Tết lạ

17/02/2021 - 06:30

PNO - Thường là, bằng cách nào đó, tôi cũng có một chiếc bánh chưng. Tôi đặt lịch mời gia đình em chồng từ sớm rồi sửa soạn một mâm cơm Việt để cả nhà vui Tết.

 

Xa quê đã mấy năm, chưa bao giờ tôi thấy mình hững hờ với tết như thế.  Nhớ lại những năm đầu qua Pháp, cứ mỗi lần tết đến, là tôi lại bồn chồn từ sớm. Ngoài cái lịch “bất thành văn”, cứ cách một năm, tôi lại cuốn gói về quê ăn tết với gia đình, những năm còn lại, thể nào tôi cũng ngâm vài hũ dưa món. Rồi thì bằng cách nào đó, tôi cũng có một chiếc bánh chưng. Tôi đặt lịch mời gia đình em chồng từ sớm rồi sửa soạn một mâm cơm Việt để cả nhà vui Tết.

Mâm
Mâm cơm tết Việt trên đất Pháp

Đó vừa là dịp sum họp gia đình, vừa là lúc tôi giới thiệu một nét văn hóa quê mình đến gia đình bên này. Tuy không tưng bừng, rộn rã như cách Má và các chị tôi bên nhà vẫn tổ chức, tôi tự hài lòng khi gian bếp ngày tết của mình cũng phảng phất mùi chả giò chiên, mùi thịt kho tàu “thần thánh” như bếp Má. Rồi mùng Một tết, thể nào anh bạn chung nhà cũng đưa tôi đến chùa viếng Phật. Sau nữa, chúng tôi vui tết với đồng bào gốc Việt ở Geneva - Thụy Sĩ.

Tết tha hương, với tôi, chỉ cần như vậy là ấm cúng, đủ đầy...

Nhưng năm nay, lần đầu tiên, tết tha hương của tôi đã không còn giữ được cái nếp đó. Giai đoạn này, nước Pháp không phong toả vì dịch bệnh nhưng ai cũng tự hạn chế tiếp xúc, tránh gặp gỡ đông người. Thành ra, kế hoạch mời gia đình nhà chồng hay hội họp chị em bạn bè đều phá sản.

Hạn chế lui tới những không gian khép kín, tôi cũng không đi chợ châu Á tương đối xa nhà để mua sắm thực phẩm tết Việt, để còn được thấy hàng hóa tết, không khí chợ tết... Mà, như một người anh bên Mỹ nói với tôi, tết hay Noel cũng là một kiểu “hiệu ứng đám đông”. Tết có vui là bởi nhà nhà, người người cùng rộn ràng đón tết. Còn ở ngôi làng nhỏ khá thuần Pháp này, chỉ có hai người Việt, đâu có không khí tết...

Rể ngoại
Chú "rể ngoại" gói bánh chưng mừng tết Việt

Thành ra, niềm háo hức trong tôi với tết cũng nguôi hẳn. Điều này thực sự lạ lẫm với chính tôi, cái đứa từ nhỏ đến giờ rất mê tết. Bởi, tết trong tôi là cả một bầu trời ký ức tuổi thơ đầy thương nhớ; là dịp vui rộn rã khi đại gia đình họ hàng, đã thành truyền thống, quy tụ về nhà tôi sum họp.

Tôi thấy lạ lẫm với chính mình của cái năm đầu tiên thực sự xa vắng tết, xa vắng tự trong tâm... Trong khi nhiều người Việt tha hương cồn cào buồn nhớ quê hương đến rơi nước mắt, tôi dù ở đâu, vẫn chưa bao giờ cảm thấy xa quê để mà phải nhớ. Vậy mà bây giờ, lần đầu tiên tôi rớt nước mắt vì thấy mình đã không còn ham tết.

Ở góc độ nào đó, có thể đó là dấu hiệu tích cực khi tôi dần hòa nhập với xứ sở mới mà không còn bám víu vào những thói quen, những giềng mối cũ... Điều này sẽ giúp cho cuộc sống xa quê trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Mặt khác, tôi như sợ mình xa dần với những truyền thống cũ mà Ba, Má tôi hay nói một cách bình dị: “Xưa bày nay bắt chước”...

Có thể do những yếu tố khách quan của một năm đặc biệt mà lối sống tất cả buộc phải thay đổi, nên tâm lý con người cũng bị ảnh hưởng và tôi cũng không là ngoại lệ. Cũng có thể tôi đang rơi vào cái cố tật của mình, “lo bò trắng răng”, bởi vì có thể khi dịch hết, tôi lại háo hức với tết như thường...

hj
Tết tha hương cũng có bánh chưng, bánh tét để ấm lòng những người con xa quê

Dẫu sao, tôi cũng làm cái việc tối thiểu là sắp xếp, bài trí lại nhà cửa theo một trật tự mới để đánh dấu một chu kỳ thời gian vừa hoàn tất và đón chào chu kỳ mới. Rồi bếp nhà cũng nổi lửa đãi mấy nhóc con chồng vài món ngon, trong đó có món chả giò, để rồi nhận lại tới tấp những nụ hôn và lời “chúc mừng năm mới” ngọng nghịu của mấy cha con mà thấy lòng vui... như tết.

Đến đây thì tôi nhận ra, tết của tôi bây giờ ít đặc biệt hơn ngày thường, có lẽ vì từ lâu, tôi đã sống với cảm giác “tết” mỗi ngày rồi...

Thiên Di

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI