Tết mắc kẹt ở Sài Gòn

16/02/2021 - 11:12

PNO - Tôi không nghĩ mình bị “mắc kẹt” ở Sài Gòn và có một cái tết xa nhà đặc biệt đến thế. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi ăn tết Sài Gòn.

25 tháng Chạp, tôi nhận tin anh trai bị cấp cứu tim, phải phẫu thuật. Vì lớn tuổi, lại phát hiện thêm nhiều bệnh nền nên tinh thần anh rất bi quan. Sáng sớm em gái nhắn tôi nên từ Nha Trang vào TPHCM để động viên tinh thần anh.

Tôi sắp xếp nhanh việc gia đình, lên một danh sách dặn dò chồng chuẩn bị tết thế nào, cần mua thêm những thứ gì, mua ở đâu… vì hai con tôi sẽ từ Sài Gòn về Nha Trang ăn tết.

Và tôi đã có mặt ở Sài Gòn ngay ngày hôm đó. Tôi nghĩ sự có mặt của em gái khiến anh yên tâm.

Thấy tôi, tuy vẫn còn mệt và chuẩn bị cho một ca mổ thứ hai, nhưng anh tôi vui lắm. Những ngày ra vô bệnh viện thăm nom anh, nên tôi không chú ý thời gian đã cận tết.

Sài Gòn im lìm giữa tết mùa dịch - Ảnh: Thanh Niên
Sài Gòn im lìm giữa tết mùa dịch - Ảnh: Thanh Niên

Các con tôi đã mua vé máy bay cho kỳ nghỉ tết rồi, tôi đã chuẩn bị tâm lý ăn tết một mình ở Sài Gòn, mọi điều sẽ rất đơn giản. Vậy mà đùng một cái, những tin tức về dịch COVID-19 được thông báo rộng rãi, bắt đầu từ ca lây nhiễm của nhân viên bộ phận vận chuyển hàng hóa ở Tân Sơn Nhất. 

Con trai tôi mua vé về Nha Trang trước thời gian thành phố dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí…, các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên... để phòng chống dịch lây lan… nên cháu về nhà trước.

Con gái tôi quyết định hủy vé máy bay vì hai lý do: hạn chế di chuyển nhiều nơi trong thời gian dịch bệnh và ở lại ăn tết cùng mẹ cho vui!

Vậy là tôi lại bắt đầu quy trình mua sắm tết như đã làm ở Nha Trang những ngày trước. Một người ăn tết thế nào cũng được, nhưng đã có hai người thì mọi thứ phải tươm tất, cũng hoa, mứt, bánh chưng, củ kiệu, dưa món… Tôi nhắn về Nha Trang cho chồng, nhờ anh gửi vào mấy bộ áo dài tôi mới mua và các “phụ kiện” kèm theo.

Thú thật, việc này còn vất vả hơn mua sắm tết vì cho dù đã viết qua Zalo lấy những cái áo nào, nhưng cả một tủ áo dài, chồng tôi thật lúng túng. Cuối cùng cũng xong, tôi thở phào khi có áo dài mới diện tết.

Rồi anh tôi qua cuộc phẫu thật an toàn, tuy nhiên bệnh viện lại có những quy định gắt gao về thăm bệnh vì dịch COVID-19, nên rốt cục tôi quá rảnh rang. 

Tôi lại nghĩ nhanh trong đầu những việc cần làm trong thời gian thong thả này. Lướt mạng tìm những điểm cần đến tham quan cho biết như: chợ hoa ở bến Bình Đông, các điểm bán hoa tết, những đường hoa cảm giác an toàn. Và tôi đã có được một album hình tết thật phong phú ở Sài Gòn khi cùng em gái chạy xe một vòng thành phố ngày 28 tết. Bức tranh mùa tết COVID-19 vừa vắng vẻ, vừa chộn rộn, vừa lo âu, hồi hộp.

Chiều 30, tôi đón chuyến xe buýt số 20 từ quận 7 ra Sài Gòn, là tuyến xe buýt duy nhất cuối cùng còn lưu thông trong thành phố. Mục đích để tận hưởng cảm giác “lang thang xe buýt” ngày cuối năm, ngồi lại bên hang đá Đức Mẹ nhà thờ Huyện Sĩ cầu nguyện cho gia đình bình an, sức khỏe, cho dịch bệnh mau chóng qua đi mọi thứ trở lại bình thường.

Với tôi đây là một cảm giác rất tuyệt vời khi thấy mình trong tâm trạng thật nhàn nhã của chiều cuối năm ở một nơi không phải quê nhà, ngắm nhìn thành phố thưa vắng mọi thứ chuyển động thật chậm.

Trên chuyến xe buýt cuối cùng chiều hôm ấy chỉ vài ba người, ai nấy đều lặng lẽ. Tôi không hiểu tâm trạng họ thế nào, mục đích chuyến đi của họ ra sao, nhưng với tôi thật sự là thư giãn và tận hưởng cuộc sống, suy nghĩ về dòng chảy của thời gian sau một năm loài người bị chao đảo bởi con virus vô hình, bao nhiêu mất mát, tổn thất, buồn vui, lo âu, hạnh phúc.

Tuy nhiên, tôi không thể không buồn khi nghĩ đến giờ này ở quê nhà có những gì. Năm nay tôi không tham dự thánh lễ cầu cho ông bà cha mẹ ở nghĩa trang giáo xứ vào mùng Hai, những chợ hoa tết quê tôi thế nào, những chầu cà phê với bạn học cũ, những cuộc hẹn đầu năm mới đi chụp hình…

Khi theo dõi hình ảnh các bạn ở quê nhà post lên Facebook chiều 30, tôi buồn muốn khóc. Cảm giác tết xa quê ùa về, thấu hiểu cụm từ “xuân tha hương” mà bạn bè ở nước ngoài thường than thở mỗi khi xuân về, tết đến. Tết mà không có quê để về buồn lắm!

Chiều Sài Gòn, nhìn cảnh xuân tha hương, tôi rơi nước mắt nhớ nhà - Ảnh: Thanh niên
Chiều Sài Gòn, ngẫm cảnh xuân tha hương, tôi muốn khóc vì nhớ nhà - Ảnh: Thanh Niên

Ai cũng mong làm cả năm để được về tết, ngồi bên ông bà cha mẹ, nói lời yêu thương, ngửi mùi hương đất, nghe tiếng lá hát xôn xao mà ấm lòng biết bao. Với tôi, cho dù có nhà, có con gái bên cạnh, nhưng đây là một cái tết quá lạ lùng lần đầu tiên trải nghiệm.

Nghĩ như một cách an ủi cho mình, thì đó cũng là dữ liệu làm phong phú cuộc sống. Hãy tận hưởng cuộc đời vì mọi thứ sẽ qua rất nhanh, những ngày tết rồi cũng sẽ lùi vào quá khứ và con người lại tất bật cuộc mưu sinh.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI