Tết, Hà Lan, và bông tuyết xoay trong gió

11/02/2021 - 07:20

PNO - "Thậm chí nếu gặp phải những lời hỏi han kém duyên, bạn cũng hãy cảm ơn cuộc sống, vì ít nhất bạn còn có tết - điều mà nhiều người như tôi đang ước mơ", giọng Lynh.Q nhẹ bẫng trong điện thoại.

Tháng 2/2021, những bông tuyết đầu tiên ở xứ sở hoa tulip bắt đầu rơi sau 2 năm chờ đợi, phủ kín những con phố vốn tấp nập đèn hoa giờ cô quạnh, vắng lặng bởi lệnh giãn cách xã hội. Đây cũng chính là khoảng thời gian được mong chờ nhất với cộng đồng người Việt ở Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung - Tết Nguyên đán.

Khác với các năm trước, Tết Nguyên đán năm nay tất cả các quán xá, nhà hàng châu Á, phố Tàu chẳng buồn dán câu đối đỏ, vẽ đào mai lên những ô cửa kính để chuẩn bị “tống cựu nghinh tân”, khiến tâm trạng những người con xa xứ lại càng nặng lòng hơn.

Phố xá Hà Lan phủ đầy tuyết,
Phố xá Hà Lan phủ đầy tuyết, không còn cảnh một số nhà hàng châu Á trang hoàng sắc đỏ, trưng hoa... đón Tết Nguyên đán như các năm trước, vì dịch COVID-19.

Thanh Phương, cựu học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu - hiện đã lập gia đình và sinh sống tại Berlin 10 năm - cho biết, tết với gia đình cô đơn giản nhưng vẫn duy trì truyền thống để nuôi dạy các con. Cô và chồng gặp nhau khi vừa sang Hà Lan du học. Từ đó, tết đơn giản nhưng vẫn sắm đủ một mâm cơm cúng ông Táo, ngày 30 xin về sớm hơn, mua bánh chưng, giò lụa, xôi và tự luộc con gà, xào thêm đĩa rau, bày biện hoa quả nhỏ nhỏ canh giờ Việt Nam (18g giờ Hà Lan) bày mâm cơm cúng trời – đất.

"9g tối, chồng đi làm về, cả gia đình hạ lễ ăn uống quây quần gọi điện về Việt Nam chúc tết ông bà và ba mẹ con nhận tiền lì xì từ ông xã để lấy lộc đầu năm. Tết năm nay không có không khí tấp nập như trước, vì dịch, kinh tế bị ảnh hưởng, mua sắm cũng ít hơn, thêm nữa, vẫn đang trong giai đoạn giãn cách xã hội. Hết ngày 30 là coi như hết tết, mùng Một mọi người ai trở về việc nấy”.  

Còn với phần đông du học sinh mỗi năm vẫn mua tấm vé về Việt Nam đón tết, đồng nghĩa “đốt” gần 1/3 số tiền học phí, giờ chọn cách ở lại đi làm. Cũng có những bạn đã lên kế hoạch về quê hương ăn tết, nhưng buộc phải huỷ vì dịch COVID-19, như Jolly Trương (Hospitality, ĐH Hanze, Hà Lan).

Sài Gòn - một nhà hàng Việt Nam tại xứ sở hoa tulip, năm nay cũng không trang hoàng đón tết.
Sài Gòn - một nhà hàng Việt Nam tại xứ sở hoa tulip, năm nay cũng không trang hoàng đón tết.

“Thèm lắm hương vị tết quê nhà, cái cảm xúc này chỉ có những con người xa nhà mới cảm nhận rõ nhất, 2 năm rồi không về, nhớ Sài Gòn, nhớ mẹ, thèm được mặc áo dài lượn vườn hoa Nguyễn Huệ… Kế hoạch về Việt Nam của mình bị “toang” vì COVID-19. Buồn, nhưng thôi! Xa nhà là yêu nước”, cô tự sự.

Đoàn Thanh Long (sinh viên khoa Information Management, ĐH Wittenborg, Hà Lan) cho biết thời gian đầu khi mới qua học, mỗi lần tết sắp đến là anh nôn nao. Nào là  lên kế hoạch, đặt vé máy bay, đi mua quà tết... Long đều mang cảm giác háo hức. Với anh, được về nhà sau 1 năm học hành nơi xa xứ, được gặp lại gia đình, đi chơi cùng đám bạn... thật sự đáng quý biết nhường nào.

"Năm nay không về ăn tết được, hụt hẫng lắm. Từ thời điểm thấy bạn bè, người người nhà nhà trang hoàng chuẩn bị gói bánh đã tủi thân. Mặc dù bên này Long có đón tết cùng các du học sinh khác nhưng cũng chỉ phần nào cái không khí của những ngày tết quê nhà thôi. Bình thường đi học, đi làm thêm 1 tuần mình chỉ gọi về nhà 1 lần, tết đến ngày nào mình cũng gọi điện trò chuyện cùng gia đình, để phần nào được hoà chung cái không khí ấm cũng xum vầy của tết xa xứ với tết quê nhà. Năm nay, bọn mình cũng tụ tập vài món đặc trưng ngày tết và cùng chúc nhau năm mới bình an”.

Hoạt động để nhớ tết cổ truyền của du học sinh Việt tại Hà Lan
Mặc áo dài, trang trí pháo, bánh chưng... để nhớ tết cổ truyền của du học sinh Việt tại Hà Lan.

Lynh.Q (nghiên cứu sinh Media Campaigns tại Trung tâm truyền thông báo chí Hà Lan và MCI tại ĐH Wittenborg) không được đón Tết Việt đã 3 năm. Khác với 2 năm trước, cô luôn được ba gọi để nhắc nhớ tết cận ngày, thậm chí còn vẫn nhận được tiền lì xì bằng tài khoản, tết thứ 3 này, Lynh.Q chỉ có một mình.

“Sáng nay vừa mở mắt, cả khu vườn sau nhà trắng xoá, những bông tuyết lạnh lất phất bay, vỗ nhẹ vào mặt. Tôi nhớ nhà, nhớ ba và mẹ. Năm 2020 đã cướp đi ba tôi, đột ngột và choáng váng. Tết này mẹ tôi một mình đón giao thừa trong ngôi nhà vắng ba… điều duy nhất tôi có thể làm là nhờ mua 1 giỏ quà tết đặt lên bàn thờ ba, gọi điện hỏi thăm mẹ đêm giao thừa. Bất giác tôi cảm thấy chưa bao giờ ghét tết như thế”.

Lynh.Q nói, tết với người Việt xa xứ, là chiếc neo nhắc nhớ những ai còn “nhà” hãy trở về, còn ba – mẹ thì hãy trân trọng vì nghĩa là còn được nghe những lời yêu thương, lời chúc sức khoẻ. "Thậm chí nếu gặp phải những lời hỏi han kém duyên, bạn cũng hãy cảm ơn cuộc sống, vì ít nhất bạn còn có tết - điều mà nhiều người như tôi đang ước mơ", giọng Lynh.Q nhẹ bẫng trong điện thoại.

Bài, ảnh: Diệu Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI