Tết Kỷ Mùi 1979: Vui xuân bằng “vườn hoa dân tộc”

26/01/2025 - 21:40

PNO - Hội hoa xuân Tết Kỷ Mùi 1979 (tổ chức tại Hà Nội) có các loại hoa đến từ nhiều tỉnh thành, tượng trưng cho vườn hoa của một đất nước thống nhất.

Lần giở những trang báo cũ cách nay gần nửa thế kỷ sẽ thấy mùa xuân của đất nước trong những năm tháng dẫu còn gian khó nhưng rộn rã niềm vui, tràn đầy tình yêu, niềm tin, hy vọng.

Năm 1979 có lẽ là một trong những mùa xuân đặc biệt của nhân dân cả nước sau ngày giải phóng.

Báo Hà Nội Mới Xuân 1979, phát hành ngày 28/1
Báo Hà Nội Mới Xuân 1979, phát hành ngày 28/1/1979. Nguồn: chụp lại từ tư liệu Thư viện Quốc gia Việt Nam

Trên báo Hà Nội Mới (số ra ngày 27/1/1979, cũng là ngày 30 tết) có thông tin: "Năm 1978 Mậu Ngọ, qua một năm chiến đấu, khắc phục thiên tai, địch họa, nhân dân ta đã thu được nhiều thắng lợi rộn rã. Bên cạnh đó, thắng lợi vang dội của nhân dân Cam-pu-chia anh em làm chúng ta thêm vui lòng".

Từ thành phố mang tên Bác, nhà văn Triệu Xuân có bài ghi chép Thành phố vào xuân, trong đó có đoạn: "Trong các cửa hàng quốc doanh ở đường Đồng Khởi, các bác công nhân, từng cặp bạn trẻ nâng cốc chúc mừng thắng lợi của cách mạng, chúc cho độc lập, cho hòa bình mãi mãi về trên Tổ quốc của ba dân tộc Đông Dương".

"Thành phố đang chuyển mình. Những cây cỏ hoa lá cũng đổi thay. Hai công viên lớn nhất là Tao Đàn và Sở thú được cải tạo với nhiều công phu, mỹ thuật.

Mỗi ngày, một quầy rau quả mới ra đời, một gia đình công nhân được dọn về nhà mới, một khu chợ trời được xóa bỏ, một vỉa hè bị lấn chiếm được khai hoang..." (Triệu Xuân, báo Lao Động, số ra ngày 25/1/1979).

Nhà văn cũng đặc biệt ca ngợi những đóng góp và thành tựu của giai cấp công nhân cùng những cuộc chuyển mình từ "hòn ngọc Viễn Đông" năm ấy, với "sức vóc kỳ lạ của trái tim tràn đầy ước vọng".

Quâ
Bên cạnh hình ảnh thiếu nữ du xuân là ảnh quân dân xã Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vui xuân vẫn không quên tuần tra bảo vệ xóm làng - Ảnh đăng trên báo Hà Nội Mới, ngày 27/1/1979

Tại Hà Nội, không khí tết về rộn ràng ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo, Quốc Tử Giám… Hàng trăm mét vuông thảm cỏ được phủ xanh, hàng chục vạn cây hoa/cây cảnh các loại như đào, quất, cúc, thược dược... được trồng thêm ở 41 địa điểm vườn hoa, công viên.

Các khu vui chơi giải trí cho người dân thủ đô được mở rộng, nhiều trò chơi ngày xuân (bắn súng hơi, cắm hoa, bắn bi, xe đạp ba bánh...) được tổ chức; cùng các trò chơi mang tên "thăm dò tài nguyên Tổ quốc", "đường lên các vì sao, "đi thăm đất nước…".

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 19/1/1979
Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 19/1/1979

Tại Khu triển lãm Vân Hồ mùa xuân ấy có những bộ tranh cổ động chủ đề: Chào mừng chiến thắng Cam-pu-chia, Đồng khởi thi đua sản xuất và tiết kiệm. Chương trình giải trí ngày tết có vở diễn Gió chuyển mùa (Nhà hát kịch Việt Nam, với các diễn viên: Hoàng Yến, Ngọc Thoa, Định Tân, Giang Nga, Tuyết Lan…), phim điện ảnh Khôn dại (Hãng phim truyện Việt Nam) cùng một số phim từ Ba Lan, Hungary...; truyền hình phát rối, chèo, cải lương và chương trình Những bông hoa nhỏ…

Một trong những điều đặc biệt làm nên dấu ấn ý nghĩa của mùa xuân năm 1979 là Hội hoa xuân Kỷ Mùi với hình ảnh "Vườn hoa dân tộc". Nhiều loại hoa từ TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế và Hà Nam Ninh được đưa về trưng bày tại thủ đô với thông điệp "đó là vườn hoa của một đất nước thống nhất bất chấp mọi khó khăn, lúc nào cũng yêu đời, yêu hoa, quyết vươn lên trên mọi khó khăn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa".

Trẩy hội hoa xuân
Thiếu nữ trẩy hội hoa xuân tết Kỷ Mùi 1979 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội

4 năm sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, các bài viết trên những số báo trước thềm Xuân 1979 đều cho thấy những thử thách mà cả nước phải đối diện và vượt qua. Đặc biệt trong năm 1978 còn xảy ra tình trạng thiên tai, lũ lụt, mất mùa. Nhưng vượt trên tất cả là tinh thần đoàn kết, vững tin vào tương lai, hăng say lao động và đồng lòng đưa đất nước ngày một đi lên.

Thời điểm ấy, cầu Thăng Long đang được xây dựng và mang ý nghĩa biểu tượng: “Thăng Long có nghĩa là rồng bay. Rồng đã có những điểm tựa vững vàng và chắc chắn sẽ bay nhanh tới đích” (theo Hà Nội Mới, số báo ngày 26/1/1979).

Bai thơ Hoa đào của nhà thơ Tế Hanh
Bài thơ Hoa đào của nhà thơ Tế Hanh in trên báo Hà Nội Mới, tháng 1/1979

Không khí mừng xuân mới rộn ràng trên các số báo cuối năm (với các tờ Hà Nội Mới, Nhân Dân, Tiền Phong, Sài Gòn Giải Phóng). Bên cạnh tin tức cập nhật về các hoạt động ngày tết, các báo còn có thơ, câu đối, bài ghi chép về văn hóa ứng xử trong ngày xuân.

"Vui tết lao vào cuộc đỏ đen

Máu mê cờ bạc dễ thành quen

Ít-xì, đánh cá đừng nên hám

Xóc đĩa, tổ tôm chớ có thèm…(Trích bài thơ Cuộc đỏ đen, tác giả Vũ Phong, báo Hà Nội Mới, số ra ngày 26/1/1979).

Hay trong bài Vui tết có lời nhắc nhở người dân du xuân tránh ăn mặc lai căng (quần loe, áo cộc ngắn cũn cỡn), phản cảm. “Mong sao dáng vẻ khách du xuân phải là nét chấm phá trong bức tranh đường phố đẹp, chứ không phải là cái vết “hài” lố bịch, nghịch mắt” - lời nhắn nhủ từ mùa xuân gần nửa thế kỷ trước có vẻ vẫn còn phù hợp để nói về văn hóa ăn mặc hôm nay.

Một bản tin về đoàn cải lương
Một bản tin về đoàn cải lương Thanh Minh năm đó

Nhiều bài viết trao gửi thông điệp ăn tết tiết kiệm, "vui xuân không quên nhiệm vụ", tránh cờ bạc đỏ đen hay vui chơi sa đà xem "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" được đăng tải trên những số báo đầu xuân. Tận hưởng không khí ngày tết nhưng không quên nhắc nhau tinh thần xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc.

Tinh thần của nhân dân cả nước trong mùa xuân Kỷ Mùi 1979 là "giản dị, tiết kiệm" nhưng "trong niềm vui lớn, tin tưởng và hy vọng".

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI