôi cũng sẽ yêu thương bố, thương thay phần mẹ.

AN MIÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI