Tết không nghỉ thì bao giờ nghỉ?

06/02/2024 - 06:10

PNO - Tết là dịp được thảnh thơi, nhưng nhiều chị em lại biến tết thành những ngày đầu tắt mặt tối, còn mỏi mệt bơ phờ hơn cả ngày thường.

 

Không phải gia đình nào cũng thảnh thơi đưa con đi chơi tết (ảnh: Phùng Huy)
Không phải bà mẹ nào cũng thảnh thơi đưa con đi chơi tết - Ảnh: Phùng Huy

Năm nào Dung cũng lên kế hoạch tết từ trước 2-3 tháng, chi bao nhiêu tiền, đi đâu, làm món gì. Năm nay cô làm cả một bản kế hoạch để chồng và 2 con “duyệt”, ai cũng hào hứng.

Chồng Dung nói: “Vợ tuyệt vời. Năm nay nhất định phải thế”. 2 con bảo: “Con thấy nhẹ cả đầu mẹ ạ” (cứ như chúng cũng phải lo toan như cha mẹ).

Vấn đề ở chỗ, chẳng năm nào mọi việc diễn ra đúng kế hoạch. Tiền luôn phải chi nhiều hơn vì những phát sinh. Món ăn cũng phải thay đổi vì gia đình chồng yêu cầu không làm món này, không thích món kia. Còn việc đi đâu thì luôn tệ nhất.

Có năm chỉ đi chúc tết 1, 2 người bạn thân, có năm chỉ lên núi hay ra bờ hồ chơi 1 buổi chiều. Còn lại, Dung luôn phải ở nhà chuẩn bị cơm tiếp khách cho đến tận Mùng 5, khi các cô em chồng đã xong tết nhà nội và quay về ăn bữa cơm hết tết nhà ngoại.

Năm nay, vừa làm kế hoạch xong thì Lan nhắn tin rủ: "Tết năm nay bọn mình lập team đi chơi đâu đó thôi. Mười mấy năm, tết nào cũng như tết nào, chán lắm rồi!".

Dung đọc tin nhắn của bạn, thẫn thờ gõ: “Năm nào tớ cũng phải hết Mùng 5 mới được “thả”. Năm nay mẹ chồng mệt, chắc phải Mùng 8 cơ quan khai xuân mới đi được”.

Ngay lập tức Lan “sa sả” trên bàn phím: “Bọn mình già mất rồi, cậu định trung thành với kịch bản tết cũ rích nhà chồng đến bao giờ?”.

Lan là mẹ đơn thân, tự chủ mọi mặt, nên tết cô chỉ dành thời gian cho bản thân và con gái. Hai mẹ con đi chúc tết ông bà ngoại xong về ôm nhau ngủ, lúc nào đói thì ăn, thích món gì làm món đó, thích nghe nhạc hay xem phim gì cũng được, không phải rồng rắn kéo nhau đi chúc tết họ hàng cô bác cho ai cũng thấy mặt, điểm tên, không phải “lì xì” cho xong nghĩa vụ, không phải miễn cưỡng dọn mâm với những món ăn ngán ngẩm hay phải hì hục dọn rửa nấu nướng cả ngày.

Từ mấy năm trước Lan đã “cảnh cáo” Dung. Rằng thì tuổi trẻ ngắn lắm, đừng dại mà lãng phí, rồi thì tết là dịp sum vầy, được thảnh thơi, sao cậu lại biến nó thành những ngày đầu tắt mặt tối, còn mỏi mệt bơ phờ hơn cả ngày thường thế.

Tết là dịp được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm vất vả (Ảnh minh họa)
Tết là dịp được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm vất vả - Ảnh minh họa

Lan nói đúng. Tết là kỳ nghỉ, là dịp để nghỉ ngơi, thư thái, có như thế thì tâm trạng mới tốt, phóng khoáng để chào đón năm mới. Muốn cầu năm mới được an lành, vui vẻ, thì tâm trạng phải vui vẻ. Vậy mà, với nhiều người, tết lại là chuỗi ngày tất bật khi từ 23 đến tận giao thừa túi bụi với những công việc dọn dẹp, nấu nướng, rồi nghỉ ngơi dăm ba tiếng đêm giao thừa, sáng sớm Mùng 1 đã làm cơm cúng, trưa Mùng 1 làm cơm cúng, tối Mùng 1 lại làm cơm cúng.

Không chỉ cơm cúng, mà còn cơm khách. Khách của ai cũng “vô cùng quý hóa”, "vô cùng quan trọng”, nên ai cũng phải mời vào mâm uống chén rượu, ăn lát bánh chưng. Theo Lan thì, ông bà kiêng làm những việc không vui vào đầu năm, vậy thì tại sao lại tất bật cỗ bàn chúc tụng ròng rã mấy ngày tết?

Lan bảo, sự khác biệt giữa một mẹ đơn thân và một mẹ đùm túm gia đình là có, nhưng không lớn. Quan trọng là phải biết dành thời gian cho mình, phải thương mình, lo cho mình trước.

Nghe Lan nói, Dung xem lại bản kế hoạch tết của mình, cô chưa biết sẽ sửa thế nào, nhưng chắc chắn là cô sẽ sửa.

Ngân Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI