Tết kiểu gì vẫn cứ phải rộn ràng

25/01/2021 - 05:53

PNO - Tết năm qua, chị lấy hết mọi… quyền lực đàn bà của mình thông báo với cả nhà “năm nay không ăn tết, cả nhà sẽ đi chơi”. Anh thoáng nhíu mày. Thế nhưng, phương án chị đưa ra sau bao nhiêu ngày cân nhắc khiến anh và hai đứa nhỏ cũng háo hức.

Theo kế hoạch chị vạch ra, chiều 29 tết thắp hương cho ông bà xong là cả nhà xuất phát. Chặng dừng chân đầu tiên là Phan Thiết. Chị chuẩn bị rượu và một ít đồ khô, trái cây sấy.

Chị bảo, lần đầu tiên trong đời đàn bà, chị thấy mình nhẹ nhõm và vui như thế vào mấy ngày tết. Không còn phải tất bật mua sắm cuối năm. Càng lớn tuổi, chị chỉ thấy bấy nhiêu sức lực của mình dường như bào mòn cả cho những ngày cận tết. Mua, mua và mua. Qua tết lại điệp khúc bỏ, bỏ và bỏ. Nhưng năm nào chị cũng mua sắm thiệt nhiều, cứ thấy thiếu cái này, không đủ cái kia.

Cơ quan chị, thang máy giờ hành chính cứ rộn ràng giao nhận. Mọi người xôn xao chỗ này bán gà ta ngon, chỗ kia mứt dừa nhà làm ăn cho an tâm… 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau câu chuyện mua sắm là câu chuyện dọn dẹp. Chị càu nhàu chồng, la hét con ỏm tỏi, căng như sợi dây đàn. Rồi kho thịt, muối dưa… Đến chiều tối 30 chuẩn bị đón giao thừa, ngồi nhìn đôi bàn tay của mình, chị ngậm ngùi muốn khóc. Chị vẫn luôn tự hỏi, tết thực ra là gì mà hành hạ mình đến vậy. Bao năm tự vấn, bao năm tự trả lời mà vẫn đến hẹn lại lên, quay cuồng.

Chị ngồi uống rượu với anh trong một resort ở Ninh Thuận vào đêm giao thừa. Hai đứa nhỏ ngủ trong phòng. Mùi tết vẫn đó, ấm áp, bình an. Cảm giác mình vừa tặng cho mình, cho chồng, cho con một cái tết đúng nghĩa hơn bao giờ hết.

Cho dù cuộc sống hiện đại hơn, chúng ta đã có thể thuê người dọn nhà, sử dụng thức ăn nấu sẵn, mua bánh mứt online, thậm chí có thể không ăn tết mà chỉ chơi tết, thì từ trong tiềm thức, tết vẫn cứ phải rộn ràng. 

Với hầu hết người Việt, tết dường như là một chuỗi những sự kiện liên hoàn mà cả gia đình đều phải tham gia. Mọi người bận rộn từ lúc bắt đầu hái lá mai, sửa lại nhà, đánh bóng lại chiếc xe máy, chà bộ lư đồng, đánh véc-ni bộ ghế cũ, chọn những chậu hoa tươi nhất để trước hiên nhà… Cứ thế, danh sách những việc cần làm ngày càng dài ra. 

Theo khảo sát của Công ty TNS trong ba năm trở lại đây, mức chi tiêu trung bình của người Việt Nam trong dịp tết khoảng 15 triệu đồng, bằng ba tháng thu nhập trung bình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thống kê số liệu của Kantar Worldpanel còn cho thấy, trong mùa tết 2019, sức mua cho tiêu dùng tại nhà của các gia đình Việt Nam ước tính đạt 46.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với sức mua các tháng còn lại trong năm. Nhà nào cũng lao vào tiêu tết cho thật nhiều. 

Như thể thức ăn phải thừa mứa mới mang được ước vọng giàu sang, nhà cửa phải thật tươm tất mới nhận được nhiều tài lộc nên dù muốn hay không, vẫn cứ mua sắm thật nhiều. Và chưa hết, theo thống kê, chỉ riêng TP.HCM, dịp tết, người ta tiêu thụ khoảng 44 triệu lít bia. Sự thảnh thơi của năm ba ngày tết chắc chắn không thể bắt đầu từ những con số này.

Lan Khôi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI