Tết gần kề mà tôi chỉ có 50 ngàn đồng trong túi

18/01/2023 - 15:25

PNO - Tôi vừa nhận thông báo của vợ: "Tết năm nay tiết kiệm hết mức, dành tiền sang năm mua nhà”. Nghe xong, tôi ước... khỏi có tết.

 

Vợ xiết tiền, tôi chỉ muốn trốn tết (ảnh minh họa)
Vợ xiết tiền, tôi chỉ muốn trốn tết (Ảnh minh họa)

Tết cận kề, cha mẹ, bạn bè tôi ở quê í ới nhắn, gọi hỏi: “Ngày nào về quê?”.

Tôi không thể trả lời, vì vợ quản hết thu nhập của tôi. Cô ấy thông báo “Năm nay, mỗi người xài tết 2 triệu đồng, để dành tiền sang năm mua nhà”. Vợ còn giải thích thêm: “2 triệu đã bao gồm mua sắm quần áo tết, quà bánh cúng nội ngoại”.

Năm nay, công ty tôi làm ăn khấm khá, thưởng tết cũng hơn 20 triệu đồng. Tôi nghĩ, thể nào năm nay vợ chồng tôi cũng có cái tết xông xênh, bù lại năm vừa rồi tả tơi vì công ty ngừng hoạt động.

Nhưng tôi không ngờ, sau cái tết không mua sắm gì của năm ngoái (vì không có tiền), vợ tôi lấy đó làm thước đo, cho rằng năm nay chúng tôi cũng nên ăn tết tiết kiệm như vậy, phải dành dụm để mua nhà.

Tôi chỉ biết kêu trời với bà vợ tính toán quá đáng. Lúc mới yêu, vợ tôi - khi đó là bạn gái đã ra điều kiện “tài chính của vợ chồng em giữ, từ giờ thu nhập của anh em sẽ quản”. Từ ngày đó, tôi chính thức mất quyền kiểm soát tiền của mình. Bạn gái chuyển thu nhập của tôi vào một tài khoản tiết kiệm và chỉ chừa tôi đúng 1,2 triệu đồng/tháng. Cô ấy dặn “mỗi ngày, anh chỉ xài tối đa 40 ngàn đồng, và xài càng ít càng tốt, cuối tháng còn dư thì có thưởng. Còn xài lố thì không được ứng lương trước”.

Sau khi cưới (cuối năm 2020) tôi chính thức mất luôn cái thẻ ATM vào tay vợ. Vợ cắt giảm tiền phát hàng ngày của tôi xuống chỉ còn 30 ngàn. Cô ấy nấu cơm và pha cho tôi bình cà phê để mang theo.

Vợ dặn: “Em đã chuẩn bị cơm nước chu đáo, giờ anh chỉ tốn mỗi tiền đổ xăng, mà đổ xăng 1 tuần chưa hết 10 ngàn đồng. Duy nhất ngày thứ Hai đầu tuần là tôi được vợ phát 100 ngàn đồng. Lý do vì những ngày khác tôi được đồng nghiệp mời cà phê, nên đầu tuần là ngày tôi bao lại. Tổng cộng 6 người là 90 ngàn đồng tiền cà phê, còn dư 10 ngàn đồng thì vợ cho tôi dằn túi.

Tôi không có tiền, nhưng sau giờ làm hay cuối tuần, vợ bắt tôi chở cô ấy đi coi bất động sản. Vợ tôi có niềm đam mê mãnh liệt với nhà đất và cô ấy đặt mục tiêu: “3 năm mua 1 căn nhà, hoặc 1 miếng đất, không phố thì ngoại ô, không thành phố thì tỉnh lẻ”. Vì vậy, khi quản tất tần tật thu nhập của tôi, vợ luôn đưa ra viễn cảnh “Em giữ tiền này, chỉ vài năm nữa anh sẽ có nhà đẹp”. Vợ còn đánh vào đam mê của tôi: “Lúc đó, anh muốn nuôi cá hay trồng lan bao nhiêu cũng được”.

Vì giấc mơ vợ vẽ nên tôi đành nộp hết lương cho vợ. Chuyện vợ tôi tận thu tiền của chồng, cả họ hàng nhà vợ đều biết và ai nghe cũng lắc đầu. Có lần, má vợ tôi la con gái: “Con phải cho chồng con ít nhất 1 triệu đồng dằn túi, lỡ có chuyện gì nó còn xoay xở. Chứ chẳng lẽ, bánh xe bị bể cũng gọi điện cho con đem tiền ra”. Má vợ tôi làm căng, nên vợ mới tôi cho tôi tờ 500 ngàn bỏ trong bóp.

Tôi tưởng đời mình từ đây lên hương, có tiền rủng rẻng. Nhưng, vợ chồng đi xem phim, vợ kêu “mua vé đi anh”. Cuối tuần ra ngoài ăn, vợ cũng “tính tiền đi anh”.Vợ đi shopping, chọn một chiếc đầm gần 500 ngàn đồng, vợ lại năn nỉ “mua tặng em đi anh”. Tôi đùa: “Em chờ anh... bán thận đi”.

Vợ nhìn tôi trân trân, rồi thỏ thẻ câu quen thuộc: “Ủa, mới đưa tiền đây mà, anh làm gì mau hết dữ vậy?”. Sau lần này, tôi tự nguyện quay về kiếp mỗi sáng được vợ phát tiền hàng ngày. Thà giữ 30 ngàn đồng, nhưng tôi không phải chịu áp lực và cảnh bẽ bàng như trên.

Thật ra, ban đầu, khi giao hết thu nhập cho vợ tôi rất vui. Vì làm đàn ông mà “đem tiền về cho vợ” thì rất oách xà lách (mỗi lần tôi giao lương, vợ tôi vui như tết). Nhưng niềm vui của tôi cứ vơi dần theo thời gian.  Đành rằng, tiết kiệm thì tiết kiệm, nhưng tết là tết. Tết phải có sắm sửa quần áo mới, có tiền dằn túi để đi chúc tết, mừng tuổi ông bà, lì xì các cháu, nhậu nhẹt lai rai với anh em. Tôi còn dự định, năm nay sẽ mua một gốc mai hay đào về chưng tết, đánh dấu một năm công việc tôi khởi sắc. Vậy mà, vợ tôi dập tắt hết mọi ước mơ.

Tết gần kề, mà tôi vẫn là thằng đàn ông trưởng thành đi ra đường chưa bao giờ vượt quá 50 ngàn đồng trong người.

Nguyễn Văn Thái

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI