Tết giản đơn, được không?

21/01/2019 - 09:00

PNO - Tết có ý nghĩa khởi đầu, mang biết bao nhiêu gửi gắm, kỳ vọng của con người vào ngày mai tươi sáng... Thế nhưng, từ bao giờ, tết là sự thừa mứa, là cuộc hành xác, để không ít người lại la toáng lên: khổ vì tết

Náo loạn vì tết

Cứ đầu tháng Chạp, là phụ nữ công sở náo loạn, người này xin nghỉ phép, người  kia xin về sớm vì “phải dọn nhà”. Giờ nghỉ trưa, chị em kéo nhau đi chợ, râm ran chia sẻ món hàng vừa mua được. Đang giờ làm, có nhiều cô liên tục điện thoại rồi nhấp nhổm ra cổng lấy hàng đặt online. 

Tet gian don, duoc khong?
Ảnh minh họa

Tết nên người ta luôn mong có thật nhiều tiền và thời gian để thỏa sức mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Mua quần áo cho con, cho chồng, mình ít ra phải có một bộ đồ mới, đôi giày mới. Nhà thì phải thay drap mới cho hên. Bộ sofa cũng phải bọc lại cho mới chứ ai lại “để người ta nghĩ mình nghèo...”. Còn bình hoa nữa, phải có mai có đào mới ra ngày tết... 

Là tết, nên người người than vãn “ước gì có ba đầu sáu tay” mới kịp thời gian.

Tết, nên thức ăn thừa mứa, tủ lạnh đầy nghẹt, bia rượu tràn ra lối đi.

Là tết, nên quà cáp biếu xén nhau tấp nập.

Theo các chuyên gia kinh tế, mùa tết là mùa làm ăn của ngành hàng tiêu dùng. Mức tiêu dùng trong một tháng tết ở các hộ gia đình khu vực thành thị Việt Nam tăng 80% so với ngày thường. Chỉ riêng TP.HCM, dịp tết 2018, tiêu thụ 44 triệu lít bia, một con số “khủng”. Sức mua mùa tết 2018 ước tính đạt trên 45.000 tỷ đồng cho tổng thị trường Việt Nam, gần gấp đôi giá trị mỗi tháng thường, tương đương với 1% tổng GDP 2017. Đây là số liệu từ báo cáo tết năm 2018 do Kantar Worldpanel tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê.

Dù không có những con số thống kê, thì cánh phụ nữ vẫn nhớ rất rõ những cái tết đã qua trong đời mình. Mua sắm và điên cuồng mua sắm. Rồi sau đó cả tháng Giêng lo giải quyết thức ăn ế thừa.

Tối giản tết

“Như một cơn ác mộng”, chị Thanh Hiền làm việc trong một công ty đa quốc gia, kể về cái tết đầu tiên của mình khi về Quảng Ngãi làm dâu. Hiền nói, 4g sáng mẹ chồng gọi dậy chuẩn bị mâm cúng cho ba chồng, đều đặn từ ngày 30 đến lúc hết mùng. Giáp tết, đêm nào chị và mẹ cũng thức đến khuya để làm bánh, nấu nướng, ban ngày thì đi chợ dăm bảy bận, nhớ quên ngược xuôi để mua cho đủ. Suốt những ngày “mùng”, họ hàng chú bác lục tục đến chúc năm mới, ai cũng quá no, quá chén mà mẹ chồng cứ giục mang thức ăn lên tiếp khách. Rửa mâm bát, dọn thức ăn thừa, lại dọn mâm lên, thực sự Hiền kiệt quệ sức lực và tinh thần, chỉ mong tết qua mau.

Tet gian don, duoc khong?
Ảnh minh họa

Hiền thầm nghĩ, người ta tốn một số tiền lớn để mua vé tàu xe, để được về quê mà say sưa lê lết từ ngày này qua ngày nọ, chứ có thực sự sum vầy đâu? Những cái tết chỉ mang tính hình thức màu mè, phô trương còn đâu nữa ý nghĩa. Sao chúng ta không thử chọn cho mình một cái tết thật gọn gàng, tối giản?

Quần áo có thực sự cần thiết phải sắm trong dịp tết không? Chúng ta đã có cả năm để mua sắm đồ đẹp, có người hoang phí tới quần áo mua trong năm còn chưa kịp cắt mạc. Vậy mà tết lại phải có quần áo mới, đôi giày mới, thậm chí phải đổi cả chiếc xe mới. Thức ăn có thực sự cần trước sau đầy ắp thế không? Chúng ta đã không còn mong đến tết để được ăn một bữa ngon vì tiệc tùng suốt năm rồi. Một cành mai đã thấy tết. Vài chậu cúc cũng là ngày xuân. Mà thậm chí không có hoa lá, tết vẫn đến và vẫn vui. 

Tết đoàn viên đúng nghĩa là dịp để cả nhà bên nhau ăn bữa cơm chung, trò chuyện thân tình. Sáng ra có thể ngủ muộn một chút, thư thả cùng nhau ngồi quán cà phê và được chụp hình kỷ niệm. 

Tết là dịp để thư thả, sống chậm, xem một bộ phim hay, đọc một cuốn sách mua từ lâu chưa mở, hay chỉ để ngồi nghỉ ngơi, uống trà, ăn mứt và cười nói rộn ràng. Tết là dịp để chúc nhau mọi sự hanh thông, bình an, hạnh phúc.

Là dịp để chỉ cho phép mình được vui, không căng thẳng lo toan, không mệt nhoài. Thích ăn gì ăn, thích làm gì làm. Tết để cùng nhau đi chơi, được leo núi, được tắm biển, được tự do hít thở khí trời.

Càng đơn giản càng khỏe, càng vui. Vì vậy, tại sao không cùng nhau tối giản những rườm rà của tết?

Lan Khôi

Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cho hay, mức chi tiêu trung bình của một người tiêu dùng Việt Nam trong suốt dịp tết tương đương 14,2 triệu đồng. Chi phí đi lại là chi phí tăng vọt trong mỗi dịp nghỉ lễ, lượng chi tiêu cho các vật dụng gia đình, đồ ăn thức uống hay trang thiết bị cá nhân như quần áo, thường là mua quần áo mới cho tất cả thành viên trong gia đình, cũng tăng đột biến. Ngoài ra, người  Việt còn phải chi tiêu cho việc mua quà biếu mỗi dịp tết đến xuân về. Chi phí này cũng ngốn khá nhiều tiền, thậm chí còn hơn cả tiền thưởng tết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI