Sáng nay đi làm, tiết trời se lạnh, dừng đèn đỏ ngã tư, bên hiên một ngôi nhà, tôi thấy bà mẹ già mang mâm chuối ép ra phơi. Bà nâng niu sửa từng miếng chuối, chăm chút để tết đến làm thành món ngon cho lũ cháu con… Có thể đó là bà mẹ có tính tằn tiện, như má tôi, thấy chuối nhà chín rục không ai ăn, tiện thể ép đem phơi.
Giữa phố thị, mâm chuối bên đường trông thật lẻ loi, nhưng đủ làm bâng khuâng người qua đường, chạnh nhớ một miền quê vào tháng Chạp, nhớ những chuối, củ kiệu, mứt dừa… nằm ngóng nắng, ngóng mùa vui, mùa sum vầy…
Thuở nhỏ tôi ở quê, tháng Chạp là mùa làm nức lòng con trẻ. Má loay hoay ép chuối đem phơi, rồi thì lột vỏ me, cạy dừa, gọt bí đao… Trên giàn, lủ khủ món ngon chờ tết. Với đám trẻ nít, chẳng cần chờ đến tết, chuối vừa ráo nắng, mứt dừa chưa kịp khô… đã nhón chân bốc mấy miếng giấu vào vạt áo, mang ra hè chia nhau. Nhỏ em tôi còn cười hi ha, nói “ăn vụng ngon thiệt hen Hai”…
|
Ảnh mang tính minh họa. Internet |
Hồi nhỏ, tôi ngán nhất là bị má bắt tách vỏ me, ép chuối. Vừa làm, tôi vừa ngóng ra đường, đợi bạn ngoắt là viện cớ bận học nhóm, phóng đi chơi. Má lắc đầu trông theo, rầu rĩ: “Con gái gì mà không lo tập tành bếp núc, về nhà chồng rồi biết, má chồng chửi cho tắt bếp”. Tôi cười khì vào nỗi lo của má. Với má, con gái sắp lấy chồng là phải biết kho thịt, trộn gỏi gà, hầm khổ qua, gói bánh tét bánh ít, làm các kiểu mứt… để tết đến khoe khéo với nhà chồng bằng nồi thịt kho đỏ au, khổ qua hầm xanh mượt, mâm cúng giao thừa đủ các món mứt dẻo thơm…
Hồi tôi sắp lấy chồng, cũng có chút hoang mang vì tài bếp núc dở, nên nhờ má dạy làm các món mứt, cách ngào chuối khô. Má tỉ mỉ dạy một ký chuối thì dùng 600 gam đường, thêm đu đủ, gừng, đậu phộng… Tôi vụng về nên chuối nhão nhoét, bở rẹt. Nhỏ em cười sằng sặc: “Nhìn chuối ngào Hai làm là… hết thèm ăn tết”. Tôi giở giọng chị Hai: “Giờ chẳng ai quan trọng mấy thứ này, cần thì ra siêu thị, thứ gì cũng có”.
Nhưng rồi Chạp về, chẳng còn tíu tít ép chuối, cạy dừa, gói bánh… tôi bỗng thấy không khí tết dường như không trọn vẹn.
Mấy năm nay má yếu nhiều, chị em tôi không cho má động tay vào việc. Giữa tháng Chạp, tôi mua về lủ khủ hộp mứt, trái cây sấy, cả củ kiệu, dưa món… Má nhấc lên nhấc xuống, săm soi từng thứ, rồi thở dài, than: “Tết giờ đủ đầy mà sao hổng giống tết. Mấy thứ này nhìn bắt mắt vậy chớ có ngon gì đâu, tẩm ướp đủ thứ hóa chất, ăn vào rước bệnh vô người…”. Tôi biết, ngoài nỗi lo thức ăn không sạch, má còn lo đám cháu con bỏ quên nếp nhà, quên mùi vị tết xưa, quên cả những phong tục lễ nghi ngày tết…
Tết đến, chị em tôi đứa về nhà chồng, đứa du lịch xa. Ngày tết mà thiếu con cháu sum vầy, cái tổ rỗng của má còn gì là vui…
Tháng Chạp năm ngoái, tôi rủ nhỏ em về nhà, bày ra làm mứt dừa, ngào chuối khô, gói bánh tét… Má ngồi trên ghế làm tổng chỉ huy. Má dặn nếp gói bánh phải ngâm với lá dứa cho thơm, dừa làm mứt không được non quá, cũng không quá già, chuối phải lựa thứ phơi được nắng… Tôi và em gái, em dâu, băm băm xắt xắt, xào xào nấu nấu… Lũ trẻ được thưởng món mứt nóng hổi vừa nhấc từ bếp xuống, xuýt xoa vừa thổi vừa ăn.
Cu Bin, con tôi, chạy lại ôm cổ bà ngoại: “Chừng nào con về Sài Gòn, ngoại cho con hũ mứt bự nghen”. Má tôi cười rạng rỡ. Nhìn má cười, tôi nghe mắt mình cay. Với má, vậy mới là tết…
Hôm qua, mấy chị làm cùng phòng hỏi tôi tết này đi chơi đâu, tôi cười, tết là phải về với má chớ đi đâu, vì chỉ có về với má mới là tết. Mùa sum vầy mà thiếu con cháu tội má lắm. Mà, mùa xuân của má còn được mấy lần nữa đâu…
Má dặn nếp gói bánh phải ngâm với lá dứa cho thơm, dừa làm mứt không được non quá, cũng không quá già, chuối phải lựa thứ phơi được nắng… Tôi và em gái, em dâu, băm băm xắt xắt, xào xào nấu nấu… Lũ trẻ được thưởng món mứt nóng hổi vừa nhấc từ bếp xuống, xuýt xoa vừa thổi vừa ăn.
Thuỳ Gương