"Tết mau hết quá chừng"

02/02/2025 - 12:11

PNO - Ba ngó mông lung ra sân trước, thở dài: "Tết mau hết quá bây". Má thì lo gói mấy hũ dưa kiệu để mấy chị em mang đi. Má cũng thở dài...

Cây nêu rực rở ở sân nhà ngày tết (ảnh Đức Phương)
Cây nêu và mai giả rực rỡ sân nhà ngày tết - Ảnh: Đức Phương

Năm nào cũng vậy, chiều 30 tết là chị em tôi tụ họp đầy đủ ở nhà ba má. Anh rể thứ hai cùng thằng Út xắn tay khiêng mấy chậu mai bày bên thềm nhà. Tôi và em dâu thì lo chà rửa cái sân rêu cho sáng đẹp. Ba tôi chặt cây tre ngoài đồng mang về để dựng cây nêu. Nhìn cây nêu ngạo nghễ trong gió, trong tiếng lục lạc lắc cắc reo vui, ba tôi thở phào mãn nguyện: “Nhà mình giống tết rồi đó”.

Giống tết còn có mùi thịt kho tàu thơm lừng, mùi mứt dừa mứt chuối ngọt lịm bay ra từ căn bếp của má. Giống tết từ mấy đòn bánh tét má treo trên sào, từ mấy hũ dưa kiệu dưa cải má xếp hàng trên kệ. Mọi thứ toả ra mùi tết, mùi ngon lành, mùi của no đủ và sum vầy.

Má tôi lấy bánh mứt ra phân phát cho mấy đứa cháu nội ngoại. Tụi nhỏ sà vào ôm cổ bà. Cu Bin, con trai tôi hỏi ngoại: “Tết này có tát đìa không ngoại? Ngoại có làm món cá lóc nướng trui không?”.

Bé Thóc, con thằng Út cũng ngọng nghịu hỏi bà: “Ngoài vườn có quýt chín không nội?”. Má tôi dỗ dành đứa này, sờ nắn đứa kia, miệng cười xệch tận mang tai. Có lẽ với má, vầy mới giống tết.

Rồi mới chiều Mùng Ba, ba đã ngó mông lung ra sân trước, thở dài: “Tết gì mau hết quá bây!”. Má thì bắt đầu gói ghém mấy hũ dưa kiệu dưa gừng, vô hộp mấy thứ mứt dừa mứt chuối để chị em tôi mang đi. Má cũng thở dài: “Mấy chị em bây mới về cái sạc, giờ lại sắp đi rồi”. Chị em tôi ngó nhau, rồi quay nhìn ba má, không biết an ủi câu gì. Nhà rồi sẽ vắng vẻ, sẽ không còn tiếng nói cười chộn rộn, chỉ còn hai người già ra vào ngó nhau với nỗi hụt hẫng buồn tênh.

Sáng Mùng Bốn tết, thằng Út đứng chống nạnh ngó ra sân, nửa muốn dẹp mấy chậu mai, nửa muốn để nguyên đó. Ba biết ý thằng Út, nên can: “Để mấy chậu mai đó cho ba. Mùng Bảy hạ nêu ba dẹp”. Thằng Út căn dặn: “Ba có làm thì gọi anh Bình hàng xóm qua phụ, đừng làm một mình”.

Chiều Mùng Bốn tết, đám con cháu lục tục rời đi. Ba má xách lủ khủ giỏ to giỏ nhỏ, ém đầy một xe cho các con. Xe chạy rồi, ngoái nhìn ba má đứng lại bên đường ngóng theo, chị em tôi không khỏi ngậm ngùi.

“Tụi nó đi hết rồi, chỉ còn tui với bà. Vậy là hết tết!”. – Câu nói của ba rớt lại sau đám bụi mù, nghe nghèn nghẹn như thể sắp khóc, khiến không khí trong xe lặng lẽ theo. “Tội nghiệp ông bà ngoại quá hà. Nhà mình đi rồi chắc ông bà ngoại buồn dữ lắm” – Câu nói của cu Bin khiến nước mắt tôi cố ngăn giữ nãy giờ đã bật ra, rơi ướt má.

Xe đi nửa đường, điện thoại tôi reo. Giọng má lo lắng: “Mấy đứa đi tới đâu rồi? Có kẹt xe không con? Về tới nhà nhớ gọi cho ba má”. Tôi hình dung cảnh ba má ngồi cạnh chiếc điện thoại, chờ tin báo bình an từ các con, bỗng thấy thương quá chừng.

Xe tới nhà tôi đầu tiên, rồi tới nhà chị Hai. Còn vợ chồng thằng Út 21 giờ mới về tới nhà. Má nói giờ ba má mới đi ngủ, hết lo rồi!

Mùng Năm tết, tôi gọi video call về nhà, thấy ba đang loay hoay bỏ bọc mấy chậu bông giả để cất vô tủ. Má thì lau chùi mấy bộ ly tách để xếp cất. Má than bằng câu nói cũ: “Tết gì mau hết quá bây. Mới chộn rộn con cháu đầy nhà, giờ vắng tanh vắng ngắt, rầu thúi ruột”. Tôi bỗng ngậm ngùi theo. Người già sợ nhất là cô đơn, sợ vắng tiếng nói cười của con cháu sau những lúc sum vầy.

Tôi bàn với chị Hai và thằng Út, năm sau nhất định không về một lượt rồi kéo nhau đi một lượt. Phải cố nán lại ở cạnh ba má lâu hơn, rồi từng nhà lần lượt rời đi để ba má đỡ hụt hẫng. Dẫu biết con cháu trước sau gì cũng rời đi, tết trước sau gì cũng hết, nhưng sự “hết” của người già thấy thương vô cùng. Bởi nỗi cô đơn và trống vắng của người già mênh mông hơn người trẻ. Hiểu vậy để cố gắng lắp đầy những chông chênh của mẹ cha.

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI