Tết đến ngõ rồi, cha vẫn muốn làm thủ tục từ bỏ con...

21/01/2020 - 17:35

PNO - Chú nói: "Không thể chấp nhận đứa con này nữa". Nhưng đời người, những gì ta làm hôm nay biết đâu ngày mai thành niềm hối tiếc. Ngoài kia, có ai thương ai bằng người trong gia đình đã dành cho nhau.

Tôi nhận cuộc gọi của chú khi đang dạo phố xuân. Những ngày giáp tết, mọi nẻo đường đều như bừng lên những sắc hoa, rực rỡ, xinh đẹp. Phố khoác lên mình tấm áo mới của thời khắc giao mùa. Thời điểm này, nhà nhà nô nức đón tết, người người hối hả về quê.

Vậy mà, câu hỏi của chú là về... thủ tục pháp lý cho chuyện từ bỏ con cái. "Không thể chấp nhận đứa con này nữa" - chú bảo vậy.

Chú hỏi tôi có quen biết cơ quan, luật sư nào để chú nhờ tư vấn. Tôi thẫn thờ. Tôi không hỏi chú tại sao, vì có rất nhiều chuyện vốn dĩ không nên hỏi người khác những lý do, tôi chỉ nghĩ rằng đã có chuyện gì đó lớn, rất buồn, rất bế tắc trong gia đình chú.

Tôi không đủ thân thiết để hiểu, càng không muốn tò mò chuyện riêng của người khác. Nhưng tôi biết chắc rằng luật pháp đâu có cho công dân (ông bà, cha mẹ) từ bỏ con cái, trừ trường hợp là con nuôi.

Ngoài phố các gia đình du xuân đông vui đến vậy mà...
Ngoài phố các gia đình du xuân đông vui đến vậy mà...

Nhẹ nhàng khuyên chú có chuyện gì để qua tết hãy tính. Tết là dịp để gia đình đoàn viên sum vầy cơ mà. Vậy nhưng vẫn nặng lòng với câu chuyện ngày cuối năm, tôi gõ tìm các cụm từ "cha mẹ từ con", "con cái từ bỏ cha mẹ" trên Google. Thật ngạc nhiên - và cũng đau lòng thay, từng có rất nhiều trường hợp nhờ tư vấn tương tự.

Lý do có thể là con cái nợ nần tiền tỷ rồi bỏ trốn nhiều năm khiến cuộc sống cha mẹ lao đao vì bị chủ nợ truy đòi nợ. Có trường hợp con cái quá ngỗ ngược mà cha mẹ không muốn nhìn mặt nữa. Ngược lại, cũng có chuyện con cháu muốn từ bỏ ông bà, cha mẹ vì rất nhiều lý do. 

"Nước mắt chảy xuôi". Mẹ tôi từng nói, chỉ có con cái bỏ cha bỏ mẹ chứ cha mẹ nào nỡ từ bỏ con cái. Ấy vậy mà, trong thời đại 4.0 này, những chuyện tưởng chừng không thể vẫn đã và đang xảy ra. Một người anh từng nói với tôi, gia đình nào cũng có đầy rẫy những vấn đề, những mâu thuẫn, những mệt mỏi... Nhưng rồi sau tất cả, gia đình vẫn là gia đình. Tôi vẫn luôn tin như vậy. Nhưng có lẽ, biển đời mênh mông, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Không một ai có thể hiểu hết những bi kịch của đời...

Cha tôi nằm lại với cánh đồng đã nhiều năm rồi. Năm tháng xưa cha cũng từng có lỗi với mẹ, với các con. Nhưng lá rụng về cội. Chị em tôi mỗi dịp về tảo mộ, chỉ còn nhớ những gì tốt đẹp nhất về cha, chỉ còn nhắc nhau nghe những câu chuyện rất đẹp của ký ức - dù vô cùng hiếm hoi về ông. Và có lúc, tôi đã ước rằng, giá mà cha tôi còn sống, tuổi già trở lại mái nhà xưa và được đón những cái tết sau này với gia đình. Giản dị thôi, bình thường thôi mà nhẹ nhàng, hạnh phúc. Thời gian sẽ xoa dịu hết, tha thứ hết.

Nhưng người đã mất rồi, còn ước mong gì. 

Vì sao người cha ấy muốn bỏ con, câu hỏi ấy nhức nhối lòng tôi ngày giáp tết. Ảnh minh hoạ
Vì sao người cha ấy muốn bỏ con, câu hỏi ấy nhức nhối lòng tôi ngày giáp tết. Ảnh minh hoạ

Tết về đến ngõ rồi, mà sao cha lại muốn từ con? 

Câu hỏi ấy cứ lãng vãng trong suy nghĩ khi tôi giở lịch đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa đến giao thừa. Cuộc đời bé mọn, con người ta trong chốn nhân gian này nhiều nỗi niềm quá. Tôi không biết người chú ấy có tiếp tục tìm đến những cơ quan, những văn phòng luật còn làm việc những ngày cận Tết; hay sẽ lặng lẽ trở về nhà tiếp tục một cuộc đấu tranh bằng yêu thương. 

Đời người, những gì ta làm hôm nay biết đâu ngày mai sẽ trở thành niềm hối tiếc. Ngoài kia, có ai thương ai bằng tình cảm mà gia đình đã dành cho nhau. 

Cũng chỉ mong, người với người sống trong cuộc đời này chọn tình thương mà đối đãi với nhau. Còn được cùng nhau nếm trải những hỷ nộ ái ố của đời này cũng đã là một diễm phúc. Nghĩ được vậy, làm được vậy, mọi mâu thuẫn, trách giận, thù hận...cho dù có lớn lao đến mấy cũng đều có cách hóa giải. 

Tết đến, mong niềm vui nhiều hơn gấp triệu triệu lần những ly tan...

Từ Phong

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI