Tết là để vui

26/01/2019 - 06:00

PNO - Tết là để cùng con tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc, hà cớ gì cho con thấy sự lo âu, mệt mỏi? Mà không chỉ có tết, tôi sẽ cùng con cảm nhận niềm vui trong cuộc đời một cách đơn giản nhất.

Đi làm về, tôi nghe con gái hơn hai tuổi của mình với cái giọng chưa tròn vành rõ chữ, hát líu lo “tết tết tết tết đến rồi”. Thấy con được bà ngoại diện cho bộ áo dài, tung tăng chạy nhảy, chợt ngẩn người… tết của mình đã về trong câu hát của con.

Hai mươi mấy năm trước, khi tôi ở tuổi con, tết của tôi như bà tiên, ông bụt, như những gì huyền bí nhất mà tuổi thơ tôi có thể nghĩ đến và mong đợi.

Tết của tôi lúc ấy là tấm áo mới ba mẹ đi chợ huyện mua cho để con xúng xính mặc đầu năm. Hồi ấy, gia đình tôi nghèo lắm. Có năm, ba mẹ không đủ tiền mua cho tôi bộ quần áo mới. Ngày đầu năm, ba bế tôi trong nước mắt, còn tôi vẫn vô tư cười, hát véo von. Chỉ đến khi lớn lên, nghe kể lại, mới thấy xót xa, thương ba mẹ quá đỗi. 

Tet  la de vui
Ảnh minh hoạ

Tết là nồi bánh tét của ông bà ngoại, mấy đứa cháu quây quần thổi lửa rồi ngủ lăn quay. Sáng hôm sau đã thấy bánh chín, cùng nhau tìm những chiếc bánh tét tí hon mà ông bà, cậu mợ đã gói riêng cho cháu.

Tết là những bao lì xì, là con heo đất được nâng niu, là hũ dưa món mẹ làm, là chiếc bánh ít nhân dừa, nhân đậu thơm lừng và vị ngọt còn đọng mãi trên đầu lưỡi. Tết của tôi còn là niềm háo hức đón mấy đứa em con cô chú ở xa về. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng nức nở khóc mỗi khi hết tết, các em lại rời quê. 

Rồi tôi lớn lên, lấy chồng, sinh con. Tết không còn huyền bí nữa mà đôi khi nặng trĩu những lo âu. Tết này mua gì cho hai bên nội ngoại? Tết này sửa soạn gì để cúng ông Công, ông Táo, tất niên? Tết này mua cho con, cho cháu cái gì? Tết này không biết chồng có trực ở đơn vị không hay được về nhà ăn tết? Bao nhiêu “cái gì”, “làm thế nào” quấn lấy chân. Tuổi thơ xa dần, những ngây thơ xa dần, niềm vui ngày tết cũng xa dần. Không phải vì tết nay đã nhạt, mà vì vai trò của tôi giờ đã khác. Khi đã nhuốm những bộn bề lo âu, khó có thể cảm nhận trọn vẹn niềm vui. Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết những ngày tôi còn bé, ba mẹ có lo âu như tôi lúc này, mỗi khi tết đến...

Hôm nay, nhìn con gái nhún nhảy trong bộ áo dài, hát vang khúc ca rộn ràng ngày tết với khuôn mặt bừng sáng, vô tư, tôi chợt thấy như tết ngày xưa của mình trở về trước mặt. Những nỗi lo cũng nhẹ tênh như bong bóng xà phòng.

Tôi tự nhủ sẽ dành thời gian cùng con gái gói bánh tét tí hon, để con được cùng mẹ nấu bánh và xách tòng teng như tôi ngày xưa. Tôi sẽ cùng con lau chùi bàn ghế, dọn nhà. Dù bàn tay bé bỏng chắc sẽ làm hỏng nhiều hơn làm được nhưng hai mẹ con sẽ có những giây phút vui vẻ bên nhau. Tôi sẽ bật những bản nhạc xuân và mời con cùng nhảy, để niềm vui của con bừng lên thêm trong mắt.

Tet  la de vui
Tết là nồi bánh tét của ngoại... (Ảnh minh hoạ)

Tôi sẽ chuẩn bị những món quà nhỏ và rủ con đi thăm các bạn ở mái ấm trẻ em đường phố, để con biết chia sẻ. Tôi sẽ lì xì cho mình và con những cuốn sách hay về tết và cuộc sống. 

Tôi sẽ dắt con đi chợ hoa để xem muôn hoa rực rỡ và cùng con cảm nhận sự nhộn nhịp của phố phường. 

Nhiều người thường than thở rằng tết nhạt, tết mệt. Cũng phải thôi, bởi khi qua cánh cổng tuổi thơ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi trong đời, gồm cả những cảm nhận về tết. Nhưng tôi tin, với những đứa trẻ, niềm vui tết của chúng vẫn như ta ngày xưa, hồn nhiên, vô lo. Trong dòng chảy hối hả và bộn bề của cuộc sống, tôi đã học được cách tối giản những nhu cầu và bằng lòng với hiện tại. 

Tết là để đoàn viên, để nạp năng lượng cho năm mới, hà cớ phải đọa đày mình trong tầng tầng lớp lớp nhiêu khê? Tết là để cùng con tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc, hà cớ gì cho con thấy sự lo âu, mệt mỏi? Mà không chỉ có tết, tôi sẽ cùng con cảm nhận niềm vui trong cuộc đời một cách đơn giản nhất. 

Cao Hải Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI