Tết là để trở về đoàn viên, quây quần

15/02/2018 - 06:00

PNO - Với những người trẻ, tết ngày càng trở thành một khái niệm “cũ”. Không ít bạn trẻ xem đây là dịp nghỉ dài ngày để thỏa thích đi du lịch, thăm thú đó đây, thay vì về nhà đoàn tụ với gia đình.

Thậm chí, có những gia đình trẻ còn cảm thấy “ngán ngẩm” khi phải về quê ăn tết. Thế nhưng, không phải cặp vợ chồng trẻ nào cũng sợ tết hay trốn tránh việc về quê, về nhà đoàn viên với ông bà, cha mẹ, họ hàng, làng xóm. 

Sống và làm việc ở Biên Hòa, Đồng Nai suốt nhiều năm nay, mảnh đất trù phú này đã được vợ chồng chị Huyền Quy xem như quê hương thứ hai của mình. Thế nhưng, cứ mỗi dịp tết đến, vợ chồng chị lại háo hức lên kế hoạch về Thanh Hóa đón tết. Đây cũng là khoảng thời gian mà anh chị mong đợi nhất trong năm. Hai vợ chồng cùng cân nhắc thời gian, tiền bạc, đặt vé tàu xe, sắm sửa quần áo rét, chuẩn bị quà biếu gia đình hai bên nội, ngoại, rồi cùng nhau lên đường về quê.

Tet la de tro ve doan vien, quay quan
Gia đình chị Huyền Quy (Biên Hòa - Đồng Nai) chọn cách đi du lịch vào ngày thường và về quê đón Tết cùng hai bên nội ngoại, năm nào cũng vậy (ảnh nhân vật cung cấp).

Chị chia sẻ: “Với chúng tôi, tết mang một giá trị tinh thần vô cùng to lớn, bởi đó là khoảng thời gian thiêng liêng giúp cho mình và các con hướng về nguồn cội. Còn gì ấm lòng hơn khi ngày xuân những đứa con xa nhà được về với quê hương nguồn cội, có ông bà, cha mẹ, anh em, xóm giềng, được sống trong “nếp nhà” mang truyền thống, phong tục tập quán của cha ông.

Ông bà tuổi đã cao, cả năm cũng chỉ mong mỏi đến dịp này để được bên con cháu. Mỗi người một việc, vợ nấu nướng bày biện, chồng dọn dẹp trong ngoài, cứ thế, trong nhà, ngoài sân, dưới bếp luôn rộn rã tiếng nói cười. Rồi cả gia đình lại cùng nhau đi chúc tết họ hàng, làng xóm. Hạnh phúc ấy, với chúng tôi, chẳng điều gì sánh được! Thế nên, suốt bao năm qua, gia đình tôi luôn đón tết truyền thống bên đại gia đình chứ không bao giờ đi du lịch vào những ngày này”. 

Cũng có cùng quan điểm với chị Huyền Quy, đôi vợ chồng trẻ Thanh Hiếu – Thanh Ngọc (hiện sống tại Thủ Đức, TP. HCM) luôn chọn cách về nhà quây quần với gia đình hai bên nội ngoại trong những ngày tết cổ truyền. Thanh Hiếu cho biết, ngày thường vợ chồng anh rất mê du lịch, hễ có thời gian rảnh rỗi là lại rủ nhau lên đường đi đây đó. Thế nhưng, cứ mỗi khi tết đến, cặp đôi lại nôn nao thu xếp công việc thật nhanh để về quê.

Tet la de tro ve doan vien, quay quan
Vợ chồng Thanh Hiếu - Thanh Ngọc (Thủ Đức - TP. HCM) cũng luôn vể quê đón tết bên gia đình dù rất mê du lịch (ảnh nhân vật cung cấp).

Hiếu bảo, anh rất thích tết vì đó là lúc được về nhà với ba mẹ, có thời gian thăm hỏi ông bà, cô dì chú bác sau cả một năm dài bận rộn với công việc ở một vùng đất khác. Hơn nữa, không khí rộn ràng của mùa xuân, sắc hoa tươi thắm của đào mai, hương vị nồng nàn của bánh mứt ngày tết cũng chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn khi quây quần bên gia đình. Với Hiếu, đó là “quãng nghỉ” đầy ý nghĩa để “nạp” lại năng lượng cho một năm mới làm việc thật hăng say. 

Cũng chọn cách về quê đón tết với bố mẹ và họ hàng làng xóm là cặp vợ chồng trẻ Hà Trang – Khánh Huy. Tổ ấm nhỏ của Trang và Huy ở Hà Nội, còn bố mẹ hai bên ở Bắc Ninh. Quê nhà khá gần và giao thông thuận lợi nên hai vợ chồng Trang cũng thường tranh thủ về thăm hai bên nội ngoại mỗi khi thu xếp được thời gian. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Trang và Huy coi nhẹ việc đoàn tụ với đại gia đình vào những ngày đầu xuân năm mới.

Tet la de tro ve doan vien, quay quan
Gia đình Hà Trang - Khánh Huy (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng luôn về quê để tận hưởng kỳ nghỉ tết Nguyên đán cùng gia đình (ảnh nhân vật cung cấp).

Trang chia sẻ: “Với tôi, việc cả nhà quây quần, tụ họp vào ngày tết cũng là một niềm vui truyền thống rất ý nghĩa, còn việc du lịch đó đây hoàn toàn có thể thu xếp để thực hiện vào những dịp khác. Chúng tôi xem tết là dịp để sum vầy nhưng cũng là lúc nghỉ ngơi, vui vẻ chứ không đặt nặng các thủ tục và cũng không cần cầu toàn quá trong việc chuẩn bị, bởi điều đó dễ gây mệt mỏi và áp lực cho mình và mọi người”.

Tet la de tro ve doan vien, quay quan
Mâm cỗ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp được Trang tự tay chuẩn bị dù rất bận rộn với công việc cuối năm ở cơ quan (ảnh nhân vật cung cấp).

Dù bận rộn với công việc cuối năm ở một ngân hàng lớn, Trang vẫn tự tay chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Táo tươm tất vào ngày 23 tháng Chạp. Ngay sau khi hoàn tất mọi công việc, hai vợ chồng trẻ sẽ cùng nhau xắn tay dọn dẹp nhà cửa gọn gàng rồi cùng nhau lên đường về quê đón tết bên người thân để cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa của “tết đoàn viên”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI